Nằm sâu trong con hẻm 152 rộng chưa đầy một mét ở đường Trần Quang Khải, quận 1, là một tiệm may có thương hiệu đã tồn tại qua hai thế hệ với tuổi đời gần 60 năm.

Lấy tên Đức Tân, hay còn gọi Bố Già, tiệm may bề thế này là lựa chọn may vest cưới của nhiều chú rể và giới văn phòng, kể cả nhiều nghệ sĩ nam nổi tiếng ở Sài Gòn. Ông Tân chủ tiệm, cũng là một thợ may kỳ cựu, tiếp nối cơ nghiệp của bố để lại. Tất cả đơn hàng khách đặt, ông đều tự mình đo đạc và tính toán thông số cẩn thận. Chỉ nhìn vào dáng người, ông đã có thể hình dung và cho biết bộ quần áo cần chỉnh sửa thế nào cho phù hợp. Để đảm bảo độ trơn tru của cả quá trình may, ông lập ra mẫu may đo ghi những con số tính toán đến từng chi tiết, để thợ cắt, ráp theo đó mà thực hiện phần việc của mình.

Duc-Tan-set-top-2501-1407550941.jpg

Nhà may Đức Tân (Bố Già) đã trải qua hai thế hệ. Ảnh: NT

Những tiệm may lâu đời ở Sài Gòn luôn gắn liền với đội thợ may thạo việc, với tuổi đời không dưới 15 năm. Ông Tân săn đón những thợ lành nghề nhất nhì Sài Gòn (tuổi nghề 20 – 30 năm) để về làm thợ chính. Rồi những người thợ chính này sẽ kéo thêm về cho mình những thợ phụ để công việc cắt may diễn ra nhanh và suôn sẻ. Tổng cộng, tiệm Bố Già hiện có hơn 40 thợ đảm nhận nhiều khâu cắt, ráp quần, áo, vest...

Một trong những lý do khiến tiệm may của ông Tân hút khách là dịch vụ. Ngày hẹn lấy đồ rất chuẩn, 7 ngày cho quần tây và 2 tuần cho đồ vest. Khách có thêm dịch vụ may nhanh chỉ mất một đến 2 ngày là có đồ. Những hôm thợ không đủ, hoặc vào mùa cao điểm, ông Tân sẽ từ chối may nhanh vì để đảm bảo chất lượng mỗi sản phẩm.

Tiệm Bố Già không ít lần đi đấu thầu để may hợp đồng cho các công ty lớn. Ông Tân cho thợ đến tận công ty để đo đạc và lưu số đo của từng nhân viên vào một cuốn sổ lớn. Chị Thảo, một nhân viên của tiệm chia sẻ, tiệm không tạo ra các size quần áo để may cho dễ, vì như vậy rất dễ mất khách. Kinh doanh của tiệm chủ yếu là làm thủ công, nên dù may hợp đồng thì cũng phải may đúng số đo, tên người nào đúng áo quần người đó.

“Có hôm, một ông khách người Hàn Quốc muốn may vest với kiểu nút lạ. Vậy là ông chủ đã lặn lội đi tìm ở những chỗ bán nguyên liệu may mặc mấy ngày trời để tìm được kiểu nút độc và lạ về may. Nhưng khi tính tiền, ông không tính thêm phần chi phí nút đó. Người khách Hàn rất hài lòng và về sau giới thiệu khá nhiều mối cho tiệm”, cô nhân viên tên Thảo cho biết thêm.

Cũng thuộc loại lâu đời ở Sài Gòn, tiệm may Ben nằm khuất sau tấm bảng to trên đường Lê Văn Sỹ, quận Phú Nhuận hơn 30 năm nay. Xuất hiện từ thời con đường này là khu thời trang Trương Minh Giảng, rồi xu hướng đồ may sẵn lên ngôi khiến nhiều shop liên tiếp mở ra, nhưng tiệm may Ben vẫn kinh doanh tốt.

may-1-JPG-2013-1407550941.jpg

Ông Hải thường coi các kênh thời trang quốc tế để cập nhật xu hướng. Ảnh: NT

Khách thường xuyên tới tiệm sẽ không lạ lẫm với cuốn catalouge có những mẫu rất thịnh hành cách đây vài chục năm. Tuy nhiên, để không tụt hậu, ông Hải thường xuyên cập nhật xu hướng thời trang thế giới. Trên bàn máy vắt sổ sau tủ kính trưng đồ vest, những cuốn catalogue mới có phong cách châu Âu lẫn châu Á được sắp xếp ngay ngắn, đặc biệt là những cuốn catalogue mang phong cách Hàn Quốc với những người mẫu mới nổi. Những mẫu vest mới nhất xuất hiện trên các kênh thời trang quốc tế cũng xuất hiện ở đây.

Để phục vụ khách hàng tốt nhất, ông chủ tiệm tự mày mò tìm cách quản lý số đo để khách hàng không mất quá nhiều thời gian cho những lần may sau. Khách lần đầu đặt may, ông gắn cho một mã số với đầy đủ thông tin lưu trên máy tính để dùng cho những lần may sau. Nếu khách có mập hơn hay ốm đi chỗ nào, chỉ cần trừ hao vài cm. Mã số đó được lưu trữ trong 3 năm. Sau 3 năm sẽ được cập nhật lại để đảm bảo độ chính xác. Ông Hải cho biết: “Kể từ ngày lưu mã số này, lượng khách Việt kiều đặt may cũng tăng, vì họ chỉ cần nhờ người nhà đọc mã số là đã có thể có đồ đẹp”.

Giá cả hợp lý cũng là nguyên nhân tiệm giữ được khách, dù tiền thuê nhà khá nặng (khoảng 40 triệu mỗi tháng). Công may quần tây khoảng 300.000 đồng, nguyên bộ vest dao động 1,5 – 2,5 triệu đồng. Và tùy vào lựa chọn của khách hàng, tiệm sẽ may theo vải được nhập từ công ty hoặc may theo vải khách đem tới.

Bên cạnh tiệm may Bố Già của ông Tân, tiệm Ben của ông Hải, ở Sài Gòn hiện nay vẫn còn nhiều tiệm may với tuổi đời lâu năm như Cao Minh với 66 năm chuyên may veston cho khách nước ngoài, đồng thời xuất khẩu hàng sang các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ. Tiệm có website để khách hàng đặt may online mà không cần phải mất thời gian. Chỉ cần liệt kê số đo, cân nặng, chiều cao cùng những điểm đặc biệt của cơ thể, tiệm có thể may ra những bộ trang phục ưng ý nhất.

Tiệm Thụy Vũ với số tuổi gần 20 cũng là một sự lựa chọn cho các phụ nữ văn phòng. Các chị truyền tai nhau tiếng tăm của tiệm vì cách cắt may hiện đại, chưa kể tiệm còn nâng cấp hệ thống thanh toán qua thẻ để tiện lợi cho khách hàng. Ngoài ra, để bắt kịp xu hướng và cạnh tranh với hàng may sẵn, tiệm còn đa dạng hóa sản phẩm bằng các mẫu váy, áo do chính tiệm gia công.

"Người chủ tiệm giờ đây không những có tư duy của một người thợ lành nghề, mà còn phải biết cách quản lý thương hiệu hiệu quả để giữ khách hàng và giữ uy tín của nghề may lâu đời. Điều này giúp họ tồn tại và phát triển đến ngày nay", một nhà thiết kế thời trang đúc kết về nguyên nhân "sống thọ" của các nhà may lâu đời tại Sài Gòn.

Ngọc Trần

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022