Tham gia workshop "Tự tin tỏa sáng - Dare to shine", hoạt động song hành Giải Bóng rổ Trẻ năm 2024 - Cúp Ziaja vào sáng 21/10, tại trường THPT Chu Văn An, BS CKII Nguyễn Ngọc Diệp, Bệnh viện Da liễu Hà Nội chia sẻ những nguyên nhân gây ra mụn ở tuổi dậy thì cũng như cách điều trị và chăm sóc sau mụn để có làn da mịn màng.

Trứng cá là gì?

Trứng cá là một rối loạn thường gặp của nang lông tuyến bã. Bệnh biểu hiện bằng nhiều loại tổn thương khác nhau như mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn viêm, mụn mủ và nang. Các tổn thương khu trú ở vị trí tiết nhiều chất bã như mặt, ngực, lưng. Khoảng 80% trường hợp trứng cá gặp ở tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt giai đoạn dậy thì. Ngày nay, trứng cá được xem là bệnh lý mạn tính, tồn tại dai dẳng, có thể kéo dài từ tuổi vị thành niên đến năm 30 - 40 tuổi, với các đợt tái phát.

dsc07660-1-1-1729505715-3289-1729505746.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-i1HhkngFogNCFuatusukQ

Từ trái sang phải: Nhà sáng tạo nội dung Trịnh Hà Vi, BS CKII Nguyễn Ngọc Diệp - Bệnh viện Da liễu Hà Nội và MC - nhà báo Thành Dương tại sự kiện. Ảnh: Tùng Đinh

Nguyên nhân

Sinh bệnh học của bệnh trứng cá có nhiều yếu tố nhưng có 4 nhân tố chính đã được xác định gồm: tăng sinh thượng bì nang lông, sản xuất quá nhiều chất bã, viêm nhiễm, sự hiện diện và tác động của vi khuẩn P.acnes.

Tăng sinh thượng bì nang lông

Tăng sinh thượng bì nang lông thường dẫn đến hình thành tổn thương tiên phát của mụn trứng cá là các cồi nhỏ (microcomedo). Biểu mô của phần trên nang lông tăng sừng cùng với tăng sự kết dính các tế bào sừng tạo thành một nút trong lỗ chân lông. Nút này tạo điều kiện cho khối chất sừng, chất bã, vi khuẩn đến tích tụ, làm giãn lỗ chân lông, hình thành các cồi mụn nhỏ. Cơ chế gây kích thích tăng sinh tế bào sừng và gia tăng sự kết dính còn chưa rõ.

Tuy nhiên, các yếu tố làm tăng sinh tế bào sừng bao gồm sự kích thích của androgen. Dihydrotestosteron (DHT) là thành phần androgen có vai trò thúc đẩy hình thành mụn trứng cá. Trong bệnh trứng cá có sự gia tăng 17β-HSD và 5α-reductase tại các tế bào sừng ở nang lông dẫn đến tăng DHT, từ đó kích thích tăng sinh tế bào sừng ở nang lông. Bên cạnh đó, việc giảm linoleic acid, một acid béo thiết yếu của da, có thể gây tăng sinh tế bào sừng ở nang lông và sản xuất các cytokine tiền viêm. Cuối cùng, tăng hoạt tính của interleukin -1a làm tăng sinh các tế bào sừng ở nang lông và hình thành mụn nhỏ.

Sản xuất quá nhiều chất bã

Ở bệnh nhân trứng cá có hiện tượng sản xuất chất bã nhiều hơn người bình thường. Triglycerides là một trong những thành phần của chất bã. Triglycerides bị phá huỷ thành các acid béo tự do,tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn P.acnes phát triển, gây nên hiện tượng viêm và tạo thành mụn. Ngoài ra, các hormone androgen, đặc biệt là hormone sinh dục nam testosteron cũng ảnh hưởng tới sự sản xuất chất bã do tác động lên hoạt tính của các tế bào tuyến bã (sebocyte).

Hiện tượng viêm

Sự thoát ra của chất sừng, chất bã, vi khuẩn vào trung bì gây nên đáp ứng viêm. Các tế bào ưu thế trong 24 giờ đầu là lympho bào (lympho bào CD4+ ở quanh nang lông, lympho CD8+ ở quanh mạch máu). Sau khi nhân mụn bị vỡ, các bạch cầu đa nhân chiếm ưu thế và nằm quanh các cồi mụn nhỏ bị vỡ. Cơ chế khác gây ra hiện tượng viêm là sự điều chỉnh quá mức b-defensin 1 và 2 ở người. Hiện nay, có bằng chứng cho rằng hiên tượng viêm có thể xảy ra trước khi nhân mụn được hình thành.

