Bước chân vào đại học, sinh viên sẽ bắt đầu một cuộc hành trình mới với cuộc sống tự lập và tự khám phá bản thân, chuẩn bị những nền tảng cho tương lai. Tuy nhiên, đa phần sinh viên lại không chuẩn bị tinh thần cho những thách thức tại trường đại học dẫn đến bị choáng ngợp và phải dành thêm một khoảng thời gian để thích ứng với cuộc sống mới. 

Tất nhiên, sinh viên nào cũng sẽ trải qua những điều này, đều cần có thời gian thích nghi miễn là sau cùng chúng ta có cuộc sống thoải mái tại trường đại học. Nhưng, hành trình này sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu sinh viên chuẩn bị tốt cả về tinh thần và kĩ năng để đối mặt với những vấn đề thường xuyên gặp phải ở trường đại học.

Dưới đây là một số vấn đề sinh viên nên sẵn sàng đối phó:

1. Điều chỉnh cuộc sống mới

Năm đầu tiên tại trường đại học luôn luôn khó khăn với mỗi sinh viên bởi sẽ có một vài thay đổi trong cuộc sống cũng như học tập. Thậm chí đôi khi bạn sẽ cảm thấy những "cú sốc văn hóa" vì sự khác nhau giữa trung học và đại học. Tuy nhiên, đừng nên quá lo lắng về điều này. Chỉ một thời gian ngắn bạn sẽ nhanh chóng thích nghi với những thay đổi này.

photo-1-1510884637585.jpg

Quan trọng là chúng ta cần dành thời gian để tìm hiểu cuộc sống mới từ đó bạn sẽ "cởi mở" với những thay đổi và có sự điều chỉnh tích cực về bản thân cũng như cách thức học tập phù hợp. Như vậy bạn sẽ thấy khoảng thời gian đại học có rất nhiều điều hay ho, thú vị và bản thân cũng phát triển được nhiều kiến thức cũng như kĩ năng.

2. Nỗi nhớ nhà

Với hầu hết sinh viên, đây là lần đầu tiên các bạn sống xa nhà trong một khoảng thời gian dài. Bởi vậy nỗi nhớ nhà có thể là chướng ngại vật sinh viên cần vượt qua. Tuy nhiên, hiện nay với các phương tiện truyền thông hiện đại như facebook, face time... các sinh viên có thể liên lạc, gặp mặt các thành viên trong gia đình khi có mạng internet. Bởi thế, đây cũng không phải khó khăn quá lớn với sinh viên.

3. Tìm bạn mới

Bước chân vào một môi trường mới với những sinh viên đến từ mọi miền đất nước, bạn cảm thấy rất khó để có thể kết bạn? Sự thật hoàn toàn không phải vậy, bạn có thể tìm kiếm cho mình những người bạn mới thông qua các lớp học, các CLB... Và đừng bao giờ giữ suy nghĩ "tình bạn đại học không bền như thời trung học". Thực tế tình bạn không phân cấp trung học, đại học, quan trọng là thái độ và mức độ chân thành của mỗi người với tình bạn như thế nào!

4. Chịu trách nhiệm với sự tự lập

Sống tự lập có rất nhiều thứ bạn cần phải cân nhắc và tự giải quyết như làm thêm, trả hóa đơn, chi tiêu hàng tháng, mua sắm, nấu ăn, làm công việc vặt nhà bếp... hay thích nghi với việc sẽ sống chung với một người bạn xa lạ. Tất cả những điều này, để hoàn thiện bạn cần bỏ ra thời gian và công sức, nhưng càng sớm bắt đầu, bạn càng có nhiều thành công trong học tập, nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân.

photo-1-1510884661579.jpg

Hãy tạo cho mình thói quen làm việc kỉ luật và tự giác bởi vì ở bậc đại học, cha mẹ sẽ không ở đó để giám sát, đốc thúc bạn. Và giảng viên cũng sẽ không sát sao được việc bạn có đến lớp hay không? Đây là một trong những phẩm chất quan trọng nhất để phát triển bất cứ điều gì khi bạn lên đại học. 

5. Vấn đề nhà ở

Bạn có thể ở trong ký túc xá hoặc thuê trọ bên ngoài, tuy nhiên, đôi khi việc tìm cho mình một nơi ở thích hợp thật sự không dễ dàng. Bạn phải xem xét các yếu tố như: khoảng cách, mức giá thuê, cơ sở vật chất, bạn cùng phòng... Và không hiếm trường hợp được điểm này lại mất điểm kia.

Thậm chí khi bạn tìm thấy một nơi mình ưng ý, nhưng sau khi ở một thời gian lại phải rời đi bởi nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan. Nói chung, sinh viên sẽ phải đối mặt với vấn đề nhà ở bất cứ lúc nào, vậy nên nếu có thể, hãy huy động sự giúp đỡ của những người xung quanh để tìm cho mình một chỗ ở phù hợp và cố định.

6. Quản lý thời gian

Khoảng thời gian đầu đại học, hầu như các sinh viên đều tốn quá nhiều thời gian vào việc tìm hiểu những thứ mới mẻ hay tham gia vào một vài CLB nào đó. Điều này nếu diễn ra lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của bạn. Vậy nên, hãy sắp xếp thời gian phù hợp cho những hoạt động tại trường.

Quản lý thời gian một cách khoa học và hợp lý sẽ giúp bạn cân bằng được giữa việc học và những sinh hoạt cá nhân, hoạt động ngoại khóa. Khi bạn có một kế hoạch vui chơi nào đó chẳng hạn, hãy dành thời gian cụ thể để hoàn thành việc học trước, tránh ôm đồm quá nhiều thứ một lúc. Việc này sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng và làm chủ được những công việc của mình!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022