c%C3%BAm-A.jpgCác công nhân Nhà máy may Vinatex Kiên Giang điều trị cúm A/H1N1. Ảnh VTV.

Ngày 28/9, Viện Pasteur TP.HCM đã cử cán bộ phối hợp với ngành Y tế địa phương tiếp tục tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm và thực hiện nhiều biện pháp phòng chống cúm.

Trước đó, từ ngày 20 – 22/9, tại Nhà máy may Vinatex Kiên Giang, 117 trường hợp công nhân có biểu hiện sốt, ho, sổ mũi, đau họng. Trong đó, có 34 ca phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Gò Quao. Đến chiều tối 25/9, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, hơn 50 trường hợp phải điều trị cách ly.

Chiều tối 25/9, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện vẫn còn hơn 50 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 đang phải điều trị cách ly.

Đây là ổ dịch cúm A/H1N1 lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Kiên Giang.

Trung tâm Y tế huyện Gò Quao đã khuyến cáo Nhà máy tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm; hướng dẫn công nhân đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân, theo dõi và báo cáo các trường hợp mắc mới theo hướng dẫn; thường xuyên mở cửa thông thoáng, khử trùng nhà xưởng, nhà ăn, khu vệ sinh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế huyện trong công tác xử lý ổ dịch.

Được biết, triệu chứng của người mắc bệnh cúm A/H1N1 giống với hội chứng cúm mùa. Bệnh diễn biến cấp tính từ nhẹ đến nặng: Từ sốt, ho, đau họng, chảy nước mắt, nước mũi, đau người, đau đầu, rét run, mệt mỏi; một số trường hợp có tiêu chảy, nôn, đến viêm phổi nặng và tử vong.

Bệnh cúm A/H1N1 là bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh. Bệnh lây truyền từ người sang người, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt, hay dịch tiết mũi họng của người bệnh. Ngoài ra, bệnh có thể lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus và từ đó qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng.

Để phòng, chống nhiễm cúm A/H1N1, người dân cần thực hiện theo khuyến cáo dưới đây của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Giữ vệ sinh cá nhân; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Dùng khăn giấy, khăn vải che miệng và mũi khi ho, hắt hơi để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, sau đó hủy hoặc giặt sạch khăn ngay.

Tránh tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính. Khi phải tiếp xúc với người bệnh thì cần giảm tối đa thời gian tiếp xúc, giữ khoảng cách ít nhất 1m, đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc gần.

Tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao. Thường xuyên súc miệng bằng nước sát khuẩn miệng.

Tăng cường thông khí trong cơ sở y tế hoặc nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.

Nếu thấy có biểu hiện bệnh cúm, cần thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022