Nội dung trên nêu tại Nghị quyết chất vấn kỳ họp thứ 8, được Quốc hội thông qua chiều 30/11.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng và tăng vai trò, điều tiết thị trường này của Nhà nước.

"Không để biến động vàng ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ cần nghiên cứu chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng và chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh", Nghị quyết của Quốc hội nêu.

Cơ quan chức năng cần tăng ứng dụng công nghệ trong quản lý các doanh nghiệp kinh doanh vàng, cũng như biện pháp phòng, chống buôn lậu mặt hàng này.

Quốc hội giao Chính phủ "chậm nhất tháng 6/2025 phải tổng kết, đề xuất sửa đổi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng". Chính phủ cũng cần tăng thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lập sàn giao dịch ngoại hối (Forex) trái quy định.

Tan-tong-thu-ky-6834-1732956077.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zq5-AVSn5obgPrWANldEPA

Ông Lê Quang Tùng, Tổng thư ký Quốc hội đọc nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ 8, chiều 30/11. Ảnh: Media Quốc hội

Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng hôm 11/11, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo lắng khi thị trường vàng diễn biến phức tạp, chưa khuyến khích người dân bán vàng chuyển thành tiền đồng (VND) để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhắc lại chủ trương chống vàng hóa, đôla hóa nền kinh tế nên "không khuyến khích người dân giữ vàng, nhất là vàng miếng giá trị cao".

Thực tế, diễn biến thị trường vàng trong nước thời gian qua luôn trong tình trạng sốt nóng. Từ cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng với mục tiêu tăng cung để giảm chênh lệch giá với thế giới. Song giá không giảm mà liên tục tăng, chênh lệch với quốc tế nới rộng lên gần 20 triệu đồng một lượng.

Hồi tháng 5, có thời điểm vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng một lượng, buộc nhà điều hành có biện pháp can thiệp mạnh tay hơn. Họ chuyển bán tăng cung cho thị trường qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty Vàng bạc Đá quý SJC. Mức chênh giữa giá trong nước và quốc tế dần thu hẹp, từ 18-20 triệu đồng rút về còn 3-4 triệu đồng một lượng vào cuối tháng 11.

Liên quan tới điều hành lãi suất, Quốc hội yêu cầu giảm tiếp lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng an toàn và hạn chế tăng nợ xấu. Dòng vốn cần hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tín dụng xanh, theo Nghị quyết.

Năm 2025, Chính phủ cần ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng. Cùng với đó, nhà chức trách cần sớm triển khai các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại bởi cơn bão số 3 (Yagi).

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 2,5% trong năm 2023 và tiếp tục có xu hướng giảm trong 10 tháng đầu năm 2024. Tính đến 20/10, lãi suất giảm khoảng 0,76% so với cuối năm 2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023. Mức này tăng so với mức 2% của 2022.

Hoài Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022