Giá vàng thế giới gần đây liên tục phá đỉnh, kéo theo đà tăng của giá vàng trong nước. Mỗi lượng vàng miếng SJC hiện cao hơn 12-13 triệu đồng so với thế giới, tùy thời điểm. Còn so với vàng nhẫn 4 số 9 cùng hàm lượng, vàng miếng SJC cao hơn 7-8 triệu đồng.

Theo chỉ thị của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước đầu tuần này cho biết sẽ đấu thầu vàng miếng với mục tiêu đưa giá kim loại quý này về sát hơn với thế giới. Đây là lần đầu tiên sau hơn 10 năm, cơ quan này khởi động lại kênh đấu thầu vàng miếng.

Có hai quy định hiện hành trực tiếp điều chỉnh về quy trình đấu thầu giá vàng miếng. Thông tư 06 ra đời 2013, đặt nền móng đầu tiên về quy trình đấu giá vàng miếng. Tiếp theo là Thông tư 12 sửa đổi ban hành vào cuối năm ngoái.

Về cơ bản, đấu thầu vàng miếng là hình thức mua, bán trong đó Ngân hàng Nhà nước đấu thầu để xác định đối tác, giá và khối lượng vàng miếng mua, bán. Có hai hình thức đấu thầu, theo giá hoặc theo khối lượng.

Nếu đấu thầu theo giá, các thành viên tham gia đưa ra các mức dự thầu để xác định giá và khối lượng vàng trúng thầu. Còn khi đấu thầu theo khối lượng, các thành viên đăng ký khối lượng dự thầu tại mức giá do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Theo thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, trong các phiên đấu thầu sắp tới, cơ quan điều hành sẽ gửi thông báo trước 1 ngày cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp để tham gia tham gia đặt cọc. Sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giá sàn, các đơn vị có 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. Như vậy, có thể hiểu cơ quan điều hành dự kiến đấu thầu vàng miếng thông qua hình thức đấu giá.

Cách đây 11 năm, Ngân hàng Nhà nước cũng từng đấu thầu vàng miếng qua hình thức này. Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, trong các lần đấu thầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo số lượng vàng miếng dự kiến cung ứng mỗi phiên, kèm theo quy định số lượng mua tối thiểu và tối đa cho mỗi đơn vị. Đơn vị tham gia sẽ ghi mức giá dự thầu không thấp hơn giá sàn, hay còn gọi là mức giá tối thiểu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra. Giá trúng thầu là giá trả cao nhất và xét theo thứ tự từ trên xuống.

Tới nay, các doanh nghiệp đủ điều kiện và được mời thầu đã nhận được thông tin số tài khoản của Ngân hàng Nhà nước để chuyển tiền đặt cọc dự thầu. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa thông báo thời gian tổ chức cũng như chi tiết phương thức đấu thấu vàng miếng.

Chia sẻ với VnExpress, ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) nói việc đấu thầu vàng miếng sẽ giúp hạn chế tình trạng độc quyền vàng miếng, giúp ngành ngày có tính thị trường nhiều hơn. Từ đó, sự chênh lệch giá giữa trong nước và thế giới có thể được rút ngắn. Doanh nghiệp cũng mới chỉ biết chủ trương chứ chưa nắm thông tin cụ thể.

Chung nhận định, lãnh đạo một nhà băng đánh giá việc tăng nguồn cung vàng miếng sẽ giảm được biên độ chênh lệch vàng miếng và thế giới. Biên độ được thu hẹp bao nhiêu tuỳ thuộc vào số lượng vàng miếng cung ra thị trường. Tuy nhiên, việc kéo giá vàng miếng về sát với thế giới là bài toán bất khả thi, nếu chỉ trông đợi vào việc đấu thầu vàng miếng SJC.

Giai đoạn 2013, việc đấu thầu vàng miếng cũng từng giúp hạ chênh lệch giá vàng miếng so với thế giới. So với cách đây chục năm, bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi.

mua-vang-12-1713353597-4848-1713357579.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tXkcdE5DtidzW_DEgqz5JQ

Người dân mua vàng miếng SJC tại tiệm vàng ở quận Bình Thạnh. Ành: Quỳnh Trần

Những phiên đấu thầu sắp tới sẽ có sự khác biệt đáng kể về chủ thể tham gia và khối lượng trúng thầu so với cách đây 10 năm.

Hiện nay, kinh doanh vàng miếng co hẹp và chỉ được giao dịch tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước, 26 đơn vị gồm ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng có giao dịch với Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu vàng miếng.

