Trước đây, GEP được triển khai ở 9 trường tiểu học lớn. Các học sinh hết lớp 3 nếu có nhu cầu phải vượt qua một kỳ tuyển chọn. Hình thức này sẽ bị ngừng.

Việc bồi dưỡng học sinh năng khiếu được mở rộng ra 180 trường tiểu học, quy mô 3.000 học sinh mỗi năm.

"Thay đổi giúp các em vừa được bồi dưỡng năng lực, vừa được ở lại ngôi trường mình đã gắn bó", Thủ tướng Lawrence Wong phát biểu tại Viện Giáo dục kỹ thuật Singapore (ITE), hôm 18/8.

Ông cũng tuyên bố rằng Bộ Giáo dục sẽ đảm bảo điều kiện tốt nhất để đào tạo các học sinh có học lực tốt. Mỗi trường tiểu học có chương trình riêng để phát triển thế mạnh và sở thích của các em.

"Đây là một động thái toàn diện, giúp đỡ nhiều trẻ em phát huy tiềm năng của mình", Patrick Tay, chủ tịch Ủy ban Giáo dục của chính phủ cho biết. "Điều này nghĩa là bất kể học ở trường nào, các em cũng có cơ hội thực hiện đam mê của mình. Không ai bị bỏ lại phía sau".

Theo Bộ Giáo dục Singapore, tất cả trường tiểu học đều có đội ngũ giáo viên được đào tạo đặc biệt để dạy các học sinh giỏi. Ngoài giờ học chính khóa, các em được phép học các môn bổ sung, tham gia những mô-đun bồi dưỡng tại trường học khác để giao lưu, học hỏi.

Untitled-4568-1724755518.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=4_xtDf-9rWTmGDUcPaQ_Bg

Học sinh trường tiểu học St.Joseph học với máy tính bảng. Ảnh: CNA

GEP (Gifted Education Programme) là mô hình giáo dục năng khiếu, được Singapore áp dụng thí điểm từ năm 1984. Chương trình giảng dạy bao gồm các môn học giống như hệ đại trà, nhưng được đầu tư sâu và rộng hơn.

Học sinh GEP được học kỹ năng để tìm hiểu độc lập và được khuyến khích khám phá các lĩnh vực mà mình yêu thích.

Ngoài việc thay đổi chính sách đào tạo học sinh năng khiếu, Thủ tướng Wong nhấn mạnh chính phủ sẽ cố gắng giúp mọi học sinh học tập, trưởng thành, cũng như phát huy hết tiềm năng, bất kể điểm xuất phát của các em là gì.

Minh Hòa (Theo The Straits Times)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022