Nghiệp võ một đời Lão võ sư Ngô Bông bảo rằng: "Sức thu hút của bài quyền này mãnh liệt đến nỗi ai luyện được nó cũng phải mê. Còn với tôi, tôi cũng đã tự thề với lòng rằng: Trước khi giã từ dương thế, tôi quyết phải đi cho bằng được vài đường của bài Hùng Kê quyền...". Và bây giờ, lão võ sư đã qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy" hơn 10 năm nhưng ông vẫn có thể tự mình biểu diễn thuần thục 48 thế của bài quyền Hùng Kê.
lao-vo-su.JPGLão võ sư Ngô Bông đang biểu diễn một chiêu thức trong Hùng Kê quyền.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ học ở thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), lão bắt đầu luyện võ lúc 6 tuổi dưới sự hướng dẫn của những người thân trong gia đình ngoại. Đam mê võ học, thế rồi năm 20 tuổi, lão quyết chí lên đường "tầm sư học đạo" khắp miền Trung - Nam cho thỏa chí bình sinh.

30 năm rong ruổi học nghề, lão mới trở về quê hương. Đã có nhiều võ sư tại Bình Định và Quảng Ngãi cùng thời với lão võ sư Ngô Bông cũng giỏi bài quyền Hùng Kê. Thế nhưng, phần vì chiến tranh loạn lạc, chỉ còn lại lão võ sư Ngô Bông chống chọi với cuộc đời.

Kẻ hậu sinh sau khi nghe tiền bối kể lại dĩ vãng cũng không nén sự tò mò, thắc mắc. Đôi mắt võ sư lại đăm chiêu trong sự hồi tưởng: "Đời ông ngoại tôi qua đi, các cậu trong nhà lại tiếp tục thọ giáo võ gà. Và dượng tui, mà cũng là sư phụ - võ sư Mười Diệp là truyền nhân của một người lính dưới trướng Nguyễn Lữ có tên là Lý Trường Xuân. Người lính này được Nguyễn Lữ tin yêu và truyền hết những tuyệt kỹ của bài quyền Hùng Kê...".

Bài quyền Hùng Kê

Hùng Kê quyền thể hiện những động tác dũng mãnh của con gà chọi bé nhỏ mà nhanh nhạy trước đối thủ. Nó sử dụng ngón tay trỏ để đâm (nhất dương chỉ) được mô phỏng như hình mỏ gà và các ngón tay còn lại thì co vào như cái cựa con gà. Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những mục tiêu hiểm của đối phương mà triệt hạ như ngực, hầu, các huyệt đạo...

"Các chiêu thức được tung ra khi thì đánh vây 4 phương 8 hướng như trận đồ bát quái, dùng 3 - 4 mũi giáp công chỉ nhằm đánh vào một điểm, ví như nước lũ tràn về, khi thì như nước từ trên cao ập xuống bởi các đòn bay người lên cao rồi đánh ập xuống, sử dụng "nhất dương chỉ" đâm vào các tử huyệt trên cơ thể khiến đối phương khó lòng tránh né..." - lão võ sư Ngô Bông nói.

Theo lão võ sư Ngô Bông, lời thiệu Hùng Kê quyền phổ biến hiện nay không phải là nguyên bản của đời xưa truyền lại. Những năm đất nước tràn ngập khói lửa chiến tranh, bài thiệu gốc ngày ấy do cậu của ông cất giấu trong hòm sắt đã bị lửa đạn thiêu cháy. Do đó, dựa vào những đường quyền và trí nhớ của mình, võ sư đã khôi phục lại.

Bây giờ, trong khuôn viên ngôi nhà nhỏ ở Quảng Ngãi, lão võ sư vẫn hăng hái tập luyện võ thuật đều đặn cho những đứa trẻ ở làng quê Điền Chánh và khắp các vùng lân cận. Với ông, việc tập luyện không chỉ lưu giữ lại những nét tinh hoa võ học mà điều quan trọng là nâng cao thể lực cho những môn sinh trẻ tuổi để chúng có đủ sức khoẻ để học hành.

Và điều ông tâm nguyện nhất lúc tuổi già bóng xế là sẽ cùng với con trai mình - võ sư Ngô Lâm phân định 48 thế võ của bài quyền Hùng Kê, ghi lại bằng hình ảnh để lưu truyền lại cho đời sau...  

 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022