Như nhận xét từ những người trong cuộc, bảo quản và phục chế tư liệu lưu trữ là một cuộc chạy đua ngược với thời gian. Ở đó, thời gian càng lùi xa, tư liệu càng dễ xuống cấp, hư hại - còn những người phục chế càng phải "tăng tốc" trước khi quá muộn.

1. Tại tọa đàm Bảo quản phục chế tài liệu lưu trữ - Để ký ức luôn hồi sinh, khá nhiều địa phương đã chia sẻ về quá trình liên kết với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I để khôi phục tư liệu trong những năm qua, cũng như hiệu quả của các đề án này.

Điển hình, Trung tâm Lưu trữ lịch sử thành phố Đà Nẵng hiện đang bảo quản 220 phông lưu trữ với 3.700 mét tài liệu. Một lượng lớn trong số này là khối tài liệu bản đồ, sổ khoảnh giai đoạn 1926 đến 1954. Đây là nguồn tài liệu quý, hiếm cung cấp thông tin về làng xã cổ truyền của mỗi vùng đất thông qua bản đồ, sổ khoảnh, sổ thuế nông nghiệp, sổ diện tích…

Một trong 500 tấm mộc bản triều Nguyễn được phục chế thành công với hình dáng chuẩn, khuôn chữ rõ nét. Ảnh TL

Dù vậy, những hạn chế về điều kiện bảo quản từ thời chiến tranh và giai đoạn sau đó đã khiến khối tài liệu này xuống cấp nặng ở nhiều góc độ như bị nhiễm bụi bẩn, a-xít và nấm mốc; bị nhăn gấp nên khi làm phẳng bị biến dạng, bị nát thành nhiều mảnh tách rời. Đặc biệt, với số tài liệu và bản đồ bằng tiếng Pháp, (vốn có hầu hết địa danh viết không dấu hoặc thay đổi nhiều về đơn vị hành chính), tình trạng hư hại lại càng gây khó khăn cho việc khai thác tư liệu.

Từ năm 2016, sau khi đề án tu bổ khối tài liệu này được phê duyệt, đơn vị này đã cùng Trung tâm Lưu trữ quốc gia I triển khai công tác tu bổ, phục chế thành công hơn 71 ngàn tờ tư liệu khổ A 4 (thuộc 2.355 quyển) và gần 5.100 tấm bản đồ thửa, bản đồ hành chính.

Như chia sẻ, đây là lượng tài liệu khá hoàn chỉnh về quản lý đất đai, chi tiết địa giới, địa danh các đơn vị hành chính trong giai đoạn từ 1906 - 1945 tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, Phan Rang, Phan Rí… mà các địa phương khác không còn lưu giữ được. Thông tin này được kỳ vọng sẽ là nguồn bổ sung thông tin quan trọng còn thiếu trong việc xây dựng và phát triển địa giới hành chính địa phương.

2. Tương tự, Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Quảng Bình hiện đang bảo quản gần 2.000 mét tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu gắn với hồ sơ của cán bộ tham gia kháng chiến, chuyên gia cho nước bạn Lào. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt của địa phương (nhiệt độ và độ ẩm trung bình cao, mưa nhiều, lượng gió, bụi lớn) cộng cùng điều kiện bảo quản hạn chế thời chiến tranh phá hoại, nhiều tài liệu bằng chất liệu giấy pơ-luya, in roneo… đã xuống cấp nặng. Đặc biệt, một số tài liệu từng được xử lý bằng cách dùng băng keo, hồ dán để gắn kết giấy, sau đó các chất này kết dính làm giấy đổi màu và hư hại nặng hơn.

kien-giang-17139137007582048522093.jpg

Một số tài liệu bị hỏng nặng tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Kiên Giang trước khi tu bổ

Cũng từ năm 2016, đơn vị này đã mời Trung tâm Lưu trữ quốc gia I trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, sau đó hỗ trợ khôi phục tài liệu. Trong 4 năm sau đó, Trung tâm này tu bổ được gần 201 ngàn tờ tài liệu khổ A4. Ngoài ra, Trung tâm cũng tu bổ trên 100 ngàn tờ tư liệu khi làm dịch vụ hỗ trợ các đơn vị khác có nhu cầu.

Còn Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Kiên Gianghiện đang bảo quản hơn 1.900 mét tài liệu, trong đó niên đại sớm nhất từ 1950. Đa số các tư liệu giấy từ 1995 về trước tại đây ở vào tình trạng cũ, vàng ố hoặc hư hỏng. Trong 3 năm từ 2021, đơn vị này đã phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I để phục chế thành công gần 144 ngàn tờ tư liệu.

3. Việc bảo quản và phục chế các tư liệu ở dạng mộc bản, ván khắc cũng được nhắc tới tại tọa đàm. Đơn cử, theo của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt), trong tổng số hơn 34 ngàn mộc bản triều Nguyễn tại đây (số liệu trước năm 2021), lượng tài liệu bị khuyết tật chiếm tỷ lệ khá lớn: Gần 67% bị rạn nứt, 27% bị cong vênh, hơn 8% bị bám rêu do ngập nước, hơn 77% bị đóng cặn mực.

Kể từ sau khi mộc bản triều Nguyễn trở thành Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam, đề án bảo quản và phát huy giá trị của di sản này đã được phê duyệt từ năm 2016. Trong khoảng thời gian sau đó, Trung tâm đã nghiên cứu nhiều đề tài khoa học về bảo quản loại tư liệu đặc thù này, bao gồm phương pháp vệ sinh tài liệu mộc bản bị rêu mốc, cặn mực bám dày bằng kỹ thuật hiện đại; giải pháp ghép các bản vỡ và giảm tình trạng nứt của mộc bản, giải pháp hoàn thiện môi trường bảo quản.

ve-sinh-17139137003461563609135.jpg

Mộc bản triều Nguyễn được xử lý vệ sinh bằng biện pháp chuyên môn

Kết quả, bên cạnh các quy trình về chuyên môn được ban hành và áp dụng, cơ quan này đã xử lý được gần 30 ngàn mộc bản bị rêu bám, phân loại và ghép nối gần 2.400 mảnh vỡ mộc bản, trong đó có 686 tấm hoàn thiện. Đồng thời, một loại kệ gỗ riêng được thiết kế để bảo quản mộc bản được sản xuất theo hướng truyền thống kết hợp với các nghiên cứu về kệ giá hiện đại, có chất liệu làm từ gỗ lim Nam Phi với cơ lý cao, độ bền tốt, các khoang có cấu tạo giúp mộc bản sắp xếp liên tục với nhau nhưng giữ khoảng cách nhờ hệ thống giá đỡ chạy giữa, giúp quá trình lưu thông không khí tốt, hạn chế nấm mốc phát triển.

Đặc biệt, từ năm 2000 tới 2023, với sự tài trợ từ Mỹ, khoảng 500 mộc bản triều Nguyễn bị xuống cấp nặng đã được bảo tồn thành công. Đây đều là những mộc bản có tình trạng vật lý rất kém, ở trạng thái mủn mục, rất dễ bị vỡ vụn nếu không được xử lý kỹ thuật.

Như lời chuyên gia của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, có thể gọi công tác bảo quản và khôi phục tư liệu là quá trình chạy tiếp sức của nhiều thế hệ, để đảm bảo rằng các bộ sưu tập lưu trữ luôn được chuyển giao ở điều kiện vật chất tốt nhất có thể.

(Còn tiếp)

Góc nhìn 365: Khi tư liệu lưu trữ 'chuyển mình'

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022