Một tiết mục biểu diễn trong concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại TP.HCM - Ảnh: BTC
Sáng 21-11, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị triển khai chỉ thị 30 của Thủ tướng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Chia sẻ tại phiên khai mạc hội nghị, ông Hồ An Phong, thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhìn nhận các mô hình trên thế giới đã chứng minh các ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ được xác định là yếu tố quan trọng thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao thương hiệu quốc gia.
Đồng thời kỳ vọng việc triển khai chỉ thị 30 là thời cơ, là bước ngoặt đưa các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta bước sang giai đoạn mới.
Concert Anh trai say hi ở TP.HCM và sắp tới ở Hà Nội cũng được săn vé "ác liệt"
"Đời sống vật chất phát triển, người ta giàu mấy cũng không ai đi cùng lúc 2 xe, ngủ cùng lúc 2 giường, ăn quá nhiều bữa một ngày. Lúc đấy nhu cầu về đời sống văn hóa, đời sống tinh thần rất lớn. Từ đó mở ra dư địa rất lớn về làm công nghiệp văn hóa. Dư địa lớn, nhưng mấu chốt là phải thay đổi cách làm" - Thứ trưởng Hồ An Phong nói.
Theo thứ trưởng, thống kê sơ bộ thì các ngành công nghiệp văn hóa chiếm khoảng 4,04% GDP, trong thời gian tới tỉ lệ đóng góp có thể chiếm tỉ trọng cao hơn nữa.
Thứ trưởng Hồ An Phong đánh giá đây là thời cơ các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta bước sang giai đoạn mới - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Nói về sự thành công của những sản phẩm công nghiệp văn hóa trong nước trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Hồ An Phong dẫn chứng concert của Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai.
Ông Phong cho biết các concert này đang chứng minh được sự thành công khi đêm diễn Anh trai vượt ngàn chông gai ở Hưng Yên bán vé lên tới 70.000 chỗ ngồi.
"Ngay cả ông giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên là người cấp phép chương trình đó nhưng mua cũng không ra vé vì chương trình hấp dẫn, ai cũng muốn xem.
Mà vé có rẻ đâu, chương trình này đang làm ở Hưng Yên bán tới 8 triệu đồng/vé mà mua cũng không ra" - Thứ trưởng Hồ An Phong kể.