Mới 27 tuổi nhưng Hàn Hàn đã là một trong số ít nhà văn trẻ có nhiều sách bán chạy nhất Trung Quốc, là nhà văn trên mạng được yêu thích nhất (theo thống kê của Baidu, blog của Hàn Hàn có lượng truy cập 280.488.058 lượt). Nhưng cùng lúc đây lại là “nhân vật nổi loạn”, luôn nằm trong tâm điểm chú ý của báo chí Trung quốc (theo Sina).
HanHan2.jpgNhà văn trẻ Hàn Hàn
Hàn Hàn (tên tiếng Anh là Twocold) sinh năm 1982 tại Thượng Hải, Trung Quốc (TQ). Năm 1999, khi 17 tuổi, Hàn đã đoạt giải nhất cuộc thi văn học khái niệm mới do tạp chí Manh Nha (Thượng Hải, một tạp chí chuyên giới thiệu văn học trẻ) tổ chức. Cùng năm đó, Hàn bị lưu ban lớp 10 vì bảy môn không đủ điểm! Hàn học thêm nửa năm nữa rồi bỏ học.“Tôn Ngộ Không” của văn đàn Năm 2000 Hàn ra măt tiểu thuyết đầu tiên Tam trùng môn (tác phẩm được dịch thành nhiều thứ tiếng, là sách best-seller dẫn đầu liên tục 11 tháng ở TQ). Rồi tiếp đó là Âm 1 độ, Bay như thiếu niên, Trường An loạn, Thành phố trong mơ, Ngày vinh quang, Độc... Đặc biệt Hàn không phải kiểu “nhà văn phòng lạnh”. Anh là vận động viên đua xe hơi chuyên nghiệp, năm 2007 từng đoạt hạng nhất giải đua TQ.“Hàn là một thanh niên bình thường, như bao nhiêu thanh niên khác thích gái đẹp, nói không với cái không thích. Nếu TQ có thêm nhiều Hàn Hàn thì xã hội TQ sẽ bình thường hơn”. Chủ biên tạp chí Tiên Sinh Thời Thượng Mã Nhất Mộc nhận xét về Hàn Hàn Năm 2006, Hàn bắt đầu viết blog, quan tâm thảo luận các vấn đề xã hội. Từ đó nổ ra nhiều cuộc tranh luận với các vị tiền bối. Gay gắt nhất là cuộc “bút chiến” về thơ hiện đại với giáo sư Bạch Diệp - phòng nghiên cứu văn học Viện Khoa học xã hội TQ, phó chủ tịch Hội Văn học đương đại TQ - sau khi bài viết của ông về “hiện tại và tương lai thế hệ nhà văn 8X”. Năm 2008, Hàn có bài viết về quan niệm yêu nước khi diễn ra cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh 2008.
091101hanhan2.jpgHàn Hàn là vận động viên đua xe hơi chuyên nghiệp
Khi xảy ra cuộc động đất Tứ Xuyên năm 2008, Hàn có bài về đạo đức báo chí. Hàn còn có nhiều phát ngôn “khác người” như cho rằng “không cần thiết có Hội Nhà văn, nếu cho tôi làm chủ tịch hội tôi sẽ giải tán ngay Hội Nhà văn”. Một số người ví anh như một Tôn Ngộ Không của văn đàn Trung Quốc vì dám công khai chỉ trích Hội Nhà văn. Mới đây nhất, khi đọc được thông tin Thượng Hải chi 200 triệu NDT (1 NDT = 2.700 đồng) để thay 5.000 bản chỉ dẫn giao thông, trên blog của mình, Hàn cho rằng đó là những tấm bảng mắc nhất thế giới và anh muốn được nhận thầu. Sau đó chính quyền Thượng Hải thông báo có sự nhầm lẫn, số tiền đó dùng để thay 25.000 bảng chỉ dẫn. Không biết thật sự có phải là nhầm lẫn hay không, nhưng không ai phủ nhận sức ảnh hưởng của Hàn trong thế giới ảo. Cư dân mạng đùa rằng Hàn đã “tiết lộ cơ mật quốc gia”. “Nhân vật phản diện” của các bậc phụ huynh Cuộc đời và tác phẩm của Hàn luôn gây tranh cãi, vì trong tác phẩm của Hàn luôn có suy nghĩ khác người, châm biếm, phẫn nộ với các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Hàn từng đoạt nhiều giải thưởng văn học, được nhiều chuyên gia văn học đánh giá cao, nhưng thành tích học tập kém cỏi, hành động lập dị của Hàn không làm hài lòng các bậc phụ huynh. Anh trở thành nhân vật phản diện trong giáo dục con cái, đồng nghĩa với nổi loạn, nông nổi. Mặc dù vậy, Hàn vẫn là nhà văn rất được hâm mộ ở nước này. Nhà bình luận của Đài truyền hình Hong Kong Ifeng Lương Văn Đạo đánh giá Hàn Hàn rất cao. Theo ông, chỉ cần “viết thêm mấy năm nữa Hàn có thể thành một Lỗ Tấn thứ hai, Hàn chỉ thiếu một chút bi kịch và nặng nề trong giọng văn của Lỗ Tấn”. Giáo sư Lydia Lưu, khoa văn học so sánh Đại học Columbia (Mỹ), nhận xét Hàn là người thích tham dự việc thực hiện quyền dân chủ của mình, ngôn ngữ trong tác phẩm của anh rất dễ hiểu, bình dị.
091101hanhan3.jpgHàn Hàn không được lòng các bậc phụ huynh
Nhà văn Trương Duyệt Nhiên cho rằng danh tiếng và tiền bạc không làm Hàn thay đổi cách nói chuyện thẳng thắn và không kém phần gay gắt. Thái độ cấp tiến của anh luôn nhắc nhở mọi người xung quanh đừng quá tự mãn với bản thân. Nhà văn Lục Thiên Minh phát biểu trên tờ Đặc Khu Thâm Quyến: “Hàn là một người lao động thật thà, có suy nghĩ của riêng mình, điều đó rất đáng kính trọng. Tuy nhiên tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Hàn về xã hội đương đại. Con đường của Hàn còn dài, chúng ta hãy cùng chờ xem”. Trong bài viết về Hàn trên CNNews có đoạn khái quát khá rõ về giới trẻ mà Hàn Hàn đại diện: đó là “tầng lớp thanh niên không màng chính trị, tích cực đóng thuế, yêu nước nhưng thích phê phán, muốn đất nước được quản lý, phát triển tốt hơn”. Bài báo nhận định từ năm 1999 đến nay, Hàn đã từ “một thanh niên nổi loạn thành một phần tử trí thức, một nhà văn, một nhân vật công chúng có sức ảnh hưởng nhất định”. Còn theo Hàn, từ “nổi loạn” mà mọi người gán cho anh chỉ là một biểu hiện khác với mọi người, như lời anh: “Tôi không sống trong giang hồ, nhưng trong giang hồ đều có câu chuyện của tôi”.
Theo TTO

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022