phimlongthanhcamgiacamjpd-16815674709721903224352.jpg

Long thành cầm giả ca do Nhật Kim Anh và Quách Ngọc Ngoan đóng chính, bộ phim giành giải Cánh diều vàng năm 2010 - Ảnh: NVCC

Buổi giao lưu cùng đạo diễn Đào Bá Sơn và nhà nghiên cứu Nhật Chiêu với chủ đề Long thành cầm giả ca - từ thơ đến phim vừa diễn ra vào chiều 15-4.

Trước buổi trò chuyện, khán giả lần nữa được thưởng thức bộ phim giành giải Cánh diều vàng 2010 trên màn ảnh rộng.

Không cần nhờ đến nước ngoài để quay phim nước mình

base64-16815666855481286647395.png

Đạo diễn Đào Bá Sơn - Ảnh: TRẦN MẶC

Tròn 13 năm đóng máy Long thành cầm giả ca, đạo diễn Đào Bá Sơn mới tiết lộ cho khán giả nhiều câu chuyện hậu trường được ông giấu trong chiếc "hộp đen".

Đạo diễn cho biết thời gian đầu nhận kịch bản, ông gặp phải nhiều vấn đề lớn. 

Đầu tiên là ở mặt kinh phí khi nguồn vốn nhà nước đầu tư chỉ có 8,2 tỉ cho một bộ phim lịch sử. 

Mặt khác, bối cảnh câu chuyện cũng khiến ông chùn chân khi "cả một Hà Nội chỉ còn một thành cửa Bắc có viên đạn bắn vào và không thể quay được".

Thời điểm đó, đạo diễn được gợi ý sang Trung Quốc mượn bối cảnh quay phim, nhưng ông đã thẳng thừng từ chối. Ông chia sẻ:

"Tôi có một khát vọng trình bày văn hóa Việt Nam mình. Làm sao để là tiếng Hán, chữ Hán và nhà cửa đó, nhưng không phải của Trung Quốc mà toát lên chất thuần Việt. Đó cũng là lý do tại sao bộ phim của tôi kiên quyết không đi Trung Quốc quay.

Lúc bấy giờ giám đốc thuyết phục tôi đi Trung Quốc nhưng tôi nói với anh, quay một cảnh cũng là thua rồi. Dù một cảnh vẫn là mang tiếng phim đi sang Trung Quốc quay. Tôi muốn chứng minh rằng, chúng ta có thể làm phim lịch sử tại chính mảnh đất Việt Nam này. Chúng ta không cần nhờ đến nước ngoài để quay phim nước mình".

Làm phim không khó, phim xem được mới khó

Từ bài thơ Long thành cầm giả ca của đại thi hào Nguyễn Du, đạo diễn Đào Bá Sơn đã xây dựng nên câu chuyện tình lãng mạn mà bi thương của Tố Như và nàng ca nữ tên Cầm.

Lý giải về câu chuyện, đạo diễn Đào Bá Sơn cho biết: "Nó như vòng tròn của cây đàn, vòng tròn của cái giếng và hai vòng tròn nữa trong tính cách của Nguyễn Du. 

Đó là một người trí thức lớn, cả một đời đau đáu. Tư tưởng Nho giáo cũng như một vòng tròn mà ông không ra khỏi.

Nhân vật Cầm mang tư tưởng mình là con hát, cả một đời mang kiếp cầm ca, dù đàn giỏi đến đâu nhưng vẫn là con hát trong thời đại, cũng giống như Nguyễn Du không vượt qua được toàn bộ hệ tư tưởng Nho giáo của mình. 

Cho nên hai con người ấy không đến được với nhau dù rất yêu nhau. Chính sự dang dở mới làm nên câu chuyện tình đẹp vượt trên cả tình dục".

base64-16815666675171195958359.png

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu và đạo diễn Đào Bá Sơn giao lưu cùng khán giả trong buổi chiếu lại Long thành cầm giả ca - Ảnh: TRẦN MẶC

Sau nhiều lần xem lại Long thành cầm giả ca, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nhận xét: "Long thành cầm giả ca là một bài thơ ngắn gọn với độ nén cực kỳ tinh tế. Vì thế, phải là phù thủy mới mở được độ nén đó. 

Cần một đạo diễn có tài để giải được độ nén đó và mở ra một thế giới của Long Thành cầm giả ca, nếu không sẽ biến nó thành câu chuyện ngôn tình nhảm".

Khi được các sinh viên hỏi về khó khăn lúc quay phim lịch sử, đạo diễn cho rằng không có bộ phim nào quay mà không có khó khăn. Ông khẳng định:

"Để làm một bộ phim không khó, nhưng để nó xem được và đứng được trong thị trường thì rất khó khăn".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022