Mới cho con học ở nhà từ tháng 10 năm ngoái nhưng chị Thu Lan (TP HCM) đã cảm thấy hối hận. Bất bình vì cô giáo trù úm con không đi học thêm, bà mẹ từng du học tại Australia và đang làm việc tự do quyết định cho con nghỉ học lớp 2 để tự mình dạy ở nhà. Tuy nhiên, không cân đối được thời gian giữa dạy con và công việc kiếm tiền, chị thường xuyên mệt mỏi và gắt gỏng khi cho con học. Chị đang chờ vào năm học mới để xin cho con vào một trường tư. "Cũng may, mình kịp dừng lại nên chỉ bỏ phí một năm của con", chị Lan chia sẻ.

Câu chuyện ông Đặng Quốc Anh, từng là giảng viên Học viện Bưu chính Viễn thông TP HCM cho hai cậu con sinh năm 1998 và 2003 nghỉ học ở trường để học tại nhà đang thu hút sự quan tâm chú ý của bậc cha mẹ Việt Nam, khơi mào cho cuộc tranh luận nên hay không nên cho con giáo dục ở nhà (homeschooling).

Tuy vậy, ít ai có thể làm được như ông Quốc Anh, bởi việc này đòi hỏi trẻ phải có ý chí, còn cha mẹ có kiến thức, thời gian và cả tiền bạc. Không hiếm trường hợp thất bại như chị Thu Lan và đã phải dừng lại.

"Trong gia đình mình có một bé gái 14 tuổi bị chứng khó đọc, giảm chú ý, tính cách dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè. Mẹ bé từng muốn cho con học tại nhà nhưng đành đầu hàng vì không thu xếp được thời gian, chi phí, không tự tin chuyên môn để soạn chương trình cho con", thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, nghiên cứu sinh tại Đại học UEA, Anh kể.

Bị tai nạn giao thông năm lớp 9, Phương Nga, một học sinh tại TP HCM được mẹ vốn là một giảng viên đại học cho học ở nhà. Trong khi con gái buồn bã vì không có bạn chơi thì cha mẹ lại tốn rất nhiều tiền cho gia sư. Cuối cùng, gia đình quyết định cho em trở lại trường học.

1-5742-1494101000.jpg

Giáo dục tại nhà đòi hỏi trẻ có ý chí học trong khi cha mẹ có thời gian, kiến thức và tài chính - Ảnh: Sheknows.

Giáo dục tại nhà giúp gia đình được dạy con theo ý mình, thoát khỏi những ràng buộc mà trường học có thể đem lại, tránh được việc học vì thành tích. "Đặc biệt khi trẻ khó hòa nhập hoặc gặp vấn đề ở trường học thì dạy tại nhà sẽ phát huy lợi thế", ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh đại học Kanazawa (Nhật Bản), tác giả cuốn Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản nhận xét về lợi ích của mô hình giáo dục tại nhà.

Tuy nhiên, giáo dục tại nhà không dễ, nó đòi hỏi trẻ phải có ý chí tự học, cha mẹ phải có thời gian, trình độ và tài chính để mua chương trình, khoá học online, đưa con tham gia các hoạt động bổ trợ, thuê gia sư... Bản thân ông Đặng Quốc Anh đã phải nghỉ làm để ở nhà dạy con. Còn Uyên Bùi, bà mẹ đang tự dạy con ở nhà đã cùng chồng từ bỏ công việc hành chính, chuyển sang làm công việc tự do để dễ dàng sắp xếp thời gian cho con.

Bên cạnh việc thiếu môi trường bạn bè, thầy cô để giao tiếp, trưởng thành... một rắc rối của giáo dục tại nhà là "những trẻ học theo mô hình này liệu có được công nhận chính thức khi học lên bậc cao hơn ở trường hoặc đi làm không?", ông Vương băn khoăn. 

"Khi Việt Nam chưa phê duyệt mô hình giáo dục này,cha mẹ phải xác định khi hết dạy được con thì phải đưa con ra nước ngoài, không được bỏ cuộc giữa chừng", bà Huyền cảnh báo. 

Anh Đào Huy Quang, ông bố Hà Nội từng có thời gian sống ở Mỹ đang áp dụng giáo dục tại nhà cho các con 8, 10, 13 tuổi cũng thừa nhận, sau này các con anh chỉ có con đường du học. "Tư duy của chúng không phù hợp ở Việt Nam mà giống tư duy người nước ngoài" do các giáo trình anh dạy con đều có nguồn từ Mỹ.

Giáo dục tại nhà không phải là quá mới trên thế giới... Theo tiến sĩ Vũ Thu Hương, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, mô hình này đã có từ thời kì phong kiến ở châu Âu nhưng không được phát triển vì có nhiều bất cập. Trong khi các nước Anh, Mỹ khá thoải mái với giáo dục tại nhà (khảo sát năm 2012 có hơn 1 triệu trẻ 5-17 tuổi tự học tại nhà ở Mỹ, chiếm 3,4% số trẻ trong độ tuổi) thì Đức lại coi giáo dục ở nhà là vi phạm pháp luật. Bởi người Đức vốn coi trọng việc đưa học sinh hòa nhập với cộng đồng, mà đây lại là nhược điểm của giáo dục tại nhà. 

Theo thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, người sáng lập hệ thống trường ngoại khóa Tomato, quyết định có chọn giáo dục tại nhà cho con hay không sẽ phụ thuộc vào việc cha mẹ trả lời thế nào với các câu hỏi sau đây: "Cha mẹ mong muốn con mình thành con người như thế nào? Triết lý giáo dục con của cha mẹ là gì? Nhiều cha mẹ quyết định tự dạy con xuất phát từ sự bất mãn với hệ thống giáo dục truyền thống, nhưng nếu mang con về tự dạy mà bản thân mình lại không có một triết lý dạy con thực sự khác biệt và tiến bộ thì cũng chưa chắc là tốt hơn".

Các chuyên gia đều nhấn mạnh, ngay cả khi con học ở nhà, phải làm sao để con cũng được sống, được hít thở bầu không khí của đời sống xã hội, giao tiếp với bạn bè đồng trang lứa. Ở những nước có cộng đồng giáo dục tại nhà, điều này sẽ dễ dàng hơn. 

"Và quan trọng nhất, giáo dục tại nhà là một hành trình đòi hỏi sự can đảm và sự cam kết rất cao của cha mẹ (về thời gian, về tri thức) cũng như sự sáng suốt, sự khách quan để tôn trọng con, không áp cái bóng của mình lên con trong quá trình dạy con. Do đó, cha mẹ cần có sự cân nhắc, chuẩn bị rất kỹ, có cam kết nghiêm túc với việc này", bà Phương nhận xét.

Dù ủng hộ mô hình giáo dục tại gia nên được xã hội công nhận, nhưng thạc sĩ Thu Huyền cho rằng: "Cha mẹ không nên ùn ùn lôi con về nhà dạy khi nhìn thấy một vài trường hợp thành công mà không suy tính cụ thể điều kiện của mình. Nếu bản thân cha mẹ chưa hài lòng về trường công, có thể dạy con một phần ở nhà, dành nhiều thời gian đồng hành cùng con, tìm kiếm cách thức phù hợp để con hạnh phúc hơn khi học tập".

Kim Kim

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022