Rất nhiều người đã chuẩn bị hàng chục phương án trả lời phỏng vấn cho buổi xin việc. Từ những câu hỏi vĩ mô tới vi mô rồi các câu hỏi mang tính học thuật, chuyên sâu nhưng cuối cùng thì trong buổi phỏng vấn, họ nhận được một câu hỏi rất mơ hồ kiểu như: "Hãy cho tôi biết về bản thân bạn".

Một số người nói rằng, họ "chết lặng" bởi câu hỏi này quá rộng và chung chung. Họ có quá nhiều câu trả lời khả dĩ đến mức họ không biết bắt đầu từ đâu, mô tả về quê hương, thời còn đi học, công ty cũ hay cuộc sống trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành.

"Hãy cho tôi biết về bản thân bạn" thực ra thuộc top những câu hỏi phỏng vấn rất phổ biến và không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi hơi mơ hồ này nhưng có một số cách hay để biến bạn trả thành ứng viên lý tưởng bằng câu trả lời thông minh của mình.

pvistock-1677506048045.jpg

Phỏng vấn khi đi xin việc có thể khiến nhiều người cảm thấy lo lắng (Ảnh minh họa: iStock).

Nhiều người khi đi xin việc cảm thấy hơi khó chịu khi được hỏi một câu hỏi chung chung như vậy. Thực ra, hãy nghĩ đơn giản rằng, người phỏng vấn đang cho bạn cơ hội để nói chính xác những gì họ cần nghe.

Porter Braswell, giám đốc điều hành của nền tảng nghề nghiệp Jopwell và là tác giả của cuốn sách bán chạy mang tên Hãy để họ gặp bạn, chia sẻ: "Khi được hỏi một câu hỏi như vậy, có thể người phỏng vấn không muốn nghe câu chuyện về cuộc đời bạn. Vì thế, bạn hãy mỉm cười và khéo léo hỏi lại họ rằng: "Bạn muốn tôi bắt đầu từ đâu?".

A-J Aronstein, phó trưởng khoa tại văn phòng Beyond Barnard của Đại học Barnard, Mỹ, cho biết: "Hãy nghĩ về bối cảnh mà người phỏng vấn đang đặt câu hỏi, nghĩa là bạn nên điều chỉnh câu trả lời của mình cho phù hợp với vai trò công việc cụ thể mà bạn muốn nhận.

Hãy nói ngắn gọn trong vòng 1-2 phút với họ những công việc gì mà bạn đã làm cho đến thời điểm này khiến bạn trở thành người rất phù hợp với vị trí mà họ đang tuyển dụng".

Ví như khi họ tìm kiếm người cho ngành nhân sự, bạn có thể chia sẻ: "Tôi có kinh nghiệm trong nhiều ngành bao gồm nhân sự, truyền thông, công nghệ. Kiến thức nhân sự của tôi có được khi làm việc ở cả vai trò chuyên gia và tổng quát trong bộ phận nhân sự.

Niềm đam mê và chuyên môn của tôi là xây dựng nguồn nhân lực ngay từ đầu và mang lại trải nghiệm tốt về nhân sự cho khách hàng của tôi. Tôi tin là mình có thể thúc đẩy kết quả công việc tốt cho công ty".

Những gì bạn nên nói về bản thân sẽ có trong danh sách công việc của bạn sau này. Nhà tuyển dụng muốn biết liệu bạn có những đặc điểm phù hợp với công việc và tính cách phù hợp với văn hóa công ty hay không.

Vì thế trước khi dự buổi phỏng vấn xin việc, bạn nên chuẩn bị trước thông tin về những điều bạn đã làm ở trường học hoặc ở nơi làm việc cũ thể hiện những phẩm chất tốt nhất của bạn.

A-J Aronstein, phó trưởng khoa tại Đại học Barnard, Mỹ, chia sẻ: "Bạn nên luyện tập cho buổi phỏng vấn để có thể chia sẻ về những kinh nghiệm của bạn một cách trôi chảy.

Ngoài ra, bạn có thể gạch đầu dòng một số vấn đề quan trọng để mang theo trong cuộc phỏng vấn, đặc biệt nếu bạn là người hay quên khi lo lắng.

Hãy tự tin vào con người bạn và những gì bạn có thể làm. Dù bạn làm gì, đừng bịa ra điều gì đó để phù hợp với cuộc phỏng vấn xin việc này. Thay vào đó, hãy tìm điều gì đó vừa đúng, vừa tích cực để chia sẻ".

Porter Braswell, giám đốc điều hành của nền tảng nghề nghiệp Jopwell, nói thêm: "Mọi người đều muốn làm việc với những nhân sự có triển vọng, thú vị và bạn có thể hấp dẫn nhà tuyển dụng theo hàng triệu cách khác nhau.

Hãy thực sự hiểu về bản thân cũng như điều gì khiến bạn trở nên độc đáo. Bất kể bạn đang tham gia cuộc phỏng vấn nào, dù bạn vừa ra trường hay bạn đã đi làm 30 năm, nếu bạn có thể cho mọi người thấy là bạn đặc biệt như thế nào, mọi người sẽ muốn đầu tư vào bạn".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022