Ấp ủ sáng chế từ nhỏ

Sinh ra ở vùng quê thuần nông nghèo, ngay từ khi còn nhỏ Lê Minh Hải đã thường xuyên cùng bố mẹ ra đồng nhổ mạ, cấy lúa. Qua những lần như vậy, Hải thấy những người nông dân rất vất vả, mất nhiều thời gian mới cấy hết ruộng lúa của gia đình.

maycaylua.jpg
Anh Hải bên chiếc máy cấy 9 hàng mới sáng chế của mình.

Vì thế, Hải ấp ủ giấc mơ sáng chế thành công máy cấy lúa. Lớn lên, Hải đi học nghề sửa chữa cơ khí rồi về mở xưởng sản xuất ở địa phương. Nhờ có tố chất thông minh, quá trình làm nghề tích lũy được kinh nghiệm, cùng với tham khảo tư liệu về chế tạo máy, Hải bắt đầu quyết định sáng chế máy cấy lúa.

Để làm thành công máy cấy, anh Hải phải mất thời gian khoảng hơn hai năm.

Trong khoảng thời gian này, anh tự mày mò, nghiên cứu, tận dụng các đồ phế liệu của xưởng làm những bộ phận ở ngoài như khung, bánh răng, ghế ngồi… những bộ phận quan trọng khác anh phải tự bỏ tiền ra mua ở thị trường rồi về chế tạo, lắp giáp.

Trong quá trình sáng chế, anh Hải gặp rất nhiều khó khăn vì mỗi công đoạn của máy đều phải tư duy, nghiên cứu sao cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận.

Năng suất cấy 20 phút/sào

Anh Hải tâm sự, đồng đất quê anh nơi sâu, nơi nông nên khi máy cấy hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Để khắc phục, anh đã sáng chế bánh xe to như bánh lồng đất để khi gặp nơi bùn sâu vẫn có thể hoạt động bình thường.

Trong các công đoạn, khó nhất là khâu chế tạo tay lấy mạ vì có nhiều động tác phức tạp như tay ra mạ, tay cắp mạ, ấn mạ xuống ruộng, nhã tay rút về chuẩn bị động tác mới và bước lùi khi cấy song.

“Riêng khâu này, tôi phải mất cả mấy tháng ngồi vẽ trên giấy, thử nghiệm nhiều lần thất bại, đến khi áp dụng nguyên lý thanh truyền trục khửu mới thành công”, anh Hải nói.

Cũng theo anh Hải, máy cấy hoạt động được nhờ sử dụng động cơ 4 mã lực chạy bằng dầu diezen. Trung bình máy hoạt động 20 phút máy thì cấy được một sào (500m2), mỗi nhịp cấy được 9 hàng cùng một lúc.

Hiện nay, một công cấy người dân đang thuê 100 nghìn đồng/công, một sào mất khoảng 1,5 công cấy trong một ngày. Nếu người dân sử dụng máy cấy sẽ tiết kiệm được sức lao động khoảng 10 lần.

Vừa qua, để tăng năng suất lúa, tiết kiệm phân bón cho nông dân, tỉnh Thanh Hóa đã thử nghiệm mô hình bón phân dúi cho cây lúa khi cấy để nhân ra diện rộng.

Hiện nay, anh Hải đang khẩn trương nghiên cứu lắp giáp thêm chức năng “dúi phân” cho máy cấy. Nếu thành công, sẽ tiết kiệm được thêm khá nhiều sức lao động cho nông dân.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022