Trong cuộc sống hôn nhân, ghen là một loại trạng thái cảm xúc mà không ai muốn có nhưng đôi khi chúng ta vẫn phải đón nhận. Từ xưa tới nay, bất phân xã hội ở thời kì nào, con người ở tầng lớp nào, sự xuất hiện của kẻ thứ 3 luôn là việc khó ai có thể chấp nhận được.

Phụ nữ chọn nhiều cách để bảo vệ cuộc hôn nhân của mình. Người đánh ghen ầm mỹ, dằn mặt tình địch, người lại im lặng lựa chọn kết thúc. Hầu hết, sẽ không mấy ai rơi vào hoàn cảnh này mà đủ giữ nổi bình tĩnh suy xét để đưa ra những cách xử lý có lợi cho mình chứ đừng nói gì đến khiến tình địch sợ còn chồng thì phục. Nhưng người đàn bà này đã làm được điều ấy. Từ khi cô ấy phát hiện ra chồng ngoại tình cho đến lúc vị thế đảo ngược, cô ấy đã làm được điều mà không phải đàn bà nào cũng làm được. Đó là khiến tình địch phải nể.

Từ lâu Hoạn Thư đã trở thành biểu tượng đỉnh cao của sự ghen tuông, của sự độc ác, cay nghiệt. Là một trong những nhân vật phụ của Truyện Kiều nhưng Hoạn Thư góp phần không nhỏ làm nên thành công của tác phẩm để đời này. Mặc dù là nhân vật trong văn học nhưng hình tượng Hoạn Thư được xây dựng trên khuôn mẫu với những đặc điểm tính cách và tâm tư tình cảm rất đời thường, rất thực tế. 

Ghen một cách bài bản: tình địch khiếp sợ còn chồng phải phục

Ai từng đọc Truyện Kiều sẽ biết mối quan hệ tay 3 nghiệt ngã giữa Thúc Sinh, Hoạn Thư và Thúy Kiều. Hoạn Thư như một đại diện của người phụ nữ trong gia đình: tần tảo, chăm chồng, yêu mến kính trọng dù xuất thân của mình có danh giá và quyền thế hơn chồng. Điều này đã được đại thi hào Nguyễn Du nêu rõ: "Ở ăn thì nết cũng hay".

cam-nhan-doan-trich-the-nguyen-trong-truyen-kieu-cua-nguyen-du-15436574231201360543918.jpg

Ảnh minh họa

Nhưng bấy nhiêu vẫn chưa đủ làm hài lòng người đàn ông đào hoa, yêu cái đẹp như Thúc Sinh. Chàng ta mê mẩn nàng Kiều nhưng lại không cho nàng một danh phận, chấp nhận quan hệ lén lút sau lưng vợ. Nhưng ngặt nỗi: "Từ khi vườn mới thêm hoa/ Miệng người đã lắm, tin nhà thì không". Thử hỏi có người vợ nào mà yên nổi khi ngày nào cũng nghe tin trăng gió của chồng.

Ở cái xã hội thời bấy giờ, chuyện đàn ông năm thê bảy thiếp được pháp luật cho phép. Thế nhưng, Thúc Sinh lại không hề nghiêm túc trong mối quan hệ với cả hai người phụ nữ. Bản chất Hoạn Thư luôn có suy nghĩ: "Dại gì chẳng giữ lấy nền/ Hay gì mà được tiếng ghen vào mình". Chứng tỏ nàng ta chưa bao giờ có suy nghĩ đánh ghen.

Người vợ phải chia sẻ chồng mình với đàn bà khác dù lòng có đau thật nhưng giá như Thúc Sinh đừng dối quanh co thì Hoạn Thư cũng sẽ chiều lòng chàng cho hợp tình hợp lẽ. Đằng này, trong khi anh ta chỉ nghĩ đến cái thú vui của bản thân thì cùng lúc cả 2 người phụ nữ phải chịu thiệt thòi.

Thế nhưng, cái bản lĩnh nhất của Hoạn Thư là nàng không chủ động hỏi trước cũng không hề làm ồn ào hay đánh đập Thúy Kiều. Vì nàng biết bản chất chồng mình, rằng không nàng Kiều này thì cũng sẽ có những nàng Kiều khác, cho nên Hoạn Thư đã lên kế hoạch ngấm ngầm trả thù cả hai đối tượng.

Nếu đánh giá hành động bắt cóc Thúy Kiều về làm ô sin rồi đốt nhà, lấy xác thế thân để Thúc Sinh nghĩ Kiều đã chết của Hoạn Thư là độc ác thì có phần oan quá rồi. Thời nay, khi các bà vợ xắn quần sẵn sàng lao xả ra đường túm tóc, lột quần áo tình địch đánh ghen, thậm chí có người xát ớt, nước mắm mà nặng hơn là tạt a xít thì được hội chị em cổ vũ nhiệt tình. Vậy cái hành động của Hoạn Thư giữa thời xã hội còn nhiều bất công hơn bây giờ thì có phải đã quá nhẹ nhàng rồi không?

giaimanhanvattruyenkieuthuchuketcuccuanangkieu-1543657465612301679349.jpg

Ảnh minh họa

Với quyền, với tiền trong tay, Hoạn Thư muốn diệt Thúy Kiều thật quá dễ dàng. Nhưng nàng ta không làm thế. Nàng còn phải giữ thể diện cho chồng, bảo vệ danh tiếng cho gia đình. Bắt bồ của chồng làm ô sin hầu hạ mình cũng đâu có gì quá đáng so với tình cảm mình phải san sẻ bấy lâu.

