nicebandeau.jpgHình ảnh được phát đi trên kênh iTele về vụ việc tại Nice.

Chúng ta vẫn tự nhủ rằng phải kiềm chế bản thân, chỉ tin tưởng vào các nguồn tin chính thống của chính phủ, phải hạn chế chia sẻ những hình ảnh bạo lực và tàn khốc đó. Chúng ta cố gắng để không gây hỗn loạn trên mạng xã hội.

Và rồi chúng ta bật tivi lên.

Điều mà chúng ta cố gắng làm thì rất nhanh thôi, các kênh truyền hình đều quên sach. Là một sự hỗn loạn hoàn toàn. BFM và iTele là hai kênh truyền hình xuất hiện đầu tiên tại hiện trường. Hình ảnh chúng ta xem lại là một màn pháo hoa ở Paris với một dòng tít về Nice. Cũng có thể hiểu được khi mà lượng thông tin lúc mới ban đầu còn hạn hẹp, những hình ảnh trực tuyến là điều khó có thể xảy ra.

Chuyển sang kênh TF1, tôi thấy khá an lòng khi mà bộ phim Final Destination 5 vẫn đang được chiếu tiếp. Lúc đó là 0h30 phút sáng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, từ 1h sáng, TF1 lại chuyển sang phát sóng trực tiếp. Và mọi thứ bắt đầu xuống dốc từ thời điểm này, hàng loạt các hình ảnh rác, các nhân chứng vô nghĩa của những người hoảng loạn, và quá rõ ràng khi họ cần tới bác sĩ và trợ giúp về tâm lý hơn là một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Và kênh truyền hình này còn khởi đầu cho thông tin bắt cóc con tin.

Trong khi BFM và iTele không sử dụng nguồn tin đồn này thì LCI của TF1 lại hùng hồn tuyên bố: “Đang có một vụ bắt cóc con tin sau đó”. Điều tối thiểu họ có thể nói là “thông tin này chưa được xác nhận và đang là tin đồn xuất hiện tại đây”. Nhưng không. Họ đề cập đến nó như một điều hiển nhiên.

Trong khi iTele và BFM dành thời gian để mời các chuyên gia, những biên tập viên lại chưa định hình sự việc hay giữ được cái đầu lạnh để rồi dòng chữ “Tại Nice: chúng tôi không có bất kỳ thông tin gì, cảnh sát đang bảo chúng tôi phải cúi thấp” cứ đập vào mắt người xem.

Sau đó là một cuộc chiến giữa TF1 và France 2 để xem xem ai sẽ phát đoạn video chiếc xe tải cán người nhiều hơn. France 2 còn hùng hổ tuyên bố rằng “chúng tôi sẽ phát đoạn băng quay chậm ” để xem rõ mọi chi tiết vụ việc “nhờ vào đoạn băng quay bởi một du khách”. Từ bao giờ mà truyền hình không cần để ý tới nguồn gốc của tư liệu vậy? Và vì sao phải là một du khách? Vì chất lượng nó quá mờ chăng?

Những việc sau đó gần như là khó hiểu. Và thực không thể chấp nhận được. Như con tàu Titanic va phải tảng băng trôi, mọi thứ trở nên thật tồi tệ khi France 2 phỏng vấn một người đàn ông bên cạnh xác vợ mình.

Tôi lặng người đi. Không phải vì tôi quá khắt khe với thông tin được truyền tải trên kênh truyền hình đại chúng, mà bởi vì chúng ta đã đi quá giới hạn. France 2 đã phải xin lỗi công khai ngày hôm sau, 15/7.

Có quá nhiều vấn đề với cuộc phỏng vấn này. Thứ nhất, cuộc phỏng vấn tự phát tại chỗ này không kiểm tra danh tính của người đàn ông, không kiểm chứng được lời nói của ông và không đảm bảo rằng không có bất kỳ thông tin sai lệch nào được truyền tải. Chúng ta đã bỏ qua những trói buộc thường ngày và bị cuốn theo dòng sự kiện đó.

Thứ hai, người đàn ông đó vừa mới mất vợ, mất con! Tại thời điểm hoảng loạn và mất mát đó, ông ta trả lời truyền hình. Phóng viên hiện trường vốn phải tự đưa ra quyết định dừng cuộc phỏng vấn đó lại, và phải hiểu rằng đó là quyết định mà anh phải đưa ra chứ không phải ở người đàn ông không còn tỉnh táo kia.

Nhiều lúc hành động của những phóng viên có thể ảnh hưởng tới vận mệnh của người khác. Chỉ với sự xuất hiện của một chiếc máy quay, người ta có thể sẽ không còn đường lùi khi đang do dự với quyết định của mình, và điều đó là tại chúng ta.

Cùng thời điểm đó, Twitter lại trở thành một “kênh thông tin” khác. Wikileaks là những người đầu tiên đăng tải những hình ảnh rùng rợn lên đây. Một người đàn ông đi giữa Promenade des Anglais, giữa những thi thể không còn chút sức sống, giữa những vũng máu và những tiếng gào thét.

Điều gì đã xảy ra đêm hôm đó? Đây cũng khôn phải lần đầu tiên mà các kênh truyền hình mắc lỗi khi phải truyền hình trực tiếp những sự kiện đặc biệt khó khăn như vậy. Lần này, không phải BFM mà lại là France 2 và TF1 mắc lỗi.

Trong khi hàng loạt nhân chứng, những người sống sót đã cầu xin ngừng phát sóng những hình ảnh này, France 2 lại mặc kệ tất cả. Trong khi những cá nhân, những netizen lại biểu hiện khá tốt với mong muốn giúp đỡ thì những nhà báo “gạo cội” của truyền hình Pháp lại phản ứng như lần đầu tiên va chạm với tình huống này.

Câu hỏi cuối cùng mà tôi không thể gạt ra khỏi đầu là “liệu rằng cách truyền tải thông tin sẽ khác nếu như vụ việc xảy ra tại Paris? Chính vì tại Nice nên chúng ta có thể buông thả?”

Hoàng Việt (Theo Slate)

 

 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022