Ngay ngày 21/7, trên mạng xuất hiện đoạn ghi âm với nội dung chê bai phim Xóm trọ 3D do NSND Hồng Vân sản xuất, và được cho là của nghệ sĩ Cát Phượng nói. Chính Cát Phượng cũng đã xác nhận đó là những lời nói của mình. Dù khá thẳng thắn khi cho rằng Xóm trọ 3D không có chất điện ảnh, bối cảnh nghèo nàn, như sitcom trên màn ảnh rộng hay "được mười mấy tỉ là mừng" nhưng Cát Phượng cũng thừa nhận đây là những góp ý riêng cho đàn chị Hồng Vân trên tinh thần chị em với nhau. NSND Hồng Vân cũng cho biết chị tức giận vì đoạn góp ý riêng của Cát Phượng với mình lại bị lọt ra ngoài, chứ không giận vì Cát Phượng chê phim, mà chỉ buồn vì công sức của ekip lại không được công nhận.

btsxomtro3d543-1500741085631.jpg

Phim Xóm trọ 3D

Từ câu chuyện này, chúng ta giật mình nhìn lại một thực trạng diễn ra lâu nay trong làng giải trí Việt, đặc biệt là mảng điện ảnh: sự "thảo mai" không đúng chỗ của những nghệ sĩ với nhau.

Khán giả chê phim Việt thì không sao nhưng cứ nghệ sĩ chê phim là "có chuyện"!

Một bộ phim, đặc biệt là phim điện ảnh, khi ra mắt chắc chắn phải có những ý kiến trái chiều. Tất nhiên sẽ có những phim mà gần như một luồng ý kiến nào đó sẽ áp đảo hơn, hoặc là toàn khen hoặc là toàn chê. Chỉ có những phim ra rạp mà không được ai nhắc đến thì mới đáng ngại. Vì thế khi nhìn thấy một bộ phim được khen, được chê thì đó chính là một tín hiệu đáng mừng, vì ít ra nó còn được người ta quan tâm.

Đây là điều mà bất cứ nhà làm phim, nhà sản xuất, đạo diễn nào cũng nên tâm niệm vì việc khen, chê hoàn toàn là vấn đề mang tính cá nhân. Từ khi mạng xã hội phát triển thì việc khán giả nhận xét về phim ảnh càng dễ dàng hơn. Những nhà sản xuất, phát hành không cần phải bất ngờ chạy ra rạp để làm phỏng vấn thăm dò nữa mà chỉ cần dạo facebook là đã có được hàng đống ý kiến phản hồi để làm báo cáo hay đưa tin. Cũng vì thế mà dần dà người ta cũng ít phản ứng hơn với những ý kiến chê phim. Bởi có chê thì cũng là có xem, cũng đã góp vào doanh thu của họ.

maxresdefault-1500741152302.jpg

"Tấm Cám: Chuyện chưa kể" đã làm được một điều rất tốt là phân luồng dư luận rõ rệt và hầu hết các ý kiến phản hồi đều rất rõ ràng, có lý do thuyết phục

Thế nhưng, cứ mỗi khi có một nghệ sĩ nào đó, diễn viên nào đó chê bai một phim nào đó thì lập tức sinh chuyện. Đơn cử gần đây chính là vụ việc của Cát Phượng và Xóm trọ 3D nói trên. Có nhiều ý kiến xoay quanh phát ngôn của Cát Phượng. Người cho rằng chị nói đúng ý họ, người lại cho rằng chị hơi khắt khe, cũng có người cho rằng Cát Phượng đang gây sốc làm trò.

Cũng có người có ý kiến về việc Cát Phượng có ý kiến, thay vì ý kiến về ý kiến của chị, kiểu: "người trong nghề với nhau thì phải né tránh". Đây chính vấn đề! Ý kiến của Cát Phượng thì cũng là một ý kiến về phim, chưa kể ý kiến của người trong nghề thì người ta càng muốn nghe nhiều hơn, tại sao lại phải né tránh!? Tại sao phải để việc diễn viên, đạo diễn nhận xét, đặc biệt là cho ý kiến không tốt, về một phim khác trở thành việc rất hiếm hoi, hoặc nếu có sẽ bị quy chụp là có ý đồ!?

