- Một nhiếp ảnh gia nổi tiếng như anh vì sao lại quyết theo nghề báo?

- Ảnh khỏa thân nghệ thuật không nuôi nổi bản thân tôi. Tôi cũng phải lo ăn, lo mặc cho tôi và gia đình nữa. Xã hội Việt Nam chưa công nhận ảnh khỏa thân nghệ thuật một cách chính thống. Có mấy ai dám bỏ tiền ra mua ảnh khỏa thân về treo, hầu hết bạn bè, hàng xóm của tôi mang rượu đến đổi ảnh mà thôi.

Tôi mới về làm biên tập viên cao cấp cho một trang mạng xã hội và theo dõi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam theo nhiệm vụ được giao. Tôi bay cùng thí sinh từ Sài Gòn ra Tuần Châu, 15 cô phía Nam đã đẹp, nay gặp 22 cô phía Bắc lại càng đẹp hơn. Làm tôi cứ ngơ ngẩn không biết đường nào về lại nhà.

4-09.jpg Thái Phiên (phải) cùng nhà báo Nick Út - tác giả bức ảnh Cô gái VN bị bom Napalm - tại Sài Gòn. Ảnh: Lekima.

- Mọi người bảo, một nhiếp ảnh gia quen chụp nude như Thái Phiên sẽ thấy khó chịu khi phải chụp 37 người đẹp trong các trang phục áo dài, áo dạ hội, áo tắm. Anh nghĩ sao?

- Không có chuyện đó, tôi chụp hết các thể loại. Tôi có thể chụp ảnh chân dung, ảnh phóng sự xã hội, ảnh sinh hoạt, dù đó chỉ là sở đoản. Ai cũng nói Thái Phiên chỉ biết chụp nude thôi nhưng qua cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, tôi sẽ chứng minh, Thái Phiên còn biết chụp cả áo cả quần nữa.

- Trong 37 người đẹp Hoa hậu Việt Nam, anh có ý định mời ai đó làm mẫu nude cho mình?

- Đến với cuộc thi Hoa hậu, tôi chỉ là người làm báo, tôi dẹp luôn tư tưởng làm nghệ thuật, nhưng biết đâu, sau cuộc thi, một trong số họ tìm đến tôi nhờ tôi lưu giữ cái đẹp xuân thì? Tất nhiên, khi chụp hình các thí sinh, tôi cũng bị “bệnh nghề nghiệp”, thoáng nghĩ đến việc nếu họ làm mẫu nude, có thể tạo những dáng nào, bố cục ra sao. Nhưng từ đây cho tới đêm chung kết, tôi chưa có ý định nhờ ai làm mẫu.

- Chụp ảnh nude khác gì với chụp các người đẹp có cả áo cả quần?

- Khác rất nhiều. Một bên là diễn tả và tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết của Tạo hóa ban tặng, một bên là chụp cái hào nhoáng nhờ lụa là son phấn.

Thời ăn lông ở lỗ, tổ tiên ta cũng đã biết dùng lá cây, vỏ cây để che thân. Khi xã hội phát triển, chúng ta có tơ tằm, vải công nghiệp che những phần cần che. Ông bà ta lại có câu: tốt khoe xấu che. Ảnh nude là đỉnh cao của việc khoe nét đẹp tuyệt hảo của con người nhưng những nhà đạo đức (ở đây tôi muốn nói đến đạo đức giả) luôn quay lưng lại với những khoảng hở trên cơ thể người phụ nữ, để chứng tỏ sự trong sáng, cao quý của mình. Tôi rất ghét điều đó, ghét lắm!

3-09.jpg Tác nghiệp trên máy bay khi ra Hà Nội cùng các người đẹp. Ảnh: Duy Anh.

- Anh nghĩ sao khi những bức ảnh nude nghệ thuật của anh lại xuất hiện trên các trang web khiêu dâm?

- Không sao cả, khi tác phẩm của bạn đưa lên mạng, nó không còn là của bạn nữa. Nó là tài sản của nhân loại, ai cũng có thể copy và paste vào đâu đó. Việc xấu hay đẹp là do ở người làm việc đó, chứ tác phẩm của tôi không có tội, cho dù sống trong bùn thì hoa sen vẫn luôn tinh khiết mà. Nếu bạn vào website cá nhân của tôi - thaiphienphoto - thì sẽ đọc được nhận xét của công chúng. Công chúng sáng suốt lắm, công minh lắm, không ai có thể che mắt họ được cả.

- Các cô gái làm mẫu nude không phải ai cũng có hình thể hoàn hảo, khi sáng tác ảnh, anh khai thác thế nào?

- Không có ai đẹp hoàn toàn và không có ai xấu hoàn toàn. Tạo hóa rất công bằng, cho họ cái này sẽ lấy lại của họ cái kia. Thậm chí trên một cơ thể, phần bên phải đẹp, bên trái chưa chắc đã đẹp. Người nghệ sĩ phải biết tìm tòi tư thế, góc độ nào đẹp nhất, nguồn sáng nào đẹp nhất để tôn vinh vẻ đẹp của họ. Kể cả những cô thôn nữ chân lấm bùn non chưa bao giờ bước lên sàn diễn cũng tiềm ẩn những nét đẹp, chứ không phải chỉ có những cô sở hữu ba vòng hoàn hảo theo chỉ số nhân trắc học của các cuộc thi nhan sắc. Tất cả người mẫu dưới ống kính của tôi đều đẹp như hoa hậu - trong một khoảnh khắc. Tôi dám tự tin nói điều đó.

