Đây được coi là một trong những vụ bê bối y tế lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây. Vụ việc đã gây ra cái chết của 10 trẻ sơ sinh. Dựa trên bản cáo trạng, Bộ Y tế cho đóng cửa 9 bệnh viện tư nhân sau cuộc điều tra. Tổng cộng có 19 cơ sở y tế dính líu.
Theo bản cáo trạng dài 1.399 trang đệ trình lên tòa án Istanbul tuần trước, các nghi phạm bị cáo buộc thành lập nhóm tội phạm để chuyển trẻ sơ sinh vào một số bệnh viện tư nhân và nhận tiền từ cơ quan bảo hiểm xã hội của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hai nghi phạm trực đường dây nóng tìm kiếm trẻ cần nhập viện điều trị tích cực. Sau đó, họ điều phối các em đến những cơ sở có liên kết. Tại đây, các em phải điều trị bằng phương pháp không phù hợp, đôi khi sai lệch hoàn toàn với phác đồ. Một số trẻ được đưa vào khoa sơ sinh, môi trường dễ lây nhiễm và phải nằm viện lâu hơn bình thường.
"Các em trở thành nạn nhân của sự tắc trách, không được chăm sóc y tế đầy đủ, thuốc men của các em bị bán cho người khác. 10 trẻ đã tử vong sau khi phải điều trị trong những đơn vị này", đại diện cơ quan công tố Istanbul cho hay.
Một bác sĩ lấy dấu chân của một em bé sơ sinh để làm giấy khai sinh tại một phòng khám tư ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Mục tiêu của băng nhóm tội phạm là "thu lợi bất chính khoản bảo hiểm của Viện An sinh xã hội Thổ Nhĩ Kỳ (SGK) dùng cho việc chuyển viện của bệnh nhân sơ sinh, không phải cải thiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhân", cáo trạng nêu rõ. Nhóm thậm chí bị cáo buộc thổi phồng bệnh án của một số trẻ, nhằm giữ các em nằm viện lâu hơn dự kiến để nhận thêm tiền. Nhờ những phi vụ trên, thu nhập của băng nhóm đã tăng lên ba đến 4 lần.
"Con gái tôi nằm trong phòng hồi sức tích cực ba đêm. Sau đó, một bác sĩ đề nghị chuyển viện vì 'đây chỉ là nơi dành cho trẻ một tháng tuổi'. Ông ấy dọa rằng con tôi sẽ chết nếu nằm tiếp. Viện phí ở cơ sở mới là 7.000 lira mỗi đêm. Con gái tôi cần nằm viện hai tuần", một người mẹ có con tử vong trong vụ việc nói.
Một người nhà bệnh nhi khác cho biết anh đã phải trả 35.000 liras trong thời gian con mình nằm viện. Các bác sĩ cho biết đây là tiền viện phí kèm mua đồ dùng y tế. Sáng hôm sau, các bác sĩ gọi anh vào viện và thông báo con gái anh đã chết.
Theo cáo trạng, thủ lĩnh của nhóm tội phạm này là bác sĩ Fırat Sarı, chủ sở hữu Công ty Dịch vụ Y tế Medisense. Người này đã thuê khu sơ sinh của một số bệnh viện tư nhân tại Istanbul để nhân rộng mô hình điều chuyển các bệnh nhi. Ông giao cho y tá tự giới thiệu mình là bác sĩ, nhằm lừa đảo người nhà bệnh nhân. Trong quá trình thẩm vấn, điều tra viên xác nhận Sarı từng bị xét xử do có liên hệ với tổ chức tội phạm y tế PKK.
Nhóm tội phạm của Sarı có 47 người, gồm bác sĩ, y tá, điều dưỡng, tài xế xe cứu thương, nhân viên trực tổng đài cấp cứu. Các nghi phạm hiện phủ nhận mọi cáo buộc, nói rằng họ không cố ý đưa các bé sơ sinh đến những bệnh viện cụ thể.
Thục Linh (Theo Euronews, Reuters)