Trở lại làng sản xuất két bạc Đại Tự ở xã Kim Chung (huyện Hoài Đức, Hà Nội), chúng tôi vẫn thấy không khí làm việc tất bật, khẩn trương tại các xưởng sản xuất tuy nhiên sự nhộn nhịp đã không còn được như vài năm trước.

Ở xã Kim Chung có hơn 40 công ty, cơ sở chuyên sản xuất két bạc. Đã có thời điểm nhà nhà, người người làm két bạc, mỗi tháng từ làng này xuất đi hàng ngàn sản phẩm, xe tải nối đuôi nhau chở nguyên liệu sắt thép vào, chở thành phẩm ra. Bây giờ, dù giữa tầm buổi sáng nhưng cũng chỉ có lác đác vài xe bốc dỡ hàng nên con đường vào khu xưởng sản xuất như rộng thêm ra.

cp2c53i67.jpgKhu vực xưởng sản xuất ở làng nghề Đại Tự không còn cảnh tấp nập như trước đây

Tại Công ty Việt Đức, một doanh nghiệp được coi là lớn và sản phẩm có chất lượng, được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều tỉnh thành, tình cảnh cũng không khác nhiều. Đại diện Công ty Việt Đức cho biết, hiện nay số lượng nhân công làm việc tại Công ty đã giảm phân nửa so với thời kỳ cao điểm. Nhờ có thương hiệu và chất lượng sản phẩm đã được người tiêu dùng đánh giá tốt đồng thời đầu tư thêm máy móc hiện đại nên Việt Đức xuất xưởng khoảng 1000 két sắt mỗi tháng, giảm khoảng 20% so với trước.

Nguyên nhân sản xuất suy giảm bởi thị trường két bạc đã đến thời điểm bão hòa, một số xưởng sản xuất hạ giá bán rất thấp để cạnh tranh, giành giật thị trường- vị đại diện Công ty Việt Đức cho biết. Vẫn theo vị này, dù sản lượng của Việt Đức được cho là cao nhưng đó chỉ là nhìn bề nổi bởi thực tế là lợi nhuận trên mỗi sản phẩm hiện đã rất thấp.

Ở những cơ sở khác gần đó, tình hình cũng không khác nếu không nói là bi đát hơn. Một chủ xưởng giấu tên cho biết, anh vừa đầu tư một dàn máy mới để nâng công suất thì nghề làm két bạc bước vào giai đoạn “thoái trào”. Cơ sở của anh chưa đến mức thua lỗ nhưng hiện cũng đang rất chật vật.

Đối với những xưởng nhỏ, đầu tư ít, sản phẩm chưa được nhiều người tiêu dùng biết tới thì việc co hẹp sản xuất nhìn thấy rõ. Nhiều người lo ngại rằng với khó khăn hiện nay, để có lợi nhuận, những xưởng này sẽ giảm chất lượng những sản phẩm họ làm ra hoặc làm giả, làm nhái những thương hiệu ăn khách. Việc giảm chất lượng thì chưa rõ đã xảy ra hay chưa nhưng việc làm giả, làm nhái thì đã có, vị đại diện Công ty Việt Đức xác nhận bởi đơn vị này chính là nạn nhân.

Một điều khiến các “giám đốc nông dân” ở làng két bạc trăn trở là tuy giá bán xuất xưởng đã bị hạ xuống thấp đến mức gần như họ không còn lợi nhuận nhưng giá bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn không hạ tương ứng.

Đại diện Công ty TNHH Két bạc Sơn Hà cho biết, tùy theo chủng loại lớn, nhỏ mà két có giá trị khác nhau, két sắt loại nhỏ giá xuất xưởng trên dưới 1 triệu đồng/chiếc, loại lớn có giá bán 2 – 2,5 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn phải mua với giá gấp đôi con số này.

Trước khó khăn do thị trường tiêu thụ yếu đi, một số xưởng sản xuất đã tìm cách sản xuất thêm các mặt hàng mới như tủ hồ sơ, thiết bị văn phòng, đồ gia dụng… Tuy nhiên, do mới gia nhập thị trường nên các mặt hàng này cũng tiêu thụ rất chậm. Trong số hơn 40 cơ sở làm két tại khu vực này, chỉ duy nhất Công ty Việt Đức mới đạt sản lượng 300- 400 sản phẩm mỗi tháng. Đối với những cơ sở vẫn chỉ trung thành với mặt hàng truyền thống là két bạc thì chưa rõ họ sẽ vượt qua khó khăn hiện nay như thế nào.

Thế Vũ

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022