Dân mất kế sinh nhai, môi trường bị tàn phá

Để khai thác vàng sa khoáng tại 3 mỏ Bản Ná, Khắc Kiệm và Nam thung lũng Khắc Kiệm, Công ty khoáng sản Thăng Long được giao gần 90ha đất tại xã Thần Xa, trong đó có cả rừng đặc dụng và đất trồng lúa. Đặc biệt, 42ha đất tại cánh đồng Khắc Kiệm từ nhiều năm nay là nguồn sống của gần 100 hộ dân xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa, trong đó có nhiều phần diện tích là đất lúa hai vụ của người dân bản địa.

vang-2-15427862293671108997408.jpg

Khai trường khai thác mỏ Công ty khoáng sản Thăng Long. (ảnh: TG)

Người dân sinh sống tại đây lâu năm đều làm nông nghiệp, sống nhờ cây lúa, nhưng quyết định cấp mỏ của UBND tỉnh Thái Nguyên cho doanh nghiệp đã khiến người dân xóm Xuyên Sơn phải nhường diện tích canh tác của mình cho hoạt động khai thác vàng.

Không những thế, hoạt động khai thác vàng ở mỏ Bản Ná của Công ty khoáng sản Thăng Long còn phá hủy đường dân sinh đi vào xóm Xuyên Sơn buộc nhân dân phải đi đường vòng phía bên kia sườn núi mới có thể trở về nhà của mình.

Người dân tại địa phương bức xúc khi trao đổi với phóng viên và cho rằng việc Công ty khoáng sản Thăng Long san ủi làm con đường mới từ ngã ba Ngọc Sơn 2 là nhằm phục vụ mục đích khai thác khoáng sản của doanh nghiệp chứ không phục vụ lợi ích của nhân dân xóm Xuyên Sơn.

Mất kế sinh nhai, nhiều hộ dân xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa đã làm đơn gửi các Bộ, ngành và Chính Phủ đề nghị thu hồi diện tích đất ruộng mà tỉnh đã giao cho công ty khai thác vàng từ hàng chục năm trước đây nhưng doanh nghiệp này không sử dụng để trả lại cho nhân dân trồng cấy. Người dân cũng đề nghị chính quyền địa phương có phương án bảo vệ môi trường rừng của khu bảo tồn Thần Sa, bảo vệ môi trường sống của nhân dân xóm Xuyên Sơn.

Kết quả xác minh của cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyễn cũng cho thấy khu vực văn phòng của Công ty khoáng sản Thăng Long và khu vực đình, đền chùa bản Ná thuộc lô 2, khoảnh 4, tiểu khu 85 có diện tích khoảng 1,7 ha. Diện tích này nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng.

Tài nguyên tự tiêu thổ?

Với dự án khai thác mỏ vàng sa khoáng Khắc Kiệm, trước đó ngày 20/4/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên có QĐ số 799/GP- UBND về việc cho phép Cty khoáng sản Thăng Long được khai thác vàng sa khoáng tại khu vực Khắc Kiệm, Thần Sa, Võ Nhai, Thái Nguyên, trữ lượng là 1.312.232m3 cát quặng nguyên khai.

vang-3-15427863193031138605796.jpg

Khai trường khai thác mỏ của Công ty Khoáng sản Thăng Long. (ảnh: TG)

Hình thức khai thác là lộ thiên, sản lượng khai thác là 240.000 m3/năm, thời hạn khai thác là 6,6 năm kể từ ngày ký, trong đó bao gồm cả thời gian xây dựng cơ bản mỏ, khai thác, hoàn thổ, phục hồi môi trường. Khu vực khai thác có diện tích 42,09 ha.

Nhưng thực tế, đến nay, mỏ vàng này vẫn là vùng đất nguyên thủy, chưa được khai thác. Vậy nhưng, không hiểu vì sao trong Quyết định số 2646 năm 2015 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc điều chỉnh một số nội dung trong giấy phép khai thác khoáng sản (GP 799/GP-UBND như đã nêu ở trên) thì trữ lượng cát quặng khai thác chỉ còn 241.502m3. Trữ lượng mỏ lúc này hụt đi 1.070.821m3 cát quặng nguyên khai so với giấy phép được cấp cho Công ty khoáng sản Thăng Long năm 2009.

Số liệu này có thể đúng nếu chủ đầu tư tiến hành khai thác khoáng sản liên tục trong 4, 5 năm với sản lượng khai thác là 240.000m3/năm như đã được phê duyệt. Chỉ có điều trong gần chục năm qua, Công ty khoáng sản Thăng Long chưa hề khai thác đến mỏ Khắc Kiệm mà phần lớn trữ lượng quặng trong mỏ vẫn bị mất đi trên giấy phép? Đây là vấn đề đang được dư luận tại Thái Nguyên đặc biệt quan tâm và đề nghị được làm rõ.

Theo luật sư Bùi Quang Thu, Đoàn luật sư Hà Nội phân tích thì tính riêng mức thuế bảo vệ môi trường mà tỉnh Thái Nguyên áp dụng đối với số lượng quặng vàng sa khoáng thì số tiền mà ngân sách sẽ bị thất thoát là: 220.000 đồng/tấn x 1.000.000 tấn = khoảng 220 tỉ đồng. Đấy là chưa kể các loại thuế khác như thuế thu nhập doanh nghiệp…..

Tương tự, mỏ vàng Bản Ná có trữ lượng 1.021.679m3 theo giấy phép 3068 của tỉnh Thái Nguyên thì Công ty khoáng sản Thăng Long được cấp mỏ thời hạn 7 năm, trừ đi 01 năm dành cho xây dựng cơ bản và 01 năm hoàn thổ còn 05 năm khai thác với công suất 120.000m3/năm. Như vậy, nếu khai thác tối đa theo giấy phép, Công ty khoáng sản Thăng Long cũng chỉ khai thác được khoảng 600.000m3.

Thế nhưng, tại Quyết định 1289 của tỉnh Thái Nguyên sau đó lại công bố mỏ vàng Bản Ná trữ lượng chỉ còn 170.254m3. Như vậy số lượng lớn quặng còn lại chảy về đâu, hay tiêu tan dưới lòng đất? Đây là những vấn đề được dư luận tại Thái Nguyên hết sức quan tâm và đề nghị được làm rõ.

Hà Châu

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022