Mở rộng cơ hội hợp tác sau liên hoan phim

Những năm gần đây, có thể thấy nhiều nhà làm phim Việt đã tạo được dấu ấn tại các kỳ liên hoan phim quốc tế uy tín như: Cannes, Berlin…

Có thể kể đến như phim “Cu li không bao giờ khóc” của Phạm Ngọc Lân với Giải phim đầu tay xuất sắc tại Liên hoan phim Berlin, hay “Bên trong vỏ kén vàng” của Phạm Thiên Ân nhận giải Camera Vàng tại Cannes,…

Do đó, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM lần này cũng là dịp để bạn bè quốc tế thấy được rằng, nền điện ảnh Việt Nam đang phát triển sôi động cũng như cơ hội để các nhà làm phim nước ngoài quan tâm đến thị trường điện ảnh Việt Nam.

nhieu_hoi_thao_ban_ve_phim_va_tiem_nang_phat_trien_phim_anh_t.h.jpeg.jpg
Nhiều hội thảo bàn về phim và tiềm năng phát triển phim (ảnh: T.H)

Đạo diễn Lê Thanh Sơn, người từng tham gia rất nhiều liên hoan phim quốc tế cho biết, so với một số liên hoan phim khác thì liên hoan phim của TP.HCM là sự kiện đặc biệt của môn nghệ thuật thứ 7 của Việt Nam. Sự kiện không chỉ mở ra cơ hội để người làm nghệ thuật của Việt Nam có cơ hội học hỏi, mở rộng hợp tác mà còn thúc đẩy được sự thay đổi tích cực đối với điện ảnh trong nước.

“Ngoài việc trình làng những những tác phẩm nghệ thuật thì cũng có những chợ dự án với các hoạt động đấu thầu. Hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ có những dự án phát triển từ liên hoan phim, từ đó thúc đẩy cho những người trẻ để làm phim”, đạo diễn Lê Thanh Sơn nói.

Ông Raymond Phathanavirangoon, cựu Chủ tịch SEAFIC (chương trình đào tạo dành cho các nhà làm phim Đông Nam Á) cho rằng, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM là cơ hội để hiểu được thị trường phim trong khu vực, nhất là những nhà làm phim khu vực Đông Nam Á. Ở đó, nhà làm phim được xem, so sánh và hiểu được mức độ phát triển của từng dự án phim. Từ đó có bước chuẩn bị cho những kỳ liên hoan phim lớn hơn ngoài khu vực.

doan_lam_phim_nhan_giai_phim_dong_nam_a_xuat_sac_nhat_tai_lien_hoan_phim_quoc_te_tp.hcm_anh_t.v.jpeg.jpg
Đoàn làm phim nhận giải phim Đông Nam Á xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM (Ảnh: T.V)

“Với kinh nghiệm làm cho Cannes, khi chúng tôi lựa chọn phim sẽ lựa chọn theo khu vực chứ không phải quốc gia. Ví dụ như chọn phim khu vực Đông Nam Á và bộ phim đó chính là đại diện cho cả khu vực chứ không chỉ dừng lại ở một đất nước. Chính vì thế mà Liên hoan phim lần này cũng là cơ hội để những nhà làm phim tìm hiểu và có hướng đi đúng cho phim của mình nếu muốn đưa phim đi xa hơn”, ông Raymond Phathanavirangoon cho biết thêm.

Còn theo ông Kim Jee-woon, đạo diễn Hàn Quốc, liên hoan phim quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại TP.HCM mở ra cơ hội hợp tác sản xuất giữa các đơn vị thông qua chợ dự án hay vườn ươm kịch bản. Với thị trường tiềm năng cho điện ảnh như TP.HCM, cùng nhiều nhà làm phim trẻ, ý tưởng dồi dào, nếu có kịch bản và câu chuyện hay, chắc chắn ông luôn sẵn sàng hợp tác.