Hỏi 10 người thì sẽ nhận đến 8 câu trả lời như nhau rằng: sợ đụng chạm. Cũng chính vì thế mà Cát Phượng chỉ góp ý riêng cho NSND Hồng Vân thay vì nhận xét công khai, để khi bị tuồng ra thì lại sinh chuyện. Hay như khi ta đọc những nhận xét của các nghệ sĩ khác về phim nào đó hầu như cũng toàn là khen ngợi, hoặc "thảo mai" kiểu đọc là nhận ra ngay.

sos-20s-c3-b3i-20tr-e1-ba-afng-01-150074

"S.O.S: Sói Trắng" thất bại nhưng nhà sản xuất lại cho rằng do khán giả hiểu sai thông điệp. Nhiều người trong nghề thì lại im lặng vì danh tiếng của Lê Hoàng khá lớn

Tại sao lại như vậy? Câu hỏi này chắc chắn đã nằm trong đầu nhiều người từ rất lâu. Dần dà nó tạo ra một sự thật rằng cứ mỗi khi phóng viên hỏi ý kiến một nghệ sĩ nào đó về một phim họ không tham gia và khi khán giả sắp đọc được một ý kiến đó thì gần như đó là một ý kiến tốt. Tất nhiên sẽ có những chia sẻ thật lòng, vì đơn giản họ thấy bộ phim đó hay hoặc dở thật. Hoặc những người cao tay hơn, chuyên môn hơn thì họ biết cách dẫn chứng, biện luận để ý kiến của họ trở nên thuyết phục. Nhưng cũng không ít những ý kiến đọc vào là thấy ngay sự thảo mai, nghe xong trôi tuột.

Đánh giá phim hay "thảo mai" không đúng chỗ?

"Thảo mai" không đúng chỗ thực sự không hề có ích cho ngành điện ảnh đang còn chưa phát triển vững vàng như Việt Nam. Vì sợ đụng chạm nhau, sợ mất cơ hội hợp tác mà các nghệ sĩ, đạo diễn, những người vốn là những "chuyên gia" lại trở thành những người đưa ra các ý kiến mang tính hình thức. Để rồi khán giả tự thoả thuận với nhau rằng ý kiến của nghệ sĩ thì không đáng tin, rằng những giải thưởng được trao ra chắc chắn cũng do có lý do gì đó chứ không đơn giản vì bộ phim xứng đáng. Chúng ta rõ ràng đang sống trong những ánh nhìn mang tính nghi kị không đáng có.

1280x720-z0-1500741359611.jpg

Chẳng có tờ báo hay thế lực nào giúp Em chưa 18 thành công. Nó thắng lớn vì chính bản thân bộ phim đáp ứng được thị hiếu

Tất nhiên cũng do lượng phim không tốt thường chiếm số lượng lớn hơn. Vì thế mà khi có một ý kiến nào đó thuộc hàng có cân lượng, thuận theo ý kiến tiêu cực của số đông thì sẽ được đón nhận rất nhiệt liệt. Thử hỏi nếu như các nghệ sĩ thẳng thắn hơn, chịu đụng chạm hơn (theo cách nghĩ của họ) thì đã đơn giản hơn nhiều.

Vì sao? Vì tất cả ý kiến, kể cả của dân chuyên, cũng chỉ mang tính tham khảo. Từ đầu bài, người viết rất hạn chế dùng từ "hay", "dở" để nhận định bởi vì hay và dở chỉ là những nhận xét mang tính cá nhân ít hoặc nhiều. Chúng ta xem phim thích một đoạn này, hoặc cảm nhận được ý tứ gì đó mà đạo diễn cài cắm vào phim thì tự khắc ta sẽ yêu bộ phim đó. Tương tự cũng sẽ có những người cứ lấn cấn với những chi tiết (dù rất nhỏ) khiến họ khó chịu, thế là họ ghét bộ phim đấy. Chẳng qua chúng ta dùng từ hay và dở để khái quát và đơn giản hoá cho những nhận xét phức tạp mà mắc công trình bày ra mà thôi.

Có một sự thật là cứ mỗi khi có một phim nào đó ra mắt, ta lại thấy người ta hỏi nhau rằng "phim có hay không?". Để rồi đi xem về chắc chắn sẽ có lúc "trật chìa" rồi tranh cãi. Ý kiến của một người-tham-khảo-được, đáng tin cậy cũng sẽ có lúc không thể tra vào ổ khoá trong đầu mình. Thế nên tự bản thân mình cảm nhận luôn là tốt nhất. Và quan trọng là hãy nói về nó cũng thật lòng để những người nghe nó sẽ tin là mình không vì-một-lý-do-nào-đấy.

