Hơn 2 tháng qua, một trong số ít tên phim được nhắc nhiều trên truyền hình lẫn mạng xã hội chính là Sống chung với mẹ chồng. Bộ phim gần như trở thành cơn sóng bạc đầu nhấn chìm những chương trình bên cạnh. Cuối cùng thì phim cũng đã kết thúc, khép lại một chặng đường "ăn ngủ" cùng mẹ chồng nàng dâu của khán giả màn ảnh nhỏ. Hãy cùng nhìn lại một lượt, xem bộ phim này có gì mà thành công như thế?

Kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết ngoại quốc

Không biết tình cờ hay cố ý mà cả hai bộ phim truyền hình đang gây sốt (tính luôn Người phán xử) trên sóng VTV đều được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài. Nếu Người phán xử mua bản quyền từ Israel, thì Sống chung với mẹ chồng lại dựa trên nguyên tác tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc, tác giả Giả Hiểu.

phim-song-chung-voi-me-chong-20-4-149786

Đối với một bộ phim chuyển thể, điều khó nhất là làm sao có thể Việt hóa, đưa câu chuyện lồng vào bối cảnh Việt Nam nhưng không gây phản cảm, sai lệch hay ảnh hưởng đến chất lượng nội dung và những tình tiết quan trọng. Rất may Sống chung với mẹ chồng đã làm được, thậm chí làm rất tốt điều đó.

Xem phim, khán giả - đặc biệt là những nàng dâu trẻ dường như nhìn được một phần bản thân mình trong câu chuyện éo le của Vân, của Trang, đồng cảm với họ trước mâu thuẫn muôn thuở giữa hai người phụ nữ trong gia đình. Điều này cũng lý giải cho việc phim đã gây một cơn sốt khắp các mạng xã hội, báo chí khi trailer chỉ lên sóng 2 hôm đã đạt tới hơn 6 triệu lượt view, hàng trăm bình luận cùng hàng chục ngàn lượt chia sẻ. Những con số mà bất kì dự án nào cũng ao ước đạt được.

20170508093840-thu-quy-nh-2-149786039120

Nhưng nếu chỉ mù quáng chỉ trích mẹ chồng dưới góc nhìn của con dâu, có lẽ tác phẩm đã không gây thu hút đến vậy. Trái ngược với những phản ứng gay gắt trước đó, sau khi lên sóng vài tập đầu, người xem lại chia thành hai thái cực rõ ràng trước những tình tiết tuy có chút thậm xưng nhưng lại rất đời thường trong phim. Một bên bênh vực Vân trước mẹ chồng khó tính, xét nét, nuông chiều con trai hết mực, một bên lại cho rằng bà Phương quá cẩn thận, chỉn chu, còn nàng dâu vừa lười, vừa không biết khéo léo cư xử.

Tổng hợp cảnh Minh Vân đối đầu với gia đình chồng

Trong khi đó, Trang bạn Vân gặp phải rắc rối khi luôn khó chịu với mẹ chồng từ quê lên, cũng bị cho rằng tính tình quá tiểu thư, hỗn láo. Kịch bản đã đi thẳng vào một vấn đề mà ít người dám thừa nhận: cuộc sống không phải tiểu thuyết hay truyện cổ tích, đã qua rồi cái thời nữ chính lương thiện một mực bị kẻ xấu hãm hại, chỉ biết khóc lóc chờ người tới cứu giúp.

ra-mat-phim-3-jpg-1490010677-14978604426

Trong phim, bà Phương tuy chưa phải một mẹ chồng hoàn hảo, nhưng ban đầu rõ ràng cũng chỉ mang ý tốt và không biết thể hiện tình cảm của mình. Khác biệt về lối sống, cách suy nghĩ đã khiến Vân giữ thái độ thù địch với bà, thay vì tìm cách nhẹ nhàng hơn để hóa giải những va chạm hằng ngày thì lại càng khắc sâu thêm mâu thuẫn.

