Trong bản dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán mới đây, Quốc hội đã bổ sung nội dung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân được tham gia mua, giao dịch và chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Tuy nhiên chỉ những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tức người có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán, mới được tham gia. Đó là những cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, dự thảo mới còn siết chặt quy định hơn khi yêu cầu nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp cần đảm bảo điều kiện về thời gian tham gia và tần suất giao dịch. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

309892799-815612606358492-2584-2492-5336-1732871042.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=n1L0yhMWD_isXSJbSadthA

Một giấy chứng nhận quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: Quỳnh Trang

Trước đó, Chính phủ đề xuất chỉ tổ chức tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư cá nhân không tham gia trực tiếp mà qua các quỹ. Lý do là trái phiếu chào bán riêng lẻ, đặc biệt loại do doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành, là sản phẩm có tính rủi ro cao.

Nhiều nước không cấm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia thị trường này, song thực tế giao dịch mua bán, đầu tư được thực hiện giữa các tổ chức chuyên nghiệp như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và ngân hàng. Các nhà đầu tư cá nhân thường không tham gia trực tiếp thị trường này do hạn chế về quản trị rủi ro và nguồn lực.

Thời điểm đó, một số tổ chức cho rằng quy định hạn chế quyền tham gia của nhà đầu tư cá nhân có thể khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tắc nghẽn, thậm chí đứt gãy. Sau đó, Bộ Tài chính lên tiếng rằng dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang quy định theo hướng tôn trọng quyền đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường nên sẽ không đề xuất sửa các nội dung liên quan đến quyền đầu tư của họ.

Thị trường trái phiếu phát triển nóng giai đoạn 2017-2021, nhưng ảm đạm từ cuối 2022 sau biến động mạnh từ vụ việc của Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Nhà đầu tư mất niềm tin, yêu cầu doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn. Kết quả là, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phát hành mới, chậm trả nợ và phải đàm phán kéo dài thời hạn thanh toán cho trái chủ.

Tình hình phát hành của doanh nghiệp rục rịch trở lại cuối 2023. Theo số liệu FiinRatings - đơn vị xếp hạng tín nhiệm thuộc Fiingroup, trong 10 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt gần 348.000 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn cuối năm 2024 vẫn còn đó với 54.400 tỷ đồng, đặc biệt là tháng 12 với hơn 43.000 tỷ và tập trung vào nhóm bất động sản và sản xuất (chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ôtô). FiinRatings đánh giá có khoảng 10.000 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu có nguy cơ chậm trả trong cuối năm đến từ một vài doanh nghiệp bất động sản có tình hình tài chính không tốt.

Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022