Tuy nhiên, một vấn đề đang được quan tâm và cần được lý giải thấu đáo là những bí ẩn đằng sau sự ra đi của người anh hùng dân tộc. Bởi cho đến nay, câu chuyện này vẫn tồn tại với nhiều nhận định khác nhau. Thêm nữa, nơi yên nghỉ cuối cùng của "Hùm thiêng Yên Thế" ở đâu thì vẫn chỉ mới dừng lại ở giả thiết.
ea2hoanghoatham1.jpg
Người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám
Những cơ sở khẳng định Khoảng từ năm 2004 đến nay nhiều đoàn khách bao gồm giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tâm linh... và cả con cháu của cụ Đề Thám ở Hà Nội cũng như ở nước ngoài đã tìm về xóm Tân Lập, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang để thắp hương, dựng tượng người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám. Theo cán bộ xã Mai Trung, cách đây hơn hai mươi năm cả xóm Tân Lập là cánh rừng thông cổ thụ, rậm rạp. Sở dĩ hiện nay không còn rừng thông nữa là bởi bên lâm nghiệp chặt đi. Theo lời ông Nguyễn Văn Sử, người xóm Tân Lập, cách đây khoảng hơn hai mươi năm, trước khi ông anh cả ông Sử mất có nói lại với ông Sử đấy là mộ cụ Đề Thám chứ không phải mộ ông hành khất. Thấy vậy, dân làng cho đắp lại và càng tin đó là mộ cụ Đề Thám. Năm 2004, dân làng quyên tiền lập đền thờ cụ Đề Thám ngay cạnh mộ. Đó là một ngôi đền có diện tích khá nhỏ, với lối kiến trúc cổ truyền nằm sát ven đường làng. Phía trong gian hậu cung có bàn thờ và di ảnh của cụ Đề Thám. Cạnh đền là một khu đất khá rộng được cho là ngôi mộ. Xung quanh khu đất này chưa được xây cất gì nhiều, ở trên chính giữa có bát hương nhỏ. Người dân cho biết, cứ ngày tuần và đặc biệt là ngày 9-5 âm lịch hằng năm dân trong làng ngoài xã làm giỗ cúng cụ. Vậy những tài liệu nào chứng minh đấy là mộ cụ Đề Thám? Ông Nguyễn Văn Sử cũng cho biết ông là chắt của cụ Nguyễn Văn Uyển, thường gọi là Lý Loan (xưa ông Nguyễn Văn Uyển làm lý trưởng vùng này) thì cụ Lý Loan có mối quan hệ thâm tình với cụ Đề Thám. Thâm tình đến mức có lần cụ Đề Thám đã ở nhà cụ Lý Loan hoặc chọn nơi đây làm căn cứ đi đánh phủ Vĩnh Yên. Theo các cụ nhà ông Sử lưu truyền trong gia đình, năm 1911 trong một lần phá vây, cụ Đề Thám cùng hơn chục người rút sang Vĩnh Yên, nhưng khi đến bến đò Cẩm Xuyên thì gặp toán lính thực dân canh phòng cẩn mật nên đã quay lại và có người dẫn đến nhà cụ Lý Loan. Nhưng nhà cụ Lý Loan được cụ Thống Luận báo trước đã bị lộ nên cụ Lý Loan bí mật đưa cụ Đề Thám đến ở nhà cầu Thày Mai (nhà do cụ Lý Loan dựng ở cạnh xóm, sát rìa đồng Yên Thế để dân đi làm đồng về nghỉ ngơi và cánh trương tuần canh gác dùng nơi nghỉ chân). Vào lúc này đoàn người cùng theo cụ Đề Thám đã phân tán làm nhiều tốp đi về các nơi, riêng cụ Đề Thám (khi đó đã bị thương) và hai thuộc hạ ở lại và giả dạng làm "hành khất" nhưng không đi ra ngoài, ít người biết.
anh-212.jpg
Dấu tích Đồn Phồn Xương, đặc trưng của kiến trúc thành lũy ở Bắc Giang.
