Ngày 20/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo bàn giao Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt - Pháp) cho Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Giáo sư Patrick Boiron, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, sau 6 năm hoạt động, việc thay đổi cơ quan chủ quản từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ mở ra một trang mới cho trường.

Ông cho biết, những năm qua, đội ngũ quản lý, giảng viên của trường đã cùng nhau xây dựng Đại học Việt - Pháp thành một trường xuất sắc với các tiêu chuẩn quốc tế, kết hợp giảng dạy, nghiên cứu và liên kết công nghiệp. Chương trình đào tạo của trường cũng được cải tiến liên tục.

USTH-4495-1461147802.jpg

Bộ Giáo dục ký văn bản bàn giao Đại học Việt - Pháp cho Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam.

"Năm học sắp tới, chúng tôi sẽ mở thêm chương trình Cử nhân Khoa học và Công nghệ Thực phẩm, Cử nhân Khoa học và Công nghệ y khoa, Cử nhân Hàng không với sự hợp tác của trường quốc gia về hàng không dân dụng (ENAC) Toulouse (Pháp) và Việt Nam Airlines. Ngoài ra, chúng tôi sẽ mở thêm chương trình thạc sĩ trong Định lượng và Tính toán Tài chính, hợp tác với Viện John Van Neumann của Đại học quốc gia TP HCM, cùng nhiều dự án khác về đào tạo đang được cân nhắc và xem xét", GS Patrick Boiron thông tin.

Hiện nay, Đại học Việt - Pháp nhận được sự đóng góp về chuyên môn của khoảng 200 giảng viên người Pháp từ các trường đại học thuộc Liên minh Đào tạo Consortium đến dạy ở hệ Thạc sĩ; 23 tiến sĩ trẻ tốt nghiệp tại Pháp được tuyển dụng tại trường. Các nhà nghiên cứu đều phải là giảng viên đảm nhiệm việc đứng lớp...

Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (Đại học Việt - Pháp, viết tắt là USTH) được thành lập năm 2009 bằng nguồn ODA của ADB và sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp, Liên minh các trường đại học Pháp. Đây là trường đại học mô hình mới theo định hướng nghiên cứu ở Việt Nam.

Ngày 18/3/2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ban hành quyết định giao Viện hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam quản lý trực tiếp USTH. 

Hoàng Thùy

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022