Lao động
“Thừa thầy thiếu thợ” vẫn đang là tình trạng chung của thị trường lao động Việt Nam – Ảnh minh họa

Tại cuộc họp báo, ông Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, Việt Nam hiện nay có 70,85 triệu người từ 15 tuổi trở lên, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,36 triệu. Dân số từ 15 tuổi trở lên và lực lượng lao động khu vực thành thị có xu hướng tăng khá nhanh so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dân số từ 15 tuổi trở lên tăng 6,27% và lực lượng lao động tăng 7,49%.

Tuy nhiên, chất lượng lao động lại không có xu hướng tăng lên bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung được cải thiện khá chậm khi chiếm đến 20,62% lực lượng lao động, chỉ tăng 0,56% so với quý II/2015. Tỷ trọng lao động khu vực nông thôn và ngành nông – lâm – thủy sản, ngành công nghiệp chế biến chế tạo lại có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2015.

Về tình hình lao động thất nghiệp trên cả nước đang có sự báo động lớn khi có 1,0887 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp; tăng 16.400 người so với quý I/2016 và chiếm khoảng 2,29%. Đặc biệt, thất nghiệp nhiều nhất là nhóm trình độ đại học trở lên với hơn 191.000 người, tiếp đến là cao đẳng chuyên nghiệp với 94.800 người và trung cấp chuyên nghiệp với 59.100 người. Tỷ lệ thất nghiệp của người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp (6,6%), đại học trở lên (4%) là cao nhất.

Cũng trong Quý II, nhóm lao động có bằng trung cấp có nhu cầu tìm việc làm nhiều nhất, chiếm 30,9%, tiếp theo là nhóm có trình độ cao đẳng (chiếm 19,2%)và đại học trở lên (chiếm 16,8%).

Nhóm nghề có trình độ chuyên môn như kế toán-kiểm toán, quản trị kinh doanh, nhân sự… là những nhóm nghề có số lượt người tìm việc nhiều nhất. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp lớn chủ yếu tập trung vào các công việc lao động phổ thông, chăn nuôi, cơ khí chế tạo, bán hàng, nhân viên kinh doanh, dệt may, điện tử…

Trả lời về thực trạng này của thị trường lao động Việt Nam, ông Doãn Mậu Diệp – Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cho hay, xu hướng của thị trường lao động Việt Nam thời gian hiện nay chính là nhu cầu tuyển dụng lao động trực tiếp sản xuất cao, trong khi nhu cầu sử dụng lao động có trình độ cao đẳng, đại học đang giảm.

“Thống kê hiện nay phản ánh rõ rằng, lao động có trình độ kỹ thuật trong những nhóm quản trị kinh doanh, kinh tế đang thừa, tỷ lệ thất nghiệp cao, trong khi thị trường lao động lại đang thiếu lao động kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao, công nhân lành nghề trong các nhà máy,” Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chia sẻ thêm.

Thông tin này phản ánh phần nào nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên thị trường đồng thời thể hiện rõ sự mất cân đối trong hệ thống giáo dục hiện nay. Mặc dù vẫn biết, giáo dục và đào tạo hệ thống cử nhân, thạc sỹ bậc đại học và sau đại học là điều cần thiết để tạo ra nguồn lực lao động có chất lượng cao, đáp ứng được sự phát triển ngày cang sâu rộng của nền kinh tế.

Nhưng với tình hình và nhu cầu lao động thời điểm này, tình trạng cứ mãi “thừa thầy thiếu thợ” sẽ mang đến nhiều bất cập và hệ lụy nếu nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu việc làm của hai đối tượng: doanh nghiệp và người lao động không cùng chạy chung trên một đường thẳng mà cứ mãi song song nhau.

Quỳnh Liên

Nguồn: congluan.vn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022