thi-t%E1%BB%91t-nghi%E1%BB%87p-THPT-2017Dự thảo phương án thi THPT Quốc gia năm 2017 có 2 môn thi tổ hợp gây nhiều sự lo lắng cho thầy cô, phụ huynh và học sinh

Hai môn thi tổ hợp

Theo Dự thảo, phương án kỳ thi THPT Quốc gia 2017 được tổ chức theo hướng: Mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì dành cho tất cả các thí sinh của địa phương; sẽ có 5 bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, KHTN (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và KHXH (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân); các bài thi khác thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận;…

Cũng theo phương án này, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT thi 4 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tự chọn là KHTN (tổ hợp Lý, Hóa, Sinh) hoặc KHXH (tổ hợp Sử, địa, Giáo dục công dân). Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12.

Các trường ĐH, CĐ sử dụng cơ sở dữ liệu chung này làm căn cứ để tuyển sinh. Năm 2017, có 5 cách xét tuyển ĐH. Thí sinh sẽ đăng ký nhiều nguyện vọng, vì thế công nghệ lọc “ảo” sẽ phải được sử dụng tối đa.

Khái quát về bài thi tổ hợp, Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Bài thi tổ hợp gồm 60 câu hỏi trắc nghiệm chia làm 3 phần riêng biệt, mỗi môn trong tổ hợp có 20 câu hỏi. Sẽ có cả điểm tổng hợp của bài và điểm của từng môn. Để xét tốt nghiệp sẽ tính điểm cả bài thi tổ hợp.

Học sinh, thầy cô lo lắng

Sau khi dự thảo này được công bố, cùng với nỗi lo lắng phải học nhiều, tăng áp lực cho học sinh, phụ huynh học sinh là nỗi lo của các thầy cô giáo khi phải thay đổi hình thức dạy.

Trên mạng xã hội đang chia sẻ đến chóng mặt về tâm thư gửi Bộ GD&ĐT của em Phương Thảo, hiện là học sinh lớp 12 một trường THPT tại TP. HCM sau khi dự thảo phương án thi tuyển sinh 2017 được công bố. Trong thư, có đoạn Thảo viết: “Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, chúng con đã định hướng, chọn môn thi và khối thi, chuẩn bị tâm lý từ cuối năm lớp 11. Vậy tại sao chúng con đang học chương trình SGK từng môn mà tới lúc thi lại làm bài có nhiều môn? Sự thay đổi này khiến thầy cô và chúng con đều không chuẩn bị kịp…. Chúng con rất áp lực, cộng thêm việc luôn phải nghe ngóng xem thông tin sẽ thay đổi như thế nào để biết cách ôn tập mà “xoay chuyển” theo…”.

Bên cạnh đó, không ít giáo viên tỏ ra băn khoăn: Chẳng hạn số lượng câu hỏi và thời gian làm bài 3 môn sẽ chỉ bằng gần một môn so với trước liệu có phân loại được học sinh?

Ở góc độ là đơn vị trực tiếp giảng dạy, bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) khẳng định: Đúng là sẽ có thay đổi trong việc dạy và học, sẽ không còn môn chính, môn phụ mà thầy cô phải dạy hết các môn, học sinh cũng phải học hết các môn. Nội dung thi chắc chắn tăng lên, vậy nên thầy cô giáo phải chủ động điều chỉnh cách dạy để học sinh biết thêm nhiều kiến thức. Do hiện nay chương trình sách giáo khoa vẫn còn nặng về kiến thức nên cần có định hướng về nội dung để các trường có thể chuẩn bị dạy và ôn thi tốt cho các em.

Sẽ công bố đề thi minh họa

Nêu quan điểm về bài thi tổ hợp, ông Sái Công Hồng, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN nhận định: “Thi bằng bài thi tổ hợp sẽ khắc phục được tình trạng học lệch, học tủ. ĐHQGHN đã trải qua mấy năm thi đánh giá năng lực trên máy tính, kết quả rất tốt, nhưng triển khai trên bình diện cả nước thì chưa đủ hạ tầng, vì vậy việc Bộ GD&ĐT tổ chức thi đánh giá năng lực trên giấy và chấm thi trên máy trong năm 2017 là phù hợp”.

Về băn khoăn của thí sinh, phụ huynh khi năm nào Bộ cũng thay đổi phương án thi và xét tuyển, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Không phải năm nào cũng thay đổi hoàn toàn mà năm sau hoàn thiện phương án thi hơn năm trước, không đổi mới hoàn toàn và gây “sốc” cho thí sinh. Nội dung thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 nên thí sinh có thể yên tâm.

Cũng theo Thứ trưởng Ga: Chậm nhất là cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ công bố chính thức phương án thi, ban hành quy chế, có hướng dẫn cụ thể và công bố đề thi minh họa, khi có đề thi minh họa thì các em sẽ hiểu rõ hơn rất nhiều. Những trường thi riêng bằng cách đánh giá năng lực cũng phải công bố đề thi minh họa cho thí sinh biết.

Việc hoàn thiện phương án thi THPT là một việc làm có ích, giúp giảm áp lực cho các em, đơn giản trong tổ chức thi cử theo hướng đơn giản, ít tốn kém. Tuy nhiên, việc đổi mới cần có lộ trình, tránh gây sốc cho các em và thầy cô giáo, tránh tăng áp lực để các em có kỳ thi thuận lợi và hiệu quả nhất.

Phương Linh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022