Tác động của vi khuẩn P.acnes (Propionibacterium acnes)

P.acnes là trực khuẩn Gram (+), yếm khí và hiếu khí nhẹ. Thành tế bào của P.acnes chứa kháng nguyên carbohydrate, kháng nguyên này kích thích sự hình thành kháng thể. Các kháng thể kháng P.acnes làm gia tăng đáp ứng viêm do tác động của bổ thể.

P.acnes cũng gây viêm do trì hoãn đáp ứng tăng nhạy cảm và sản xuất lipase, protease, hyaluronidase, các yếu tố hoá ứng động. P.acnes còn kích thích điều chỉnh quá mức các cytokine do kết hợp với Toll-like receptor 2 trên các tế bào đơn nhân và đa nhân ở quanh nang lông tuyến bã. Sau khi gắn với Toll-like receptor 2, các tế bào này sẽ giải phóng các cytokine tiền viêm như IL-1, IL-8, IL-12, TNF-α.

Ngoài ra, một số vai trò của các yếu tố khác cũng gây ra mụn như: lạm dụng mỹ phẩm và thuốc bôi, đặc biệt là các sản phẩm có chứa corticoid; lạm dụng các thuốc dùng đường toàn thân, đặc biệt là corticoid; hay do ăn uống như ăn quá nhiều đường, sữa; stress, môi trường, khí hậu...

Theo BS CKII Nguyễn Ngọc Diệp, mụn trứng cá không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng nhưng ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống người bệnh. Đặc biệt, các biến chứng của trứng cá như sẹo lồi, sẹo lõm, tăng sắc tố sau viêm có thể tồn tại dai dẳng nhiều năm và ảnh hưởng rất nhiều đền tâm lý, kém tự tin trong giao tiếp, ảnh hưởng đến năng suất lao động bệnh nhân.

DSC07663-1556-1729506557.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=3K97LiwtjXmKi1VrK-2h0w

Các học sinh trường THPT Chu Văn An lắng nghe chia sẻ từ các khách mời. Ảnh: Tùng Đinh

Cách điều trị

Bác sĩ Ngọc Diệp cho rằng loại bỏ nhân mụn không được khuyến cáo với bệnh nhân trứng cá. Tuy nhiên, với những trường hợp các tổn thương có hiện tượng dày sừng cổ nang lông làm chất bã, vi khuẩn không thoát ra được thì có thể cân nhắc loại bỏ.

Bác sĩ nhấn mạnh cơ chế bệnh sinh trứng cá có nguồn gốc từ lớp trung bì, do quá trình sừng hóa cổ nang lông và tăng tiết bã nhờn nên làm sạch và rửa mặt không giải quyết được bệnh. Nhưng rửa mặt sẽ loại bỏ lớp bã nhờn, mồ hôi, bụi bẩn và các tế bào chết trên da, giúp thông thoáng lỗ chân lông, hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào nang lông và tuyến bã. Ngoài ra, rửa mặt với chất làm sạch cũng được chứng minh có thể làm giảm tổn thương viêm và không viêm trong mụn trứng cá.

Người bị mụn nên dùng sữa rửa mặt với chất làm sạch có pH hơi acid hoặc các loại sữa rửa mặt trung tính có pH khoảng 5.5 đến 7 gần với pH bình thường của da, không chứa cồn và có chứa benzoyl peroxide hoặc salisylic, được sử dụng hai lần mỗi ngày. Khi rửa mặt, người bị mụn không nên chà sát mạnh vì có thể làm lây lan vi khuẩn sang nơi khác. Điều này cũng giúp tránh các vi chấn thương lặp đi lặp lại làm kích thích hình thành nhân mụn

Dinh dưỡng trong điều trị mụn trứng cá

Chế độ ăn nhiều đường, các yếu tố như Omega-3, kẽm, vitamin, chất xơ, I-ốt có ảnh hưởng đến tình trạng mụn. Theo đó, những người thường xuyên ăn ngọt có nồng độ glucose máu cao, cơ thể đáp ứng bằng cách tăng nồng độ insulin để điều chỉnh đường huyết. Insulin làm tăng androgen, tăng IGF-1, ảnh hưởng đến quá trình sừng hóa cổ nang lông, tăng tiết bã nhờn dẫn tới làm tăng tình trạng mụn trứng cá. Do đó, chế độ ăn giảm đường cải thiện đáng để các tổn thương, giúp giảm liều điều trị.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng cần bổ sung một số chất để cải thiện tình trạng da. Trong đó, Omega -3 làm giảm sản xuất cytokine, leucotrinece B4, giảm IGF-1, dẫn tới giảm tổn thương viêm. Vitamin A, E làm giảm sản xuất chất bã, giúp cải thiện tình trạng bệnh. Kẽm có tác dụng giảm viêm, chống lại vi khuẩn P.acnes.

