Lần gãy chân cách đây nhiều năm khiến Eliza Pierko không thể vận động mạnh. Các đồng nghiệp thậm chí còn cho rằng cô không bao giờ có thể chạy lại được nữa. Tuy nhiên, vài tuần trước, nữ bác sĩ hiện sống ở Chicago (Mỹ) đã quyết định xỏ giày tham gia giải marathon ở Berlin (Đức).

Ở mốc 34,6km, Pierko nhìn thấy một người đàn ông nằm bất động. Vốn là bác sĩ thể thao, cô không xa lạ với việc chăm sóc các vận động viên bị thương. Nhưng đây là lần đầu tiên Pierko cấp cứu cho bệnh nhân trên đường chạy.

"Người chạy bộ đó đã ngừng thở , da chuyển dần sang màu xanh tím", Pierko kể với NBC .

bac-si-cuu-nguoi-4747-1729738447399-17297384476161160199027.jpg

Bác sĩ Eliza Pierko. Ảnh: Suntimes

Pierko và một nhân chứng khác sau đó thực hiện ép ngực cho người đàn ông trong hơn 4 phút đến khi có lực lượng hỗ trợ. Sau khi gửi gắm bệnh nhân cho người đáng tin cậy, Pierko quay trở lại đường đua.

Chồng của Pierko cũng tham gia giải đấu cùng vợ nhưng chạy trước đó khoảng 800m. Khi họ chạy ngang nhau, Pierko đã kể lại sự việc vừa xảy ra trong lúc chồng ghi hình cô. "Adrenaline có tác dụng quá nhanh, tôi không cảm thấy gì cả. Tôi không biết mình tìm đâu ra đủ năng lượng để làm điều đó, bản thân tôi cũng ngạc nhiên", Pierko nói. Adrenalin là một hormone được sản xuất khi cơ thể con người sợ hãi, tức giận hay thích thú, có tác dụng điều chỉnh làm tăng lượng oxy cung cấp cho não và các cơ.

Trước đây, nữ bác sĩ đã thực hiện hô hấp nhân tạo cho hàng chục bệnh nhân. Cô tin rằng bất kỳ ai quen thuộc với phương pháp này đều có thể tham gia và giúp đỡ người gặp nạn.

"Hồi sức tim phổi kiểu nào cũng tốt hơn không làm gì. Ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình không thành thạo, bạn vẫn có thể lao vào hành động và giúp đỡ bạn chạy cùng. Bạn không cần phải là bác sĩ để cứu mạng người khác", Pierko nói.

Trong giải chạy lần này, Pierko không chỉ hoàn thành cuộc đua mà còn phá vỡ kỷ lục chạy marathon cá nhân của mình.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022