Thanh Hoá – Vùng đất tiềm năng du lịch biển

Thanh Hóa nổi tiếng là vùng địa linh nhân kiệt, trải qua biết bao biến động thăng trầm, các thế hệ người dân Thanh Hoá tự hào về mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và truyền thống đấu tranh yêu nước cũng như tinh thần cách mạng bất khuất của quê hương. Không chỉ phát triển du lịch tâm linh, Thanh Hoá còn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều bãi biển đẹp, xanh, sạch… để phát triển du lịch biển, với đường bờ biển dài 120km, bãi cát trắng mịn, độ dốc thoải, không có dòng chảy mạnh.

Đến biển Hải Hoà (huyện Tĩnh Gia); Hải Tiến (huyện Hoằng Hoá) du khách được thả hồn vào không gian yên bình với bãi biển đẹp nguyên sơ, nước biển trong xanh, sóng biển hiền hòa, bãi cát trắng mịn trải dài xen lẫn những rặng phi lao xanh ngắt lãng mạn và nên thơ. Về với biển Sầm Sơn, du khách được thưởng thức vẻ đẹp hiện đại, được hoà mình với biển cả mênh mông soi bóng núi Trường Lệ kỳ vĩ… Về du lịch biển xứ Thanh, du khách còn được thưởng thức các món đồ hải sản tươi ngon, tận hưởng hương vị mặn mòi của biển, cùng kéo lưới với các ngư dân để đón những mẻ cá đầu tiên của ngày… tất cả tạo nên dư vị nồng nàn của biển.

IMG_1237.jpgDu lịch biển Thanh Hóa có rất nhiều tiềm năng.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh, du lịch Thanh Hoá đã đạt nhiều kết quả, tỷ trọng du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng trong cơ cấu GDP ngày càng tăng. Theo thống kê của Sở Văn hoá thể thao và Du lịch, các chỉ tiêu về kinh tế biển ở Thanh Hoá luôn tăng trong 4 năm gần đây. Cụ thể,  về khách du lịch: Năm 2011 thực hiện đón được 2.102.000 lượt khách, đến năm 2015 tăng lên 4.000.000 lượt khách, gấp 1,9 lần so với năm 2011, chiếm 72,7% tổng số khách du lịch Thanh Hoá. Về ngày khách du lịch: Năm 2011 phục vụ được 4.095.600 ngày khách, đến năm 2015 tăng lên 8.200.000 lượt ngày khách, gấp 2 lần so với năm 2011, chiếm 83% tổng số ngày khách du lịch Thanh Hoá.

Về tổng thu du lịch: Năm 2011 tổng thu du lịch biển đạt khoảng 852,7 tỷ đồng, đến năm 2015 tăng lên 2.500 tỷ đồng, gấp 2,93 lần so với năm 2011, chiếm 48,3% tổng thu du lịch Thanh Hoá. Lao động du lịch: Năm 2011 thu hút 9.100 lao động (2.785 lao động được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, chiếm 30,6 %), đến năm 2015 thu hút 14.254 lao động ( 5.516 lao động được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, chiếm 38%), gấp 1,56 lần so với năm 2011, chiếm 77% tổng số lao động du lịch tỉnh Thanh Hoá.

Bên cạnh đó, Thanh Hoá cũng chú trọng đến công tác quy hoạch – đầu tư phát triển du lịch biển. Về quy hoạch, tính đến năm 2015, ngành du lịch cùng với các ngành và địa phương liên quan đã tổ chức lập được 11 quy hoạch chi tiết phát triển các khu du lịch như: Hải Tiến (Hoằng Hóa), Nam Sầm Sơn (Quảng Xương), Hải Hòa (Tĩnh Gia), Khu Kinh tế Nghi Sơn… Về đầu tư, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; Đầu tư kinh doanh du lịch; đầu tư tôn tạo và khai thác giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch.

Thanh Hoá trở thành trung tâm phát triển du lịch của cả nước

Du lịch biển mặc dù đạt được kết quả khả quan trên nhiều phương diện, song  phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của vùng đất có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế biển như Thanh Hoá. Chất lượng và số lượng các dịch vụ du lịch biển vẫn còn hạn chế; công tác quy hoạch quản lý thực hiện quy hoạch còn bất cập, chồng chéo; các dự án đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chậm được đầu tư và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển hiện tại, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung, nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; nguồn nhân lực du lịch yếu về cả khả năng giao tiếp và trình độ kỹ thuật phục vụ…

Hiểu rõ hạn chế trong phát triển du lịch biển cũng như nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của du lịch biển đối với sự phát triển kinh tế chung của tỉnh và ngành du lịch nói riêng, những năm qua tỉnh Thanh Hoá đã vào cuộc quyết liệt nhằm đổi mới môi trường du lịch biển như: Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch biển; phát triển thị trường – sản phẩm du lịch biển; tăng cường giao lưu, xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng chiến lược tuyên truyền nhằm phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực…

Thực hiện chỉ đạo chung của UBND tỉnh tại một số địa phương phát triển kinh biển như Hoằng Hoá, Tĩnh Gia, thị xã Sầm Sơn cũng đã có nhiều đổi mới. Nhận thức, tư duy của người dân làm du lịch đã có sự thay đổi, điều này được thể hiện qua việc Thị xã du lịch Sầm Sơn đã thực hiện tốt “9 có, 9 không”, cụ thể: Có hành vi ứng xử văn hóa, thân thiện và trung thực; có đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách; có môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp; có trang phục lịch sự, đúng quy định; có niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; có hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, số lượng; có sử dụng hóa đơn, phiếu thu khi thanh toán; có phòng nghỉ, phòng ăn sạch, đẹp, đạt chuẩn; có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhờ sự đổi mở về cách làm du lịch nên du khách đến với Thanh Hoá trong hai năm gần đây tăng đột biến.

Phát triển du lịch nói chung và du lịch biển nói riêng tạo việc làm cho xã hội, góp phần giảm nghèo. Phát triển du lịch nhằm bảo tồn và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực xã hội, góp phần phát triển thể chất, nâng cao dân trí và đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân. Phát triển du dịch “xanh” gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường, phấn đấu đến năm 2030 Thanh Hoá trở thành một trong những trung tâm phát triển du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư đặc thù làm cơ sở pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện hiệu quả chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng biển, trong đó có phát triển du lịch. Tập trung các nguồn lực kinh tế đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các điểm đến du lịch biển, đặc biệt là các công trình thiết yếu du lịch như: Trung tâm đón tiếp, hướng dẫn du lịch; bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, khu xử lý nước thải, rác thải tập trung. Ban hành quy chế quản lý khai thác tài nguyên du lịch biển, đảo phục vụ phát triển du lịch bền vững.Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chuyên ngành, các ngành và địa phương liên quan thường xuyên kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm tới công tác bảo vệ môi trường du lịch biển…

PV

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022