Kể từ khi được bố tặng một cuốn sổ một tuần trước sinh nhật 11 tuổi, cụ bà Evie Riski ở Lakota, bang Bắc Dakota, đã viết nhật ký hàng ngày suốt 90 năm, chưa bỏ lỡ ngày nào kể từ 1/1/1936.
Sau khi viết nhật ký gần 33.000 ngày, cụ bà Riski, hiện 100 tuổi, vẫn giữ thói quen này mỗi tối trước khi đi ngủ.
Cụ bà ghi lại mọi sự kiện từ khi còn là học sinh tiểu học, rồi viết về công việc đồng áng, những mối tình thời trung học, ba lần sinh con, cho đến sự ra đi của chồng hồi năm 2010. Toàn bộ được bà lưu giữ trong hàng chục tập nhật ký cất trong rương gỗ tuyết tùng.
"Tôi chưa từng đánh máy mà luôn viết tay. Khi viết xong mỗi đêm, tôi luôn đọc lại xem mình đã làm gì vào ngày này năm trước", cụ nói.
![Thiet-ke-chua-co-ten-86-173926-3211-6764-1739267034.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TsQ3CL0zAx1SOgc064ZpgQ](https://i1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/11/Thiet-ke-chua-co-ten-86-173926-3211-6764-1739267034.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TsQ3CL0zAx1SOgc064ZpgQ)
Những trang nhật ký của cụ bà Evie Riski ở Lakota, Mỹ. Ảnh: WP
Cụ Riski gần như luôn mang theo nhật ký bên mình, trừ những lần nằm viện vì bệnh hoặc sinh con. "Mỗi lần như vậy, tôi viết trên giấy rồi chép sang nhật ký khi xuất viện về nhà", cụ kể. "Thực sự không có lý do gì để tôi không viết nhật ký".
Các thành viên trong gia đình cũng kinh ngạc trước sự kiên trì của cụ bà.
"Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi sẽ ngồi ở bàn trong bếp để viết nhật ký mỗi tối, bất kể chuyện gì xảy ra", Michelle Locken, 59 tuổi, con gái cụ, nói. "Ngay cả khi sinh ba con chỉ trong 4 năm, bà vẫn không bỏ sót ngày nào".
Bà Locken cho biết thêm những cuốn nhật ký của mẹ mình không chỉ lưu lại những ghi chép tuyệt vời về cuộc sống ở Bắc Dakota qua các năm, mà còn giúp giải quyết những tranh cãi nhỏ trong gia đình.
"Mỗi khi có tranh cãi về sinh nhật, hay thông tin về lượng tuyết rơi những năm trước, chúng tôi đều lật lại những trang nhật ký của mẹ", bà Locket cho hay. "Tất cả đều nằm trong những cuốn nhật ký".
![rccavghhkrhbxionxpgtw3prnq-jpe-2279-4441-1739267034.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IG3ad9Y2Q4W-B7VM-2Z8-A](https://i1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/11/rccavghhkrhbxionxpgtw3prnq-jpe-2279-4441-1739267034.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IG3ad9Y2Q4W-B7VM-2Z8-A)
Một phần trong bộ sưu tập nhật ký của cụ bà Riski ở Lakota, Mỹ. Ảnh: WP
Trong 7 năm qua, cụ bà Riski đã chuyển đến viện dưỡng lão địa phương sống.
Anna Halvorson, quản lý viện dưỡng lão, cho biết cụ là nguồn cảm hứng cho những người cao tuổi khác trong viện. "Con người nhận ra thời gian trôi rất nhanh khi đã quá muộn, nhưng cụ Riski đã dùng nhật ký để ghi lại đời mình, từng ngày một", Halvorson nói.
Trong viện dưỡng lão, cụ thường xuyên chơi bingo, uống cà phê, sau đó ghi tất cả lại vào nhật ký. "Dù ở giai đoạn nào trong cuộc đời, viết ra những gì đang làm đều rất thú vị, để có thể nhìn lại quá khứ", cụ bày tỏ.
Ông nội của cụ là một trong những người định cư đầu tiên ở địa phương. Thời niên thiếu, cụ đã chứng kiến sự ra đời của điện, nước máy, đường ống nước, tất cả đều có trong nhật ký.
"Chúng tôi không có TV, radio hay điện thoại. Tôi có thể cho bạn biết chính xác thời điểm địa phương có điện, đó là năm 1944", cụ kể.
![imrs-10-1739266618-3613-1739267034.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UMEGvfr0ElR7kvOcWvyE7g](https://i1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/11/imrs-10-1739266618-3613-1739267034.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UMEGvfr0ElR7kvOcWvyE7g)
Cụ bà Riski cầm trên tay một quyển nhật ký ở Lakota, Mỹ. Ảnh: WP
Tháng trước, cụ Riski mừng thọ 100 tuổi với chắt gái 10 tuổi Mila Ahl, có bé có cùng sinh nhật với cụ.
Ahl chưa bắt đầu viết nhật ký, song cụ Riski vẫn đặt nhiều hy vọng, do nghiên cứu chỉ ra viết nhật ký giúp giảm căng thẳng, giúp quan sát góc nhìn tích cực hơn trong cuộc sống, kể cả khi viết về những khó khăn, thử thách.
"Viết nhật ký không mất nhiều thời gian và đây là một thói quen tuyệt vời. 90 năm là một khoảng thời gian dài, tôi vui vì đã viết trọn vẹn những tháng ngày đó", cụ Riski nói.
Đức Trung (Theo Washington Post, CNN, AFP)