Tại tọa đàm "Truyền thông của trường đại học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0" ngày 16/6, Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương Bùi Anh Tuấn khẳng định công tác truyền thông được nhà trường đặc biệt quan tâm, nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. "Chúng tôi muốn tìm ra câu trả lời làm thế nào để các kênh thông tin hỗ trợ tốt việc nâng cao uy tín nhà trường", ông Tuấn nói.

Hiệu trưởng Tuấn nêu ra nhiều băn khoăn. Thứ nhất là những phát ngôn của cán bộ, giảng viên trong trường. "Các thầy cô đưa ý kiến lên Facebook, phát biểu ở chỗ này chỗ kia với tư cách cá nhân, nhưng vẫn gắn chữ giảng viên Đại học Ngoại thương vào khiến lãnh đạo nhà trường phải trực tiếp phản hồi. Điều này xảy ra rất thường xuyên", ông Tuấn nói.

Thứ hai, trong khi nhiều đại học luôn được nhắc đứng trong các bảng xếp hạng thì Ngoại thương ít được đề cập. Ông Tuấn cho rằng nhà trường đang không làm tốt công tác đưa thông tin tổng hợp hay xếp hạng của trường đến xã hội. Trường có nhiều kênh truyền thông như các Fanpage, cổng thông tin điện tử, nhưng "phải chăng vì có quá nhiều mà dẫn đến bị loãng".

Hieu-truong-7826-1497597109.jpg

Ông Bùi Anh Tuấn chia sẻ những điểm yếu trong công tác truyền thông của Đại học Ngoại thương. Ảnh: Dương Tâm

Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương chỉ ra thực trạng cán bộ đăng tải thông tin đang chỉ dừng ở mức hôm nay hiệu trưởng, hiệu phó tham dự hội thảo nào. "Việc đưa tin này chỉ cho mọi người thấy lãnh đạo trường rất bận chứ không đưa được nội dung cốt lõi hay ý tưởng muốn truyền đạt từ hội thảo đó. Điều này khiến tôi rất trăn trở", ông Tuấn nói và cho biết nhiều lần nhắc nhở nhưng chưa sửa được.

Trước băn khoăn của Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương, ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Giáo dục, đào tạo và dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng các trường đại học cần tư duy lại vấn đề truyền thông. Nhà trường phải nhận thức rằng mỗi sinh viên là một nhà truyền thông hiệu quả.

"Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, mỗi người đều trở thành một nhà báo và có những cách tiếp cận thông tin riêng. Họ khai thác kho dữ liệu khổng lồ trên mạng xã hội và thể hiện theo một hình thức mới. Đây là thế mạnh của sinh viên, những người có sức sáng tạo vô cùng lớn", ông Hưng nói và nhận định việc sinh viên viết bài về trường trên mạng xã hội hiệu quả hơn bài viết được thực hiện bởi đơn vị truyền thông.

Theo ông Hưng, muốn truyền thông hiệu quả thì phải có nội dung. "Mỗi cá nhân phải xem mình có năng lực cụ thể gì mới đặt ra mục tiêu. Nhà trường cần biết nguồn lực có gì, định làm và quảng bá gì rồi mới tính đến việc ai làm quảng bá, phương thức, công cụ ra sao", ông Hưng phân tích. 

Ngoài nhân tố nội bộ trong trường, mỗi đại học cần quan tâm đến sự kết hợp với báo chí. "Nhà trường có thể bàn luận về công tác truyền thông, chủ đề truyền thông với các phóng viên để tạo sự đồng thuận. Đặc biệt, nhà trường không nên bưng bít mà phải chủ động thông tin đến báo chí", ông Hưng nói.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022