Nội dung bức thư để lại Trước đó, cụ Đề Thám đã nhiều lần cải trang, thường xuyên ăn ở nhà cụ Lý Loan và cùng đứa con trai mới lớn ra rừng thông và tắm rửa ở cái chuôm gần đấy. Nên khi bị thương, lại tuổi cao, biết không thể qua được nên cụ Đề Thám có nói với cụ Lý Loan với đại ý, đây là quê hương của ta. Ta sẽ chết ở đất này. Cũng vì do quan hệ đó mà khi thất thế mới có truyền tích cụ Đề Thám về ẩn thân ở Mai Trung. Năm 2005, khi ông Nguyễn Văn Sử tiến hành trồng thêm một cây đại vào khu vực đền thờ. Đang đào hố thì ông Sử phát hiện thấy một cái liễn sành úp ngược, trong liễn có "kết cấu hiện vật" khá kỳ để bảo vệ một lá thư gấp làm tư viết bằng chữ nho, mực tàu, trên giấy bản. Ông Sử và bà con cùng ngỡ ngàng, họ liên tưởng ngay đến lá thư liên quan đến cụ Hoàng Hoa Thám. Hiện những hiện vật này vẫn được bảo quản tại Bảo tàng tổng hợp Bắc Giang. Ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng cho biết, những hiện vật như liễn sành, đĩa đều có giá trị về mặt niên đại. Về tờ giấy có chữ viết được phát hiện trong cái liễn sành đó là tờ giấy bản to, cỡ lớn hơn A4, trên có viết chữ Hán Nôm. Chữ đẹp, rõ ràng, cỡ chữ lớn và một số chữ nhỏ được viết trên giấy dó. Đại thể nội dung văn bản như sau: Phiên âm: Cờ nghĩa bao năm nay lỡ vận/Hậu thế nghìn năm ai biết không?/Yên ngựa nghỉ vào đây lòng đất/Thế sự Hoàng Hoa ai rõ chăng. (Một nghìn chín trăm mười ba/ Tháng năm ngày mồng chín/ Loan). Khi được hỏi tính chân thực của văn bản này, ông Lạng cho rằng vẫn chưa thể đưa ra kết luận vì cần phải có thời gian nghiên cứu. Không chỉ ông Sử, người dân căn cứ vào hệ thống sự tích truyền miệng, với những gò, đồi, ao, chuôm cụ thể mang tên cuộc khởi nghĩa Yên Thế (chuôm Yên Thế, gò Yên Ngựa) nên nhiều bà con có niềm tin sâu sắc rằng: Phần "di cốt" trong ngôi mộ tưởng của người ăn mày kể trên đích thị là của "Hùm thiêng Yên Thế" - Hoàng Hoa Thám. Bộ xương trong ngôi mộ hiện nay, với những "dóng xương" rất to, có thể chính là xương của "vị hùm thiêng" bị sa cơ lỡ bước?!. Ông Sử còn kể chi tiết khi phát hiện hiện vật gồm một chiếc liễn sành thời Mạc úp ngược xuống đất. Tuần tự xếp đặt theo sự úp ngược liễn, như sau: Trên cùng là đáy liễn; tiếp theo là lớp lá dầu đã khô. Tiếp đến là hai tờ giấy bản (chỉ một tờ có chữ, như đã trích ở trên) được gấp lại. Hai tờ giấy này được đặt trong lòng chiếc đĩa con phượng (thời Lê) và ốp chặt vào đáy liễn. Lá chèn xung quanh. Tiếp đó là lớp cát khô, sau đó là lớp vữa (vôi + cát) chèn chặt lớp cát lại. Tiếp đến là 2 chiếc đĩa thời Nguyễn có ve lòng, một chiếc có hình 3 con cá chép, 1 chiếc có hình 4 con cá chép. Cả hai đều được trát vữa chặt để khỏi tuột. Những giả thiết cần được chứng minh Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, lá thư của cụ Lý Loan không thể tồn tại dưới đất lâu như vậy (94 năm). Nhưng theo một chuyên gia Hán Nôm ở Viện Hán Nôm xác nhận: Giấy bản, chữ viết mực Nho từ thế kỷ 18 (cách đây 300 năm), đến nay vẫn đọc tốt (đằng này, lá thư, nếu đúng là của cụ Lý Loan, mới từ đầu thế kỷ 20 đến giờ). Trong lịch sử có ghi rằng: Khi bị sát hại, Đề Thám mới 55 tuổi. Nguyên nhân