Sự hiểu lầm rồi ích kỷ chồng chất chính là lý do làm nên bi kịch mẹ chồng nàng dâu. Buồn cho hoàn cảnh của Vân, người xem lại nghẹn lòng nghĩ đến những chữ "giá như" không thể trở thành sự thực. Giá như bà Phương đừng quá ghê gớm, bắt chẹt con dâu, giá như Vân biết cư xử khéo léo hơn một chút, giá như Thanh đừng bạc nhược nghe mẹ mà vũ phu với vợ mình, giá như ông Phương làm tròn bổn phận cha chồng mà quyết liệt hơn với chuyện trong gia đình chứ không phải đợi đến khi có chuyện rồi nói vài ba câu thì Sống chung với mẹ chồng đã rất khác.

songchungvoimechong2-1497860391218.jpg

Một thành công nữa trong khâu kịch bản đó là tránh được cảnh "hồn Trương Ba, da hàng thịt" - Việt hóa bộ phim vô cùng trọn vẹn. Rõ ràng Trung Quốc của mười năm trước sẽ không giống như Việt Nam năm 2017. Chế độ một con, trọng nam khinh nữ khắc nghiệt có thể làm một người bà ở đại lục đang tâm bán đi cháu gái nhưng sẽ không thể xảy ra tại Hà Nội thời điểm hiện tại.

Sự khác biệt đó đã hoàn toàn thay đổi cục diện mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, chị dâu em chồng trong gia đình Trang. Biến cố Đậu Phộng bị bắt cóc làm cô phát điên, nhưng cũng khiến các thành viên còn lại tỉnh ngộ. Sau tất cả, ta nhận ra để những người xa lạ có thể trở thành gia đình hòa thuận, cần nhiều hơn cả là sự đồng cảm và sẻ chia.

Với góc nhìn nhân văn, gần gũi với bối cảnh, văn hóa Việt Nam như thế thật không khó để lý giải vì sao Sống chung với mẹ chồng lại chiếm được nhiều tình cảm từ khán giả yêu màn ảnh nhỏ.

Dàn diễn viên đồng loạt tỏa sáng

anh-2-1491669719762-1497860155712.jpg

Không sở hữu những cái tên hot boy, hot girl hay thu hút bởi yếu tố nước ngoài, đoàn làm phim đã dùng chính thực lực, nhiệt huyết yêu nghề để thoát khỏi định kiến phim ăn liền kiểu Việt. Với một kịch bản phản ánh cuộc sống thực tại đầy rẫy những mâu thuẫn cơm áo gạo tiền muôn thuở, Sống chung với mẹ chồng thiếu đi những pha hành động cháy nổ, cũng chẳng có những đại cảnh hoành tráng, lung linh lãng mạn nhưng vẫn tạo được sức hút riêng đối với đại bộ phận khán giả.

Diễn xuất thuyết phục của dàn viễn viên đã dìu cảm xúc người xem qua từng tình tiết, biến cố. Ai mà có thể tưởng tượng một Hương Bông chuyên trị các vai con dâu hiền thục, nhu mì lại có thể vào vai bà mẹ chồng tai quái, soi từ phòng ngủ con trai tới tiền tiết kiệm con dâu, ngọt như thế?

Ai có thể tưởng tượng một Công Lý chuyên trị những vai hài, "cô Đẩu" của Táo Quân lại có thể hóa thân thành một ông bố khắc kỷ, thương con mà không dám nói mượt mà như vậy? Hoàn toàn không! Nói cách khác, Sống chung với mẹ chồng đã cho chúng ta được nhìn những khía cạnh hết sức khác biệt của người nghệ sĩ, thử thách tài năng của họ bằng chính các nhân vật không thể đời thường hơn.

img-2361-jpg-1490011164-1497860391212.jp

Lớp diễn viên trẻ với ngoại hình sáng, đọc thoại và diễn xuất tự nhiên cũng là yếu tố không thể thiếu trong việc thu hút lớp khán giả thuộc mọi lứa tuổi. Những cái tên như Bảo Thanh, Việt Anh, Thu Quỳnh, Danh Tùng, Anh Dũng… đang dần trở nên quen thuộc hơn khi xuất hiện thường xuyên trên sóng tryền hình đại chúng.

