kimphuong4-1485391326545.jpg

Miss Áo dài cuộc thi Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng Hoàng Kim Phương gợi ý giúp các bạn gái "hóa giải" những câu hỏi khó dịp Tết.

Miss Áo dài cuộc thi Nữ sinh viên Việt Nam duyên dáng Hoàng Kim Phương chia sẻ:

“Gần như năm nào cũng vậy, Phương đều cùng gia đình đón giao thừa bên mâm cỗ cúng. Cả nhà hào hứng trang trí, dọn dẹp lại lần cuối nhà cửa thật tươm tất trước thời khắc năm mới.

Ngay giây phút giao thừa, các thành viên trong gia đình Phương quây quần bên nhau gửi tặng phong bao lì xì đỏ may mắn, dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp khi năm mới bắt đầu, rồi cùng đi lễ chùa và tản bộ đường phố hoa xuân. Gia đình Phương xem đó là khởi xuân ấm áp, tươi tắn đánh dấu tốt đẹp cho một năm mới đã bắt đầu.

Vào sáng mồng 1, Phương dậy thật sớm, đi theo hướng giờ tốt (vì là học kiến trúc nên mình thường quan tâm đến phong thủy) rồi ghé tiệm tạp hóa mua bịch muối hạt. Phương nghe đâu đó rằng mua muối đầu năm sẽ có thêm “mặn mà” hơn trong những ngày sau đó. Mình nghe mẹ bảo mồng 1 kị động nhà người khác nên thường ở nhà nghỉ ngơi.

Mồng 2 và mồng 3, Phương xem là ngày dành cho gia đình, họ hàng người thân (bạn bè thì mình qua mồng 4). Thường thì họ hàng, người thân Phương sẽ qua lại nhà nhau chúc xuân và ăn uống thân mật. Vì đây là dịp hiếm có trong năm mọi người có thể quây quần ôn chuyện một cách thoải mái, vui vẻ nên Phương rất trân trọng khoảng thời gian này và xem đó là khoảnh khắc ý nghĩa nhất trong dịp Tết truyền thống.

kimphuong3-1485391326535.jpg

Kim Phương trân trọng khoảng thời gian Tết dành cho gia đình, họ hàng, người thân.

Song, vui là một chuyện, mình cũng gặp không ít áp lực vì sự quan tâm của mọi người. Phương e ngại nhất là gặp phải nhiều câu hỏi “nhạy cảm” và nhiều khi không biết phải ứng xử thế nào cho phù hợp.

Chuỗi câu hỏi đầu tiên mình thường gặp phải là: “Người yêu đâu? Bao giờ lấy chồng”, “Để cô chú làm mai cho vài mối nhé?, “Có anh A, anh B nào đấy để giới thiệu cho nó”… Năm nay mình vẫn độc thân vui vẻ nên tình trạng này chắc hẳn sẽ lặp lại. Đầu năm Phương cũng tính nói là có rồi cho oai. Vì trả lời là: “Con chưa có bạn trai” thì kiểu gì cũng bị tỏ thái độ kiểu đến từng tuổi này, mặt mũi thế kia lại không kiếm nổi bạn trai dẫn về ra mắt cho ba mẹ an lòng. Đến cả mẹ còn mở lời: “Giá như Tết năm nay có đứa rể Út dẫn mẹ đi chợ Tết thì vui biết mấy”!

Thế là Phương phải ôm mẹ thủ thỉ: “Ều, mẹ cần gì phải nghĩ mệt vậy nè, năm nào con cũng dẫn mẹ đi chợ Tết được mà, cả thế giới này của mẹ cứ để Út lo được tất”. Mà Phương cũng chuẩn bị sẵn tâm lý “mặc áo giáp bỏ sẵn đạn bóp cò nổ tung tóe” khi cần rồi nhé! (cười)

Rồi đến vấn đề ông mai bà mối giới thiệu cho anh A, B nào đó chưa biết mặt mũi thế nào là trường hợp mình sợ lắm. Có khi lại sắp xếp cuộc hẹn giữa các người lớn với nhau mà mình bị bất ngờ không hề biết trước, lúc ấy chỉ biết ngồi chịu trận, cười trừ xã giao lịch sự cho qua cuộc hẹn.

Phương cũng biết thành ý của bậc phụ huynh là tốt nhưng chỉ mang hiệu quả ngược thôi, vô tình tạo cảm giác mình như là hàng “sale” (giảm) hết giá trị cần thanh lý gấp vậy đó. Có mấy bạn trẻ muốn lần đầu gặp người chồng tương lai trong tình huống vậy đâu?!

Thôi thì tất cả những câu hỏi đều xuất phát từ sự quan tâm, lo lắng của mọi người cho mình nên Phương cứ thật rạng rỡ, thật tự tin, tươi tắn thì người thân sẽ an tâm phần nào rằng: Nó không đến nỗi ế đâu nhỉ?!

kimphuong2-1485391326516.jpg

"Hãy luôn tạo cho mình tâm lý thoải mái, vui vẻ trong giao tiếp để mọi người có dịp trò chuyện thân mật, gần gũi hơn trong mỗi dịp Tết sum vầy", Phương chia sẻ.

Chuỗi câu hỏi thứ 2 Phương áp lực không kém khi nghe là: “Lương bao nhiêu vậy, có nhiều không con?”, “Năm nay có được tăng lương hay thăng chức không con?”, “Dành dụm được nhiều không con?”, “Tháng cho bố mẹ được bao nhiêu thế?”, “Định khi nào mua nhà, xe hơi vậy con?”…

Hỏi vậy thì biết trả lời sao nhỉ? Chẳng lẽ Phương lại trả lời thật, kê khai rõ ràng? Phương áp dụng triệt để câu: “Tránh né đến cùng” nên khi bị hỏi về vấn đề thu nhập cá nhân, Phương sẽ cười thật tươi (chứng tỏ nghĩ đến tiền mà nó tươi như vậy thì chắc cũng không đến nỗi thiếu tiền).

Phương thường trả lời đại khái là: “Con cũng kiếm được đủ chi tiêu ạ”, “Bên công ty con làm ăn tốt nên thu nhập cũng ổn ạ”, “Vị trí con làm cũng tốt và con cũng đang tập trung làm việc chăm chỉ để được thăng chức ạ”, “Con chỉ phụ được chút ít, cũng đang cố gắng giúp ba mẹ nhiều hơn ạ”, “Con đang cố gắng dành dụm tiền mua nhà và xe nhưng chưa biết khi nào mới đủ đây ạ”… rồi kèm nụ cười tươi tắn.

Phương nghĩ đừng kê khai thật thà số tiền thu nhập mỗi tháng, vì nếu ít quá sẽ bị hỏi han chê cười, mà nhiều quá lại bị hiểu nhầm là khoe khoang.

Tuy những câu hỏi này thường khiến người trẻ chúng ta khó xử và không vui, nhưng thực sự đây là cách để họ hàng, người thân bắt đầu câu chuyện với đám trẻ con xa cách từ tư duy đến tình cảm dễ hơn mà thôi. Phương cho rằng chúng ta hãy luôn tạo cho mình tâm lý thoải mái, vui vẻ trong giao tiếp để mọi người có dịp trò chuyện thân mật, gần gũi hơn trong mỗi dịp Tết sum vầy!

Chúc mọi người có một cái Tết đầm ấm hạnh phúc bên người thân nhé! Chúc các bạn đón Tết vui vẻ và hóa giải những tình huống “khó xử” một cách nhẹ nhàng, thoải mái nữa. Chúc mừng năm mới!”.

Bích Thùy (ghi)

Tag :, , , , ,

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022