Hãy đi theo tiếng gọi của nắng khuya, có thể người ta sẽ nhận được nhiều hơn những bức ảnh mãn nhãn hay những góc nhìn khác lạ. 

Trong lúc chạng vạng, khi ngày và đêm giao hòa, từ những góc tinh tế nhất của một không gian sống, người ta chợt thấy kiến trúc đã đón nhận, hấp thụ, ngả bóng rồi tỏa sáng cùng thi ca và âm nhạc?

B-2_resize-682x1024-Copy.jpg

TRONG NẮNG CÓ ĐÊM?

Trong thơ ca và âm nhạc Việt Nam, với Trịnh Công Sơn ở miền Nam và Phùng Cung ở miền Bắc, “nắng” đã trở thành một địa hạt sáng tạo riêng biệt, không thể lẫn, một vùng tâm thức lớn của hai tác giả. Trong mỗi câu từ tối giản, khúc chiết hay sâu đậm tình yêu thương con người, kiếp người, nắng như thể là những nhịp cảm xúc tinh tế để tiếp dẫn người ta chạm tới một sự khai thị, mặc khải.

Có hơn 50 tác phẩm của Trịnh Công Sơn tỏa “nắng”. Nhiều người trong chúng ta biết tới “nắng khuya” chỉ như một ca từ nhỏ bé, duy nhất trong âm nhạc của một “người ca thơ” họ Trịnh. Nhưng “nắng khuya” đã vượt qua một hiện tượng tự nhiên có thể trực giác như “nắng đầy”, “nắng mới”, “nắng vàng”.

A-2_resize-1024x682-Copy.jpg

“Nắng khuya” không dừng lại và chịu tác động bởi các hiện tượng cảm xúc, hay những biến thể tâm lý của thế nhân ẩn trong các tính từ “nắng úa”, “nắng mềm”, “nắng quạnh hiu”, “nắng phai tàn”.

“Nắng khuya” có gì đó còn lấp lánh hơn “nắng thủy tinh”… một chất liệu mới, một năng lực cảm quang khác thường.

“Nắng khuya” không còn là một hiện tượng của tự nhiên. Đó là những phát hiện bất thường từ đời sống vốn không bình thường, thiếu tiếng cười, thừa nỗi buồn và thật nhiều bi kịch. Sự hiện hợp của hai ý niệm quá khác biệt, không thể cùng dung chứa này đã giúp “nắng khuya” vượt qua kỹ thuật cấu trúc để lạ hóa ngôn từ. Đó là những biến cố, biến dịch được nhạc sĩ tri giác, cảm nhận, định danh và gọi lên thành thi ca, âm nhạc và triết học.

Trong “Xem đêm”, trong thế giới thơ Phùng Cung, cái nắng dù có phần mỏng mảnh, dung dị, khiêm nhường những đã hiển hiện với thi tứ, thi ảnh, thi từ, thi điệu, thi pháp rất lạ.

C-3_resize-1024x682-Copy.jpg

Chỉ là những hiện tượng tự nhiên được cấy ghép, gắn bó rồi định hình bởi những cái dễ nhận dạng nhất của đồng quê châu thổ sông Hồng. Đó là “nắng Âu Cơ”, “nắng dưa”, “nắng ngả tương”, “hạt nắng non”, nắng “ấp úng rạng đông”, “nắng đồng trinh” , “nắng hàn vi”, “nắng hoa ngâu”, “nắng thắm quết trầu dốc bến”, “nắng ánh cam”,“nắng trôi lụa”, “nắng đổ xanh chổi cốm hoa rươi”, “nắng xéo”,“nắng dứ”, “nắng tía”, “nắng bổ cau”…

Trong cái thời mà con người chỉ được sống trong bóng đêm bí ẩn của chính số phận mình, những cái nắng đậm chất quê, mộc mạc nhưng cũng là đủ để lấp lánh, để tìm ra những xôn xao ẩn nhẫn ngàn đời trong dáng hình quê hương, xứ sở, đủ để lay động hồn ta, đưa ta xuyên qua màn đêm dày dặc mà đi về những miền sáng.