Đặc sắc nhất trong cái độ "thâm" của cô vợ Hoạn Thư này phải kể đến màn "một mũi tên trúng hai đích" khi nàng bắt Kiều đàn hát phục vụ chồng mình. Đứng về lý thì Hoạn Thư chẳng biết cô gái này là ai, phận tôi tớ phục vụ ông bà chủ là điều bình thường. Nhưng mà, hoạn nạn mới biết lòng nhau. Trong khi nàng Kiều lòng đau như cắt thì gã đàn ông yếu hèn lại không dám lên tiếng bảo vệ người tình rồi phải giả say để lảng ra, gượng nói gượng cười.

Còn Hoạn Thư thì sao? Nàng chọn cho mình vị trí khán giả trong cái vở hài kịch ấy. Vừa để xem tình nghĩa mà chồng mình dành cho cô nàng kia đến đâu, vừa để Kiều biết người đàn ông ấy chẳng hề xứng đáng để nàng hi sinh thân mình. Cay độc nhưng không hề tàn ác mà mức độ sát thương lại cực kì cao, đó là vết thương trong tim, trong thẳm sâu tâm hồn. Đúng là cao thủ trong các loại cao thủ.

Hiểu rõ bản chất vấn đề và luôn khẳng định vị thế mình là người chiến thắng

Cuộc sống còn gì khổ sở hơn khi cứ phải tồn tại từng ngày trong nỗi lo sợ nơm nớp và dằn vặt lẫn nhau. Nhà Hoạn Thư không thiếu một người hầu và Kiều cần phải sám hối cho sự liều lĩnh của mình. Việc Hoạn Thư đưa Kiều vào xuất gia ở Quan Âm Các chứng tỏ nàng ta không hề máu lạnh hay nhẫn tâm dồn Kiều vào đường cùng. Có chăng cũng chỉ trách cô yêu nhầm Thúc Sinh, người đàn ông đớn hèn, nhu nhược. Và với sự ích kỉ thường tình rất đàn bà, Hoạn Thư nghĩ đây sẽ là nơi phù hợp với Kiều, rũ bỏ bụi trần.

Cái hay và chất của Hoạn Thư là việc nàng ta yêu ghét phân minh. Nàng sẵn sàng khen Kiều: "Ví chăng có số giàu sang/ Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên" trước mặt chồng mình là Thúc Sinh. Rồi đến bước quyết định nhất, "thả" như giữ, giữ như "thả", Hoạn Thư chủ động về nhà cha mẹ để kiểm chứng lại lòng Thúc Sinh.

04-16-1543657482234511498028.jpg

Ảnh minh họa

Lại một lần nữa ngồi vào hàng ghế khán giả để xem một cảnh bi kịch tình cảm, sau khi Thúc Sinh lạnh lùng tuyên bố với Thúy Kiều: "Ái ân ta có ngần này mà thôi" thì Hoạn Thư mới xuất hiện. Chỉ một câu khen chồng cùng thái độ mãn nguyện, vui vẻ, Hoạn Thư tự khẳng định mình là người chiến thắng.

Nhưng dù có cay nghiệt thế nào Hoạn Thư vẫn quá từ bi và tinh tế khi để cửa cho Kiều chạy trốn và không truy cứu việc nàng lấy đồ kim ngân. Nói thật ra, với tư cách là bà chủ, Hoạn Thư hoàn toàn có thể tha công khai Kiều và ban phát cho cô ấy chút phí lộ nhưng nàng lại không làm thế, không cần lấy tiếng thơm cho mình mà để giữ chút thể diện cho người khác. Dù gì cũng là phận đàn bà với nhau.

Có lẽ cũng chính vì những tình tiết đó mà sau này khi Thúy Kiều lấy được Từ Hải, mở một cuộc báo ân báo oán để xử tội vợ chồng Hoạn Thư, Kiều lại dễ dàng bỏ qua cho người đàn bà ấy.

Mặc dù chỉ là một nhân vật văn học được dựng nên nhưng phải nói hình mẫu Hoạn Thư đáng để phụ nữ học hỏi. Vừa giỏi lại đảm đang, khéo léo, trí tuệ hơn người, trong mọi trạng thái tình cảm vừa có cương lại vừa có nhu. Nhưng sau tất cả, bản chất nhân từ, vị tha vẫn không thể lu mờ.

Nguồn: Truyện Kiều - Nguyễn Du

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022