Có lẽ, người xem sẽ không thể quên được giọt nước mắt nghẹn ngào của Vân trước cuộc sống cay đắng tại nhà chồng, ánh mắt hắn học của Thanh khi ra tay đánh vợ, càng không quên được giây phút phát điên muốn chết của Trang khi mất đi đứa con dứt ruột đẻ ra hay những màn "dạy lại mẹ chồng" cực kì đanh đá của Diệp. Sự tiến bộ trong diễn xuất và đầu tư khai thác tìm tòi nhân vật sao cho gần gũi hơn với thực tế đã minh chứng cho việc, chúng ta hoàn toàn có những diễn viên đủ tâm đủ tài, nối bước các thế hệ đàn anh đàn chị đi trước, hứa hẹn một tương lai tiềm năng cho phim truyền hình Việt Nam.

Con dâu mới Diệp khiến mẹ con bà Phương nổi điên vô số lần

Sức mạnh tương tác "nhiệt tình" với khán giả

Khác với phương pháp làm phim quay cuốn chiếu như Hàn Quốc, truyền hình Việt khó có cảnh sửa kịch bản hay quay lại cả cái kết theo ý người xem. Tuy nhiên Sống chung với mẹ chồng đã ít nhiều tạo nên mối tương tác thú vị với khán giả. Hiếm có bộ phim truyền hình nào lại có thể tạo nên cơn sốt bình luận khắp các trang mạng xã hội, báo đài, khiến người ta mong chờ từng tập phim, từng đoạn cut, trailer từng tập, thậm chí đổ đi xem nguyên tác tiểu thuyết vì tò mò cái kết đến như vậy.

2-162338-1497860542565.jpg

Lắng nghe phản hồi từ khán giả, rõ ràng sẽ là một lựa chọn sáng suốt để nâng cao chất lượng phim và lấy lại niềm tin của người xem vào truyền hình Việt.

Không thể không nhắc đến sự chiều lòng của nhà sản xuất dành cho Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử, khi quay những đoạn phim cross-over giữa hai tác phẩm. Các diễn viên dù đã đóng xong phim từ lâu, bận rộn với những công việc mới nhưng vẫn chấp nhận sống lại cùng các nhân vật lần nữa, để cho ra đời những thước phim không thể thú vị. Dù chỉ là mục đích giải trí, tri ân khán giả nhưng thực sự ý tưởng thiết lập "vũ trụ phim ảnh VTV" đã khiến người xem sung sướng.

xem-song-chung-voi-me-chong-tap-23-20-4-

Buộc phải công nhận một điều rằng nhà sản xuất đã thực hiện quá tốt khâu truyền thông trong những tập cuối cùng của phim. Liên tục tung ra những clip mồi nhử, thông tin bên lề để khán giả càng thêm sôi sục. Dù cuối cùng kết phim cũng không khác những gì đã được bàn tán nhưng không thể phủ nhận sự cố gắng của đạo diễn, ekip khi làm hài lòng khán giả bằng những phân đoạn quay thêm. Như đoạn Thanh bị Diệp khống chế khi mẹ nằm viện hay đoạn Vân đến tặng quà sinh nhật cho bà Phương, nó đã phần nào khiến kết thúc của phim được nhân rộng thay vì chỉ có nụ hôn nồng nàn của Vân và Sơn.

Xét một cách công bằng, Sống chung với mẹ chồng vẫn còn mắc những lỗi xưa nay không hiếm như lời thoại kịch, hoa mỹ như văn viết, hậu kỳ âm thanh và cắt dựng đôi chỗ còn thiếu mượt mà. Tuy nhiên gạt bỏ những tiểu tiết ấy, phim đã thành công chạm tới trái tim khán giả.

Xem phim, ta có thể đồng cảm với những nỗi đau, hay nhìn thấy hình ảnh xấu xí của chính mình trong từng nhân vật, nhưng từ đó cũng rút ra được bài học về cách đối xử tử tế hơn với những người xung quanh. Hy vọng trong tương lai, người xem truyền hình Việt Nam sẽ được chứng kiến nhiều tác phẩm có tâm hơn thế.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022