Với nắng, Trịnh Công Sơn và Phùng Cung đã kiến tạo cho thi ca và âm nhạc một không gian đa tầng cảm xúc, nhiều lớp trải nghiệm và hướng tới những triết luận về một không gian tinh thần lớn rộng của người Việt, của một kiếp người.

D-2_resize-926x1024-Copy.jpg

XEM ĐÊM GIỮA BAN NGÀY

Sẽ là tuyệt vời nếu những người thiết kế, xây dựng, cảm thụ, phê bình, chụp ảnh hay thụ hưởng kiến trúc được nắng khuya của Trịnh Công Sơn và Phùng Cung dẫn lối.

Hãy chờ đợi đến cuối ngày. Khi nắng dần tắt, nhiệt độ màu chuyển dịch, đèn sáng, một không gian mới lạ thoắt hiện lên trong ít phút rồi nhanh chóng tan loãng, biến mất. Khi đó hoàng hôn sẫm đỏ. Có lúc bầu trời tím biếc. Là khi trời đất giao hòa, ngày đêm chia tách, âm dương vẫn quấn quyện. Đó cũng là lúc nắng lan tỏa tới khuya.

Có một nỗ lực chuyển dịch để vượt qua cái hữu hạn hay ràng buộc vốn có, thường hằng và chạm tới cái không thể, điều vô cùng. Mọi kiến trúc được chiếu sáng, được choàng phủ một chất liệu siêu mịn để lung linh hơn trong một ngôn ngữ và biểu tượng mới mẻ.

D-1_resize-1024x579-Copy.jpg

Trong những lộ trình đuổi theo ánh sáng, những người cầm máy,  cảm thụ, phê bình hay thụ hưởng kiến trúc thực sự bị ám ảnh của chất đêm huyền hoặc, ma mị ấy. Họ chợt hiểu nắng khuya là có thật chứ không chỉ là ảo giác như khi đứng trên đảo xa, ở phía nam và trong những ngày tròn trăng.

Và nắng khuya càng gần gũi và thật hơn trong những cách mà người thiết kế ánh sáng tài hoa đã để lại dấu ấn của mình trong nội hay ngoại thất công trình.

Những sắc màu vàng, trắng, xanh… mang đến cho công trình một hình hài, dung nhan mới. Khoảng tối sẫm, xám là cho ánh sáng sâu hơn, đa nghĩa hơn. Những sắc vàng nhẹ chiếu vào vòm lá làm cho sân vườn huyền hoặc, lãng mạn. Những dòng sáng trắng dội thẳng vào những con sóng bạc đầu đủ làm biển thổn thức.

Nếu có dịp đi xa, tiếp cận không gian của tiền sử, của cổ tích, thần thoại hay những vùng đất dày trầm tích lịch sử – văn hóa, người ta có cơ hội được thấy cái nhịp vận động mạnh mẽ của màu và sắc trên tháp cổ Ai Cập, trong dòng chảy huyền nhiệm của thuật phong thủy ở Singapore hay bóng nước ma mị khúc xạ một sòng bạc lớn mang hình thành cổ Venice…

Khi trở về với những làng quê, thấy thân thương hơn với những ánh đuốc trên một dòng sông lấp lánh. Những chiếc đèn bão khép mình trong vườn biển đêm. Mỗi khi trăng tỏa thứ ánh sáng dịu ngọt hơn trên những khóm dừa, hàng tre. Có chút ánh đèn le lói trong căn nhà nhỏ đang im lìm dưới bóng thông tùng. Ngõ đá trầm mặc…

Trên từng chi tiết nhỏ bé ấy, các phù thủy ánh sáng đã xui khiến kiến trúc phải lấp lánh, tỏa sáng.

Bài & Ảnh: XUÂN BÌNH

Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 9.2015

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022