Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" năm 2024, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, diễn ra sáng 29/9. Hơn 300 học sinh được ban tổ chức lựa chọn từ 63 tỉnh, thành, thông qua vòng hồ sơ và phỏng vấn.

Phần chất vấn được tổ chức với nội dung, quy trình như phiên họp Quốc hội thực tế. Đóng vai chủ tịch Quốc hội là em Lê Gia Vinh (13 tuổi, đến từ Đồng Nai); em Trần Bình Minh (14 tuổi, Hải Phòng) nhận vai Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Nguyễn Ngọc Mai An (14 tuổi, Bình Dương) vào vai Bộ trưởng Y tế, Trần Lê Hà Vy (13 tuổi, Lào Cai) thành Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông...

Từ đó, các em điều hành phiên họp, chất vấn và trả lời chất vấn xoay quanh hai vấn đề "Phòng, chống bạo lực học đường" và "Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường".

542fba1ea29204cc5d83-172758731-9918-1947-1727587796.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=854N4fmnoqggJjx7FVWK1A

Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 9 đến từ Hà Giang, trong trang phục của dân tộc Lô Lô, dự phiên chất vấn giả định, sáng 29/9. Ảnh: Thanh Hằng

Phiên họp bắt đầu với câu hỏi của em Trần Thị Tuyết My, đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về quan điểm, nguyên nhân của bạo lực học đường. Kế tiếp, em Lã Tiến Minh, đến từ Bắc Giang, đặt câu hỏi về giải pháp của ngành giáo dục trong việc ngăn chặn vấn nạn này.

Em Trần Bình Minh, Bộ trưởng giả định, khẳng định bạo lực học đường là vấn đề gây bức xúc, xuất phát từ một số nguyên nhân chính, như trường học chưa làm tốt việc xây dựng văn hóa học đường, các gia đình chưa quan tâm đúng mức tới con em, sự bùng nổ của mạng xã hội khiến trẻ em dễ học theo hành vi bạo lực... Ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường, như triển khai mô hình trường học hạnh phúc, yêu cầu trường học giữ kết nối thường xuyên với phụ huynh, phối hợp với ngành y tế để hỗ trợ những em có vấn đề tâm lý.

Về phòng, chống tác hại của thuốc lá và chất kích thích, các đại biểu trẻ em nêu thực trạng học sinh sử dụng các chất này có xu hướng gia tăng, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Y tế, Công an giả định nêu quan điểm, nguyên nhân và giải pháp.

Bộ trưởng Y tế giả định Nguyễn Ngọc Mai An nhìn nhận việc này đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự thiếu hiểu biết của học sinh, dễ bị tò mò, hấp dẫn bởi mẫu mã và hình thù của sản phẩm.

Bộ trưởng Công an trẻ em Trần Tử Quang cho rằng cần sớm hoàn thiện quy định về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, gồm cả khâu sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và quảng cáo.

"Bộ sẽ chủ động, nghiên cứu xây dựng dự án "phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, chất kích thích trong môi trường học đường" trong một Chương trình mục tiêu quốc gia, trình Quốc hội xem xét, quyết định", Quang phát biểu.

db960aa0122cb472ed3d-1424-1727587796.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nw8OmDVjIq59eUVCjYUztQ

Trần Bình Minh, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo giả định, trả lời chất vấn tại Quốc hội trẻ em, sáng 29/9. Ảnh: Thanh Hằng

Trước sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Bộ trưởng cùng đại diện nhiều cơ quan, học sinh cho thấy sự tự tin khi nhập vai. Các em đối đáp trôi chảy, thể hiện hiểu biết về vấn đề quan tâm. Trong vai trò người điều hành, Gia Vinh không quên nêu quy định mỗi đại biểu có hai phút đặt câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận, nhắc nhở khi các đại biểu trẻ em vỗ tay trong hoàn cảnh chưa phù hợp.

Hai nội dung nói trên thu hút gần 270 đại biểu trẻ em đăng ký phát biểu, trong đó 11 em được mời chất vấn, 4 em tranh luận với các Bộ trưởng giả định về Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động, Thương binh và Xã hội.

Theo dõi phiên họp, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự xúc động về không khí, cách trình bày của học sinh trước mỗi câu hỏi.

"Tôi cảm nhận được sự tự tin đến từ các em. Đây là dấu hiệu đáng mừng từ người học", ông nói.

Theo ông Sơn, các học sinh đã hỏi và trả lời được nhiều khía cạnh của vấn đề, song thực tế còn rất đa dạng. Cho dù ngành giáo dục áp dụng nhiều giải pháp, nhưng "người làm nhiều việc nhất" chính là học sinh. Ông nhắn nhủ các em sống có hoài bão, lý tưởng, xây dựng kỹ năng để tự giải quyết việc của mình.

"Những người như vậy, ắt hẳn không bạo lực với người khác", ông nói.

d0859982810e27507e1f-7382-1727587796.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Y2weMTbbgN64vx66O8jbsw

Các đại biểu trẻ em đặt câu hỏi chất vấn cho những bộ trưởng giả định tại Quốc hội trẻ em, sáng 29/9. Ảnh: Thanh Hằng

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng chia sẻ niềm vui khi thấy học sinh dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nhiều quy định về phòng chống chất kích thích trong trường học, thể hiện sự quan tâm nghiêm túc với vấn đề này.

"Các em đã chọn vấn đề rất nóng", bà nói. "Trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước và tham mưu, chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu để trình Chính phủ, đưa ra Quốc hội những chính sách phù hợp".

Đánh giá chung, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ấn tượng với màn hóa thân của học sinh. Ông Mẫn nhận xét dù nhỏ tuổi, các em đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng.

"Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành, đoàn thể sẽ nghiên cứu trong quá trình soạn thảo, ban hành chính sách, pháp luật, giải quyết các vấn đề có liên quan tới trẻ em", ông Mẫn khẳng định.

Lần đầu được tổ chức năm 2023, Quốc hội trẻ em là diễn đàn để học sinh thể hiện tiếng nói, đồng thời tạo cơ hội để các em tập dượt sinh hoạt chính trị. Đây cũng là mô hình mới, thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề phù hợp với tâm lý, khả năng, phát huy năng lực, kỹ năng trình bày ý kiến ở các vấn đề liên quan.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022