là do Pháp đã cay cú huy động một lực lượng khổng lồ với 15.000 quân viễn chinh, lính khố xanh cùng 400 lính dõng tấn công nghĩa quân Yên Thế làm nghĩa quân bị tổn thất nặng nề. Thứ nữa là có kẻ làm phản, chỉ điểm cho "sát thủ" trá hàng ám hại Đề Thám. Ông bị mắc mưu ba tên đồng đảng của Lương Tam Kỳ. Chúng "trá hàng" với lời hứa sẽ bày cho nghĩa quân cách chế tạo… bom tấn. Tại một ngôi lều chạy loạn ở khu vực Hố Lẩy, chúng chuốc rượu say rồi giết Đề Thám cùng hai thuộc hạ thân tín của ông. Chúng xách đầu ba ông ra Nhã Nam giao nộp cho giặc Pháp. Đó là ngày 10-2-1913 dương lịch. Thủ cấp của Đề Thám cùng thuộc hạ bị bêu ở cả Bắc Ninh, Nhã Nam để thị uy dân chúng. Theo Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bắc Giang thì củng cố cho giả thiết này là tài liệu của sử gia Đinh Xuân Lâm tìm được bên Pháp, rất thuyết phục. Đó là bản khẩu cung của 3 tên "giặc cỏ" đã giết chết người anh hùng Đề Thám, với nội dung tương tự. Hiện, ở khu vực Hố Lẩy, vẫn có một ngôi mộ nghi là của Đề Thám. Nhưng nhiều bà con cho rằng, ngay cả cái thủ cấp đem "bêu" cũng không phải là của Đề Thám. Lý do là khi giặc Pháp yêu cầu nhận dạng, nhiều người bị ép cung tra tấn ghê quá mới nói bừa là của Đề Thám, song thực tế không phải. Ông đã kịp "biến mất trong rừng" (rồi chết ở Mai Trung?). Còn theo một bài viết của TS Khổng Đức Thiêm, Viện Lịch sử Đảng, người đã có 30 năm nghiên cứu về vấn đề này đã viết rằng, sự kiện Hố Lẩy và cuộc bêu đầu ở Nhã Nam đã tạo ra những phản ứng khác nhau. Ông Lý Đào, một cận vệ cũ của Hoàng Hoa Thám sau khi đi xem về nói với con cháu rằng, ông thường cắt tóc cho thủ lĩnh nên biết đầu của thủ lĩnh có một đường gồ chạy từ trán lên đỉnh đầu, trên khuôn mặt có bộ râu ba chòm, nhưng cái đầu cắm ở Phủ đường không có đường gồ, cằm không có râu. Ông Giáp Văn Phúc, còn gọi là Cai Cờ, cũng xác nhận với con cháu hôm 29 tháng Chạp năm Duy Tân lục niên (4-12-1913), Hoàng Hoa Thám còn về làng Lục Giới bảo hộ một món tiền của mấy gia đình (ông Thiện 50 đồng, bà Tám và bà Lộc mỗi người 10 đồng) hẹn khi nào khôi phục xong sẽ trả, do đó thời gian xảy ra sự việc trên, thủ lĩnh không có mặt ở Yên Thế. Dân làng Lèo thì cho rằng, cái đầu kia là của sư ông trụ trì ở chùa làng, vì sư ông có dung mạo khá giống với Hoàng Hoa Thám, không thấy xuất hiện từ hôm đó, có lẽ bị giết để thế chỗ. Lớp hậu thế bây giờ không có quyền phủ nhận giá trị như một lời sấm ký nói về nơi chôn cất, mối quan hệ, sự tích gò đồi ao chuôm liên quan đến cụ Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế ở Mai Trung (nếu văn bản kia đã thực sự được viết và yểm dưới đất từ năm 1913). Nhưng, không một ai không mong muốn những giả thuyết về cái chết của Đề Thám đang bàn sẽ được khoa học chứng minh rành mạch rằng đó là sự thật lịch sử. Việc giám định "tài liệu" để tìm đến chân vấn đề cũng không có gì là quá khó khăn: Ngôi mộ còn xương cốt, văn bản Hán Nôm bằng giấy bản đã được bảo tàng niêm phong trong kho bảo quản của bảo tàng. Công việc còn lại chỉ còn là các nhà khoa học sẽ vào cuộc thế nào.
Theo PLXH

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022