Ngược lại, vitamin B12 làm tăng tiết bã, cần hạn chế bổ sung khi điều trị mụn trứng cá. Các sản phẩm chứa I-ot, bromua, clo cũng góp phần làm bùng phát trứng cá mụn mủ. Nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều chất xơ, giảm đường, giảm chất béo giúp cải thiện tình trạng bệnh.

IMG-7067-4407-1729506557.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oYhkNPRNZteiZ5m6P8u-8A

Trịnh Hà Vi chia sẻ cách chăm sóc da khi bị mụn trứng cá. Ảnh: Tùng Đinh

Ngoài BS CKII Nguyễn Ngọc Diệp, chương trình workshop còn có sự góp mặt của Nhà sáng tạo nội dung Trịnh Hà Vi. Cô cho biết ở tuổi dậy thì, bản thân cũng từng bị mụn, tuy chưa tới mức ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý nhưng vài nốt mụn cũng khiến cô lo lắng, thiếu tự tin.

Ngay khi thấy các nốt mụn, việc đầu tiên Hà Vi làm là tìm hiểu các cách điều trị mụn trên mạng xã hội và áp dụng; sai lần lớn nhất của cô khi đó là nặn mụn. Hành động này không làm mụn biến mất mà còn khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, gây viêm nhiễm, lan rộng. Cô khuyên các bạn trẻ không nên tự ý nặn mụn tại nhà và không áp dụng các phương pháp điều trị mụn khi chưa kiểm chứng kỹ thông tin cũng như không hiểu kỹ về làn da của mình. Việc tới gặp các sĩ, chuyên gia da liễu để được thăm khám và xin lời khuyên để tìm ra chu trình chăm sóc phù hợp là rất quan trọng.

Sau quá trình chăm sóc da mụn, Hà Vi nhận thấy việc làm sạch là rất quan trọng. Theo cô, dù ra ngoài hay không, mỗi người cần tẩy trang, làm sạch da bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ mỗi khi về nhà, sau đó mới áp dụng các phương pháp "skin care". Ngoài ra, việc ăn uống cũng rất quan trọng, Hà Vi khuyên các bạn trẻ uống nhiều nước, hạn chế ăn đồ ngọt, đồ chiên rán...

DSC07717-3368-1729506558.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tODec6O-GkdZrev9jZQ10Q

Tham gia chương trình, Hà Vi không chỉ chia sẻ về cách chăm sóc da mụn mà còn dành thời gian giao lưu, đặt câu hỏi và tặng quà cho các bạn học sinh.

4-nguyen-nhan-gay-mun-trung-ca-o-tuoi-day-thi-1729559021.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=USnTVp0_SSrp15-VLTvQpw
4 nguyên nhân gây mụn trứng cá ở tuổi dậy thì

Video toàn cảnh sự kiện sáng 21/10. Video: Ngọc Ngọc

Hải My

Giải bóng rổ trẻ - Cup Ziaja (Youth Basketball League) do Báo VnExpress, Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn dược mỹ phẩm châu Âu (EUPC Group). Đây là đại diện của thương hiệu dược mỹ phẩm Ziaja tại Việt Nam.

Giải chia làm hai nội dung thi đấu nam và nữ, theo thể thức 5x5. Trận mở màn vòng bảng khởi tranh vào ngày 29/9. Các trận còn lại thi đấu đến hết 3/11. Sau đó là vòng tứ kết (16/11 - 17/11), vòng bán kết (23/11) và chung kết (24/11). Các trận thi đấu bán kết và chung kết được phát sóng trực tiếp trên fanpage.

Song hành với giải đấu là các hoạt động bên lề như: School Tour "Tự tin tỏa sáng - Dare to Shine", diễn ra từ tháng 10 đến tháng 11 tại năm trường THPT tại Hà Nội; hay cuộc thi nhảy cổ động Cheerleading Dance Contest... nhằm khích lệ tinh thần và lan tỏa không khí thi đấu.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022