Dễ nhầm với bệnh xương khớp

Theo bác sĩ Lê Duy Thành, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Trung ương quân đội (TƯQĐ) 108, trong điều kiện sinh lý bình thường, máu hệ tĩnh mạch lưu chuyển từ hai chân về tim theo chiều từ dưới lên trên, ngược theo chiều của trọng lực, dù cơ thể đang ở tư thế đứng nhờ vào hệ thống van trong lòng tĩnh mạch. Khi các hệ thống van này bị hư hỏng, suy yếu, ngoài dòng máu sinh lý nói trên, trong lòng tĩnh mạch sẽ xuất hiện các dòng máu chảy theo chiều ngược lại, gọi là dòng trào ngược. Chính dòng trào ngược này gây ra các triệu chứng suy tĩnh mạch chân (suy tĩnh mạch chi dưới) như: đau, nặng, mỏi, phù chân…

Các triệu chứng giai đoạn đầu của bệnh suy tĩnh mạch chân không rõ ràng, người bệnh thường có biểu hiện: đau, mỏi, nặng chân, chuột rút vào ban đêm hoặc phù nhẹ khi đứng ngồi lâu… Về sau các triệu chứng nặng dần và xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da và các tĩnh mạch giãn dần, nổi ngoằn ngoèo, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch khiến chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.

%E1%BA%A3nh-17-1.jpgBác sĩ Thành cùng cộng sự đang can thiệp mạch cho bệnh nhân.

Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn, lòng mạch xuất hiện những cục thuyên tắc cứng và rối loạn dinh dưỡng da chân, gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.

“Suy tĩnh mạch chân gây khó chịu, đau đớn và mất thẩm mỹ, cản trở sinh hoạt. Biến chứng của bệnh này là sự hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch, các cục máu này có thể gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch chỗ khác, trong đó nguy hiểm nhất là tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời”, bác sĩ Thành phân tích.

Nếu không chữa trị sẽ biến chứng nặng nề

Bệnh nhân (BN) Vũ Thị H. 65 tuổi, ở Thạch Thất, Hà Nội, trước đây đã điều trị suy tĩnh mạch chân trái bằng tiêm xơ ở bệnh viện (BV) huyện, nhưng do tĩnh mạch lớn chân phải giãn và suy mức độ nặng khiến tình trạng bệnh của bà không được cải thiện. Bà đến khám tại Khoa Nội tim mạch, BV 108, các bác sĩ chẩn đoán bà bị suy tĩnh mạch hiển lớn kèm theo biến chứng loét ngoài da vùng cẳng chân phải, bà H được áp dụng điều trị suy tĩnh mạch chi bằng sóng số radio (sóng cao tần – RF). “Sau điều trị, tôi thấy rất dễ chịu, đặc biệt vùng cẳng chân không còn loét và đau đớn nữa”, bà H cho biết.

Còn trường hợp BN Nguyễn Thị T. 62 tuổi, ở Sơn Tây, Hà Nội, được chẩn đoán trước can thiệp là suy van tĩnh mạch hiển lớn bên trái và được điều trị can thiệp triệt đốt tĩnh mạch bằng sóng cao tần – RF. Sau điều trị BN không đau chân, cảm giác dễ chịu hơn nhiều so với trước can thiệp.

Theo bác sĩ Thành, người trực tiếp điều trị cho 2 BN trên, hiện có 5 phương pháp điều trị chính nhằm kiểm soát loại bỏ sự trào ngược từ các tĩnh mạch nhánh và từ các mạch nối, ngăn ngừa sự tràn ngập mô kẽ do dịch thấm ra từ các vi quản. Việc điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch. Một số thầy thuốc chuyên khoa còn áp dụng phương pháp tiêm gây xơ tại chỗ với các thuốc làm xơ hóa lòng mạch máu.

Tuy nhiên, với những BN suy giãn và biến chứng nặng, phải phẫu thuật để lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn. Ngoài ra, còn áp dụng phương pháp làm lạnh với Nitơ lỏng âm 90 độ C để làm nghẹt lòng tĩnh mạch qua một ống thông trong lòng tĩnh mạch. Mặt khác phương pháp này cho tỷ lệ tái phát khá cao (đến 30%).

Với phương pháp can thiệp nội tĩnh mạch bằng sóng sóng cao tần – RF có nhiều ưu điểm hơn hẳn các phương pháp kinh điển. Bởi phương pháp này có tỉ lệ thành công rất cao, điều trị triệt để được tĩnh mạch bị suy, an toàn và ít tai biến. Người bệnh có thể gọi điện thoại 0983734516 để được tư vấn cách điều trị tốt nhất.

Việc điều trị bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới đòi hỏi sự kết hợp giữa dùng thuốc, phẫu thuật và tập vật lý trị liệu tại các trung tâm chuyên sâu về bệnh này. Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý mang tính xã hội, liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và làm việc.

Vì vậy, để phòng ngừa bệnh giãn tĩnh mạch, cần tránh béo phì, tránh đứng lâu, ngồi nhiều, tránh táo bón, ăn các thức ăn giàu vitamin và nhiều chất xơ… Cần làm tăng sức bền của thành mạch máu bằng tập thể dục như: bơi lội, đạp xe, tập dưỡng sinh. Trong lúc ngồi làm việc, có thể phối hợp các bài tập vận động chân như co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân, nhón gót… để máu lưu chuyển tốt hơn.

Suy tĩnh mạch chân (suy tĩnh mạch chi dưới) có tỷ lệ mắc bệnh rất cao, đặc biệt ở phụ nữ mang thai nhiều lần, những phụ nữ trẻ làm việc văn phòng phải đứng lâu, đi lại nhiều, ngồi nhiều, hay những người béo phì, người mắc chứng táo bón kinh niên và những bệnh nhân lớn tuổi. Ở Việt Nam, theo thống kê của Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, tỷ lệ người bị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới chiếm khoảng 5-8% những người trưởng thành.

Lưu Hường

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022