Nội dung trên được Ban cán sự Đảng tỉnh Hà Tĩnh thống nhất tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 19, ngày 29/11. Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh được giao rà soát các thông tin của dự án, đảm bảo các điều kiện trước khi quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật.
Nhà chức trách đánh giá, dự án có quy mô lớn, phù hợp định hướng phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng phê duyệt.
Dự án khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn người dân, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương thông qua các khoản thuế từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và cơ cấu lao động.
Tỉnh kỳ vọng nhà máy ôtô điện không chỉ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xanh và còn góp phần giảm phát thải khí thải nhà kính, đáp ứng xu hướng phát triển bền vững toàn cầu; giúp nâng cao hình ảnh Hà Tĩnh trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo tiền đề thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao.
Ngoài ra, sự phát triển của dự án được dự báo kéo theo hoạt động phụ trợ như logistics, cung ứng vật liệu, dịch vụ thương mại, đóng góp vào việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hiệp đại với các ngành hỗ trợ như sản xuất linh kiện, pin... tạo thành một chuỗi nhà máy liên kết ngành sản xuất ôtô điện hiện đại tại khu kinh tế Vũng Áng.
Một góc của Khu kinh tế Vũng Áng, nơi sẽ xây nhà máy sản xuất ôtô điện của Vingroup. Ảnh: Đức Hùng
Trước đó, Công ty cổ phần Vinhomes - thành viên của Tập đoàn Vingroup đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ôtô điện trên diện tích đất hơn 362.000 m2 tại Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh.
Dự án có vốn đầu tư 7.300 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng (chiếm 15%), vốn huy động hơn 6.200 tỷ đồng (chiếm 85%). Theo văn bản đề xuất, dự án sẽ thực hiện trong 70 năm, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 6/2026. Giai đoạn một đến năm 2026 công suất 200.000 xe một năm, giai đoạn hai từ sau năm 2026 mỗi năm sản xuất 400.000 xe.
Bên cạnh nhà máy sản xuất ôtô điện sắp xây dựng, tại Hà Tĩnh, Vingroup cũng đầu tư một số dự án quy mô lớn khác. Cuối năm 2021, tập đoàn này đã xây dựng nhà máy pin xe điện VinES ở Vũng Áng trên diện tích gần 13 ha và bắt đầu cung cấp những sản phẩm đầu tiên cho mẫu VF6 từ giữa năm ngoái. Đồng thời, Vingroup cũng muốn đầu tư dự cảng biển, logistics (vốn 40.000 tỷ đồng) và khu du lịch nghỉ dưỡng Kỳ Ninh tại khu kinh tế Vũng Áng.
Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh diện tích hơn 22.000 ha, thành lập năm 2006, hiện có 151 dự án đầu tư, gồm 94 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 59.802 tỷ đồng, 57 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 13,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động. Trong đó, một số dự án lớn như Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Formosa với tổng mức đầu tư giai đoạn một hơn 10 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I 1,2 tỷ USD...
Tỉnh Hà Tĩnh đặt mục tiêu trong những năm tới sẽ đưa Khu kinh tế Vũng Áng trở thành trung tâm kinh tế đa chức năng với các trụ cột như công nghệ luyện kim, năng lượng, logistics, dịch vụ cảng biển...
Đức Hùng