Khoa cho biết, với mỗi việc mình làm, cậu luôn tìm được sự hứng thú, yêu thích. Chính vì vậy, tuy thực hiện cùng lúc nhiều hoạt động khác nhau nhưng Khoa không chịu chút áp lực nào.

Công việc làm thêm “đẳng cấp”

Ngay từ năm thứ nhất đại học, Nguyễn Đình Đăng Khoa đã tìm kiếm được những công việc làm thêm đáng mơ ước với bất kỳ sinh viên nào. Theo Khoa, điều quý giá nhất mà những công việc làm thêm đem lại cho cậu là các mối quan hệ. Hai công việc làm thêm yêu thích nhất của Khoa là làm việc tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ và Đại sứ quán Đan Mạch.

“Ở những nơi này, mình không chỉ kiếm thêm một phần thu nhập, giúp bản thân trang trải mà còn được gặp gỡ những nhân vật ngoại giao quan trọng để học hỏi từ họ”, Khoa chia sẻ. Cơ hội thực tập tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ đem lại cho Khoa công việc trợ giảng cho GS Peggy trong chương trình Học giả Fulbright tại trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM). Sau này, khi qua Mỹ, chính GS Peggy là người đã nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ Khoa trong suốt Kỳ nghỉ Xuân - “Spring Break”.

Những chuyến đi không mỏi

Không chỉ tích cực trong học tập, săn lùng học bổng, tìm kiếm cơ hội từ những công việc làm thêm, Khoa còn là anh chàng rất tích cực trong các hoạt động thiện nguyện. Cậu từng tham gia rất nhiều hoạt động vì cộng đồng trong nước và cả tại viện dưỡng lão ở Mỹ.

Một trong những hoạt động tình nguyện để lại trong Khoa ấn tượng sâu sắc và giúp cậu thay đổi cách tư duy đó chính là chuyến thăm các cụ già tại chùa Bình An, Q. 2, TP. HCM, Mùa Hè Xanh 2013. Khoa cùng các bạn đã nấu ăn, biểu diễn văn nghệ cho các cụ và cùng ngồi nghe những tâm sự bên giường bệnh. Từ đó, Khoa luôn tự nhắc nhở bản thân, hãy làm một điều gì thật có ích cho cộng đồng người cao tuổi tại Việt Nam.

photo-0-1475893470448.jpg

Nguyễn Đình Đăng Khoa.

Những hoạt động thiện nguyện trên đất Mỹ cũng là hành trình đáng nhớ của Khoa. Điều kiện học bổng của cậu khi theo học tại Mỹ là sẽ phải tham gia 20 giờ lao động công ích, tuy nhiên, vì cảm thấy hứng thú nên Khoa đã đăng ký tham gia đến hơn gần 80 giờ.

Khi tham gia tình nguyện tại viện dưỡng lão, Khoa cho biết, cậu được tham gia tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cho các cụ, như: Chơi Bingo, tập Yoga, chơi trò chơi đoán hình và động tác, đọc sách… Bên cạnh đó, Khoa còn đăng ký giúp đỡ các dự án lượm rác hay trồng cây cho cộng đồng.

Khoa bộc bạch: “Thật sự, mình ngạc nhiên bởi tinh thần chủ động của những cô bé, cậu bé ở Mỹ, tuy mới 6 tuổi nhưng đã hăng hái xung phong và làm rất tốt, rất hiệu quả các hoạt động xã hội”.

Hành trình đến với tàu Đông Nam Á

Khoa là sinh viên nhận được rất nhiều học bổng tham dự các chương trình giao lưu quốc tế, như: “Global UGRAD” (Chính phủ Mỹ), “Hitachi Young Leaders Initiatives” (Tập đoàn Hitachi), Hội nghị “ASEAN in One” (trường ĐH Duy Tân và P2A) và mới đây nhất là tấm vé tham dự chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á (SSEAYP).

Cách đây 2 năm, Khoa đã từng nộp đơn dự tuyển cho chương trình SSEAYP, tuy nhiên, do thời gian nộp đơn gấp rút, chưa tới một tuần, hồ sơ còn thiếu sót những giấy tờ bắt buộc và bài luận không được trau chuốt nên kết quả không như ý.

Rút kinh nghiệm, Khoa bắt đầu chủ động hơn trong quá trình tìm kiếm các chương trình tương tự để tích lũy kinh nghiệm. Khoa cũng nhận ra, cơ hội được trở thành đại biểu của Tàu Thanh niên Đông Nam Á sẽ là tiền đề vững chắc để giúp cậu thực hiện ước mơ trong tương lai.

Vì vậy, năm 2016, được sự động viên từ mọi người, Khoa bắt tay chuẩn bị hồ sơ cẩn thận, ngay từ lúc mở đơn. Sau hơn 2 tháng, qua 3 vòng tuyển cam go, Nguyễn Đình Đăng Khoa trở thành một trong 28 đại biểu chính thức của đoàn Việt Nam năm nay.

Nguyễn Đình Đăng Khoa

- Học bổng toàn phần của Chính phủ Mỹ “Global UGRAD 2016”.

- Tham gia Diễn đàn Sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ, tại Philippines.

- Quán quân hùng biện tiếng Anh, trường ĐH Ngoại thương.

- Trợ lý Đại sứ quán Đan Mạch.

- Thực tập sinh Lãnh sự quán Mỹ.

Theo Hà Chi

Sinh viên Việt Nam

Tag :, , , ,

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022