Thời gian là kẻ thù đối với sắc đẹp, giống như bông hoa có thời nụ, có thời tàn. Ai biết yêu thương thân thể mình thì nên lưu giữ lại khoảnh khắc của một thời xuân sắc, chứ khi nó đã tàn rồi, bảo nghệ sĩ nhiếp ảnh tài ba làm cho nó "nụ" lại là rất khó. Vả lại, “nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối”!

- Vợ anh, có khi nào xuất hiện trong những tác phẩm nude của anh?

- Tôi chưa bao giờ bật mí cho bất cứ ai là tôi đã chụp người nào, đó là nguyên tắc. Tôi luôn giữ kín nhân thân của họ, điều đó làm cho các người mẫu tin tưởng. Nếu đã làm mẫu nude cho tôi thì an toàn tuyệt đối.

5-09.jpg "Cô đơn" - một bức ảnh nude nghệ thuật của Thái Phiên.

- Sự an toàn theo ý anh còn có thể hiểu thế nào?

- Có lần, tôi và một cô người mẫu đi xuống một thung lũng đá rộng mênh mông, chuẩn bị chụp thì trời đổ mưa ào ạt, sấm sét rền trời. Tôi nói với cô ấy, bây giờ chúng ta phải lên, anh đi trước, em theo sau. Nói xong tôi cứ băng băng bỏ chạy trước, gần 30 phút sau tôi leo lên bờ an toàn. Nhìn xuống thung lũng, thấy cô ấy lóp ngóp đeo bám qua các ghềnh đá trơn trợt để bước từng bước một dưới cơn mưa tầm tã, xót xa lắm, lòng tôi như thắt lại. Đến nơi, cô ấy òa khóc vì giận tôi đã bỏ cô ấy giữa đường. Tôi giải thích rằng, chân máy bằng kim loại, là mồi ngon của sấm sét, nếu vác đi cùng cô ấy, sét giáng xuống thì cả hai cùng nguy, mà nói trước thì sợ cô ấy lo cho tôi. Nghe vậy, cô ấy lại òa lên khóc: “Xin lỗi anh, em đã hiểu sai”.

Tình yêu của người nhiếp ảnh đối với người mẫu giống như tình ruột thịt vì họ đã dám đồng cam cộng khổ với mình, dám vượt qua thành trì định kiến của xã hội để cùng tôi làm nghệ thuật. Với tình cảm chân thành ấy, chúng tôi không bao giờ nghĩ đến tình nam nữ như ẩn ý trong câu hỏi của nhà báo đâu.

Tôi cũng là Trư Bát Giới chứ không phải Đường Tăng. Tôi cũng có những hỉ, nộ, ái, ố, bi, lạc, dục (tôi nhấn mạnh chữ dục nhé!) như những con người bình thường khác. Nhưng đã làm việc, phần “con” biến mất đi chỉ còn phần “người” mà thôi. Đây là sự chuyển biến rất tự nhiên, không có gì gượng ép cả. Tôi có thể nói dối, nhưng những bức ảnh của tôi thì không!

- Anh thuyết phục thế nào để vợ anh tin điều đó?

- Không một người vợ nào trên đời đồng ý cho chồng đi chụp ảnh khỏa thân cả. Sự khó chịu khi đã bước qua một ngưỡng nào đó sẽ thành trơ cảm giác, nếu cứ bực mình với công việc sáng tác của tôi, cô ấy sẽ phải khó chịu cả đời à? Bà xã tôi hiểu và tách bạch giữa sự nghiệp nghệ thuật với cuộc sống gia đình, thế nên mới có thể sống với nhau hơn 20 năm nay. Hiện tôi đã chụp hơn 100 người mẫu khỏa thân nhưng may mắn thay chưa có tai tiếng gì. Bà xã tôi tin vào điều đó và cá nhân tôi cũng phải biết giữ mình, không dám làm điều gì khác vì báo chí bây giờ giật tin nhanh lắm.

- Tai tiếng thì không, còn tai nạn thì sao?

- Nghề nào cũng có tai nạn nghề nghiệp. Nghề của tôi nhiều lúc nghĩ cũng tủi nhục lắm, tôi làm nghệ thuật mà cứ phải lén lén, lút lút như đi ăn trộm. Tôi không có phòng chụp riêng, mượn bạn bè hoài cũng ngại, muốn chụp phải đi mướn khách sạn, tìm xem đâu có phòng đẹp, ánh sáng ưng ý. Tìm mãi cũng được một vài nơi có không gian phù hợp. Tuần thứ nhất tôi dẫn theo cô 23 tuổi, một nam một nữ vào khách sạn để làm gì thì ai cũng đoán được, mình khó phân bua: “tôi làm nghệ thuật đây”. Tuần thứ 2 tôi dẫn cô 21 tuổi vào khách sạn, cũng đòi cho được căn phòng đó, cô lễ tân nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu, tôi không biết là “khâm phục” hay khinh rẻ. Đến tuần thứ ba, đi với tôi là cô 19 tuổi, lúc đó cô lễ tân nhìn tôi với ánh mắt mà tôi cảm thấy khó chịu vô cùng, tôi quay lưng lại rồi mà ánh mắt vẫn cứ nóng bừng sau gáy mãi. Có thể cô ấy đang nghĩ: “Lão già này phi đạo đức”.

Theo Vnxpress

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022