Cải thiện tổ chức để liên hoan phim xứng tầm

Trong suốt một tuần diễn ra liên hoan phim có khoảng 73 sự kiện được tổ chức tại 13 rạp chiếu trong nhà và 2 không gian chiếu ngoài trời, gồm phố đi bộ Nguyễn Huệ và Công viên bờ sông Sài Gòn. Các sự kiện này thu hút được rất nhiều khán giả hưởng ứng.

Ông Kim Dong-ho, nhà sáng lập Liên hoan phim Quốc tế Busan, Chủ tịch danh dự của Liên hoan phim quốc tế TP.HCM 2024 cho rằng, điện ảnh TP.HCM đang phát triển và rất có tiềm năng.

Là một thành phố quy tụ nhiều nhà làm phim trẻ, nhà sản xuất phim, đó cũng là tiền đề để nhà sản xuất có thêm điểm tựa, thúc đẩy sáng tạo những tác phẩm hay và ý nghĩa. Do đó, việc xây dựng thương hiệu của liên hoan phim cần được chú trọng tại những kỳ liên hoan sắp tới.

rs-nguoi_dan_tp.hcm_xem_phim_ngoai_troi_tai_cong_vien_bo_song_sai_gon_trong_khuon_kho_lien_hoan_phim_anh_vu_huong.jpg
Người dân TP.HCM xem phim ngoài trời tại công viên bờ sông Sài Gòn trong khuôn khổ liên hoan phim (Ảnh: Vũ Hường)

Ông Dong-ho lấy ví dụ, liên hoan phim quốc tế Busan tổ chức với kinh phí khoảng 10 triệu USD (hơn 250 tỷ đồng), trong đó 60% kinh phí từ chính quyền thành phố. Cho nên Liên hoan phim quốc tế TP.HCM muốn tạo được thương hiệu vẫn cần nhiều sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và thành phố: “Nếu có thêm nguồn lực tài trợ đầy đủ hơn thì sẽ cơ hội mời được nhiều khách có tầm ảnh hưởng, thu hút các nhà làm phim mang phim đến tham dự, hoặc chia sẻ thông tin về HIFF hoặc chia sẻ về điện ảnh TP.HCM ra thế giới”.

Năm đầu tổ chức, Liên hoan phim quốc tế TP.HCM đã quy tụ được các gương mặt lớn trong và ngoài nước về TP.HCM để chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp phát triển điện ảnh và trình chiếu những bộ phim thu hút được rất đông khán giả, trong đó có những bộ phim lần đầu được công chiếu toàn cầu. Đồng thời số lượng phim gửi dự giải cũng nhiều hơn dự kiến ban đầu. Đây là những con số vượt kỳ vọng trong liên hoan phim lần tổ chức đầu tiên.

Ông Phạm Minh Toàn - Giám đốc điều hành HIFF cho biết, kinh phí để tổ chức một liên hoan phim quốc tế khá tốn kém. Hy vọng sau lần tổ chức đầu tiên này, các nhà đầu tư nhìn thấy được tiềm năng của HIFF và tham gia đầu tư ở những năm sau: "Chúng tôi nghĩ có thể cải thiện ở kỳ liên hoan tới đó là đẩy nhanh quá trình chuẩn bị liên hoan phim sớm hơn, để cho công tác tổ chức thật sự trôi chảy, không gặp các vấn đề về kỹ thuật đặc biệt liên quan đến phim cũng như sắp xếp lượng khán giả tham gia các sự kiện ở nhiều địa điểm khác nhau. Ở những lần tiếp theo, chúng tôi sẽ cố gắng điều phối công tác tổ chức trơn tru hơn".

Một liên hoan phim quốc tế lần đầu tiên chắc chắn vẫn nhiều thiếu sót, nhưng đó cũng là bước đi ban đầu của TP.HCM để góp phần đưa thành phố này trở thành điểm đến làm phim cho các đoàn làm phim trong nước và quốc tế; đồng thời cho thấy tiềm năng và cơ hội hợp tác trong tương lai.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022