Tuy nhiên, các ngân hàng - vốn là chủ thể chính tham gia các đợt đấu thầu năm 2013 - dự kiến không phải là lực lượng chính trong các hoạt động đấu thầu sắp tới. Giai đoạn trước, các ngân hàng được phép huy động vàng từ dân cư, do đó họ cần thanh toán trạng thái vàng để trả lại cho dân. Nhiều năm nay, khi việc huy động vàng đã chính thức bị xóa bỏ, chỉ còn lại số ít nhà băng vẫn còn duy trì mảng kinh doanh vàng miếng.

Một số nhà băng đủ điều kiện tham gia cũng cho biết đứng ngoài hoạt động đấu thầu. "Chúng tôi đủ điều kiện nhưng dự kiến không tham gia. Bởi, việc này đòi hỏi duy trì bộ phận nhân sự có chuyên môn, đào tạo về kinh doanh vàng, chưa kể việc duy trì trạng thái vàng cũng có nhiều rủi ro", lãnh đạo một nhà băng quốc doanh nói với VnExpress.

Với khối doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng, hiện cũng chỉ có một số đơn vị lớn như SJC, Phú Quý... tập trung vào mảng kinh doanh vàng miếng. Còn nhiều đơn vị khác trên thị trường chú trọng vào hoạt động kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ.

Ông Huỳnh Trung Khánh dự báo, các phiên đấu thầu trong thời gian tới "thiếu vắng " lực lượng ngân hàng, kéo theo số lượng giao dịch dự kiến không lớn như giai đoạn 2013. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đấu thầu khoảng 70 tấn vàng một năm.

Còn hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ cung ứng ra một lượng vừa đủ để giá vàng miếng hạ nhiệt trong mức chấp nhận được so với thế giới. Tuy nhiên, con số "vừa đủ" là bao nhiêu, theo chuyên gia cần theo dõi thêm, tùy thuộc vào lực hấp thụ của thị trường cũng như khả năng cung ứng của Ngân hàng Nhà nước.

Đấu thầu vàng miếng là lựa chọn "bình ổn" giá vàng miếng SJC trong bối cảnh hiện nay, nhưng chuyên gia nhìn nhận chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Ngân hàng Nhà nước không công bố số liệu về lượng dự trữ vàng quốc gia. Còn theo đơn vị cung cấp dữ liệu CEIC, dự trữ vàng của Việt Nam tính tới tháng 11/2023 là khoảng 660 triệu USD, chiếm khoảng 0,7% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia.

Theo đó, việc sử dụng vàng trong kho dự trữ, theo lãnh đạo một nhà băng, sẽ là lựa chọn hợp lý so với phương án cấp phép nhập khẩu vàng, tránh tạo áp lực lên tỷ giá.

Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, việc tiêu tốn dự trữ ngoại hối quốc gia để giảm chênh lệch giá vàng miếng, theo vị lãnh đạo ngân hàng, là không xứng đáng so với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát tỷ giá. Với những nhu cầu tích lũy, đầu tư vàng của người dân, theo lãnh đạo, có thể tìm đến kênh vàng trang sức mỹ nghệ, trong đó có vàng nhẫn 4 số 9. Theo bà, cần thiết hơn là giải quyết vấn đề nguyên liệu kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ cho doanh nghiệp, đó mới là hoạt động tạo ra công ăn việc làm.

Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng cũng đồng tình rằng đây là giải pháp "chữa cháy" trong ngắn hạn và cần thêm nhiều bước đi khác, bao gồm giải pháp dài hạn cần tính tới khi sửa đổi Nghị định 24. Tuy nhiên, chuyên gia này khẳng định, việc đấu thầu vàng miếng trong ngắn hạn, thực sự mang lại lợi ích cho người tiêu dùng vì mua được vàng miếng với giá rẻ hơn. Đồng thời việc tổ chức đấu thầu cũng giúp tăng tính minh bạch, tránh được tình trạng doanh nghiệp ép giá vì nguồn cung hạn chế.

Ngoài ra, ông Khánh cũng kỳ vọng việc đấu thầu vàng miếng có thể giúp giảm chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng. Hiện, giá thế giới biến động mạnh khiến các doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro và nới rộng khoảng cách giá mua bán lên tới 2 triệu đồng mỗi lượng do không có nguồn đối ứng. Việc có thêm nguồn cung thông qua tham gia đấu thầu theo ông, có thể giúp họ chủ động và cạnh tranh hơn trong kinh doanh, qua đó giảm chênh lệch giá mua và bán.

Quỳnh Trang - Tất Đạt

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022