Ngọn lửa vĩnh cửu phía sau thác nước ở công viên quận Chestnut Ridge. Ảnh: World Atlas
Theo Giuseppe Etiope, nhà địa chất học ở Viện Địa vật lý và Núi lửa học Quốc gia tại Rome, Italy, ngọn lửa vĩnh cửu có thể coi là một trường hợp rò rỉ khí gas đặc biệt từ nguồn dự trữ sâu trong lòng đất. Quá trình rò rỉ khí gas xảy ra khi khí dễ cháy tự nhiên dưới lòng đất, chủ yếu là methane, ethane và propane, di chuyển lên mặt đất từ nguồn dự trữ có áp suất thông qua vết nứt hoặc lỗ trong đá. Trong trường hợp đặc thù, khi khí gas lên tới mặt đất có nồng độ methane đủ cao, nó có thể tự bốc cháy. Được tiếp nhiên liệu từ nguồn phát thải khí gas liên tục, một số ngọn lửa có thể cháy suốt hàng nghìn năm nên có tên gọi là ngọn lửa vĩnh cửu, theo National Geographic.
Etiope ước tính có chưa đến 50 ngọn lửa vĩnh cửu trên toàn cầu, thường được tìm thấy gần giếng dầu. Chúng tồn tại ở các nước bao gồm Mỹ, Romania, Italy, Turkey, Iraq, Azerbaijan, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ và Australia. Một số có thể đã phát triển suốt hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn năm, thậm chí cách đây một triệu năm.
Một ngọn lửa nổi tiếng nằm bên dưới thác nước 9,8 m ở công viên quận Chestnut Ridge tại New York. Ngọn lửa này cao khoảng 7,6 - 20 cm, tùy theo thời tiết và từng mùa. "Nó tỏa sáng phía sau bức màn nước rủ xuống", Arndt Schimmelmann, nhà khoa học Trái Đất ở Đại học Indiana, mô tả. Etiope cũng chia sẻ đây là ngọn lửa vĩnh cửu tự nhiên đẹp nhất mà ông từng thấy.
Dù một số đã cháy cả thiên niên kỷ, ngọn lửa vĩnh cửu có thể bị dập tắt. "Tên gọi 'ngọn lửa vĩnh cửu' dễ gây nhầm lẫn bởi lịch sử địa chất cho thấy không gì tồn tại vĩnh cửu trên Trái Đất", Schimmelmann cho biết. Một số ngọn lửa có thể tắt do nước mưa, tùy theo cường độ rò rỉ khí gas và điều kiện mặt đất, sau đó chúng có thể tự động cháy lại.
Tại Chestnut Ridge, nước bắn tung tóe vào hang động nhỏ có thể dập tắt ngọn lửa. "Bản thân tôi đã làm vậy vài lần khi lấy mẫu khí gas để phân tích địa hóa học. Đốt lại ngọn lửa mà không bị nước từ thác làm ướt sũng luôn là thách thức lớn", Schimmelmann chia sẻ. Trên thực tế, ngọn lửa này có thể biến mất do xói mòn tự nhiên khi thác nước rút đi. Mất đi sự che chắn của hang động sẽ khiến ngọn lửa tắt thường xuyên dù dòng khí gas không bị gián đoạn.
Rò rỉ hydrocarbon do địa chất, bao gồm ngọn lửa vĩnh cửu, là nguồn khí nhà kính tự nhiên như methane và chất gây ô nhiễm quang hóa học như ethane và propane. Ngọn lửa ở Chestnut Ridge giải phóng khoảng một kilogram methane mỗi ngày. Có quá ít ngọn lửa vĩnh cửu đến mức tác động môi trường của chúng khá nhỏ so với hàng nghìn vụ rò rỉ khí gas trên toàn cầu. Việc khoan khí có thể làm tắt rụi những ngọn lửa vĩnh cửu gần đo thông qua hạ thấp áp suất của mỏ khí gas cung cấp nhiên liệu cho chúng. Ngọn lửa vĩnh cửu trong công viên Chestnut Ridge tồn tại tới ngày nay do không có hoạt động khoan nào diễn ra trong khu vực đó.
An Khang (Theo National Geographic)