nang-1500741446422.jpg

Phim Nắng không phải một phim xuất sắc, rất nhiều vấn đề nhưng doanh thu vẫn cao là vì thị hiếu số đông như thế. Mà cứ số đông thích thì phim thắng, mà phim thắng thì nhà sản xuất đã đúng chứ chẳng sai

Do đó, các đạo diễn, diễn viên, nghệ sĩ cũng nên đón nhận các ý kiến với tâm thế thoải mái hơn. Chắc chắn có những người sau khi xem lại phim mình đóng cũng cảm thấy không hài lòng thì làm sao lại muốn đồng nghiệp chỉ nói tốt về nó, hoặc nói xấu về nó nhưng đừng công khai!? Tất nhiên chuyện doanh thu quan trọng, tiền bạc và công sức đầu tư của hàng đống con người cơ mà, nhưng làm nghệ thuật chính là bỏ ra công sức để mua lại sự cảm tính của người khác chứ đâu phải phát hành một quyển sách giáo khoa rồi bắt người ta thừa nhận!

Làm nghệ sĩ thì nhạy cảm hơn, nhưng càng phải tỉnh táo hơn!

Nếu bản thân mình cũng cảm thấy phim có vấn đề thì nên chấp nhận việc người khác có vấn đề, cũng như thẳng thắn nói ra vấn đề với sản phẩm của người khác. Quan trọng là thuyết phục thôi. Còn những ý kiến cố tình được nói ra trong sự hằn học, hay có đả kích thì đọc vào, nghe thấy đã biết thì cứ cho qua. Biết rằng những người làm nghệ thuật thì nhạy cảm hơn, ai mà chẳng buồn khi nghe người ta chê bai sản phẩm của mình. Nhưng đặc tính của phim ảnh là như vậy rồi, muốn khác cũng chẳng khác được. Quan trọng là phải tỉnh táo. Thà là bịt tai, bịt mắt không nghe, không đọc chứ nổi đoá với ý kiến tiêu cực chỉ tổ làm cho ngành giải trí này xấu xí thêm mà thôi.

batman-ben-affleck-209331-1500741569836.

Ben Affleck và bộ phim Batman v Superman khiến cộng đồng khán giả nước ngoài tranh cãi dữ dội

Giống như Ben Affleck khi vừa chính thức nhận vai Batman và lên mạng đọc ý kiến của khán giả xong thì lẳng lặng tắt máy, vì quá nhiều người chỉ trích anh không hợp vai. Sau đó anh còn cách nào khác ngoài nỗ lực để chứng minh mình được làm gì trên màn ảnh đâu!? Chẳng lẽ lại đi chửi khán giả, hoặc nhút nhát bỏ luôn vai diễn!? Cuối cùng thì sao, đã có rất nhiều người về phe Ben Affleck sau Batman v Superman đó thôi.

Điều quan trọng khi trở thành một nhân tố của làng phim ảnh chính là sự dũng cảm tiếp nhận và nỗ lực chứng minh. Được như vậy rồi thì sẽ chẳng cảm thấy hổ thẹn với ai, kể cả bản thân mình. Đừng tự biến chính mình và những đồng nghiệp thành những người "thảo mai" không đúng chỗ, sống trong những lời khen giả tạo, dùng những nụ cười để che mắt rồi lại thậm thụt nói xấu nhau sau lưng, để đến khi lộ ra thì chẳng nhìn mặt nhau nổi.

fancuong03-1467106001115-1500741647655.j

Fan Cuồng không gây được hiệu ứng như kì vọng

Chung quy là chúng ta, kể cả nghệ sĩ, nhà báo hay khán giả đều đang sống trong một xã hội mà người ta ngại dành cho nhau những lời nhận xét thẳng thắn. Các nhà làm phim chỉ quan tâm đến việc làm sao kiếm được lợi nhuận mà không màng quan tâm việc đánh giá nghệ thuật vốn là một lĩnh vực mang nhiều cảm tính và chắc chắn sẽ gây ra sự đụng chạm đôi lúc. 

Thiết nghĩ nếu không muốn đôi lúc lại có những lùm xùm không đáng có này thì giới nghệ sĩ phải... chê phim nhiều lên, vì thứ gì thành thường lệ thì sẽ không giật gân. Nhưng tốt nhất vẫn là mong các đạo diễn, các nhà sản xuất hãy làm ra những bộ phim chất lượng thật nhiều để chẳng ai phải chê rồi làm mích lòng nhau. Chẳng có người xem phim nào lại mong những bộ phim sinh ra chuyện bên lề cả, họ chỉ muốn xem phim mà thôi.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022