Người đời có câu “nhà dột từ nóc”, lại có thêm câu “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, nhìn vào hoàn cảnh của anh đúng là không sai một chút nào. Xưa nay trên bất chính thì dưới tất loạn, chửi rủa con gái anh bây giờ có lẽ là điều không nên nhất.

con-gai-15393158946181665974995.jpg

Hình minh họa: GettyImages

Làm cha mẹ, thấy con hư dĩ nhiên rất bực bội, rất đau lòng. Nhưng trước khi muốn dạy dỗ con, tự bản thân anh hãy xem xét lại nguyên do vì sao con mình từ một đứa con ngoan lại trở nên nông nỗi như vậy.

Anh xưa vốn chỉ là một thợ xây nghèo, lấy vợ xong rồi đi xuất khẩu lao động suốt 6 năm. Trong quãng thời gian ấy, vợ anh một mình nuôi con, chịu bao vất vả khổ cực. Cô ấy cũng như anh, hi vọng cuộc sống gia đình mình sẽ trở nên khấm khá. Anh đi tay trắng, trở về có chút tiền, bắt đầu chê bai vợ, bắt đầu cho mình cái quyền được hưởng niềm vui một mình.

Con gái thường biết suy nghĩ sớm hơn con trai. Các con anh sống với mẹ nhiều hơn, được mẹ quan tâm săn sóc nhiều hơn, tình cảm đối với mẹ chắc chắn nhiều hơn bố. Không đứa con nào chứng kiến mẹ ốm đau bệnh tật còn bố thì bỏ bê bồ bịch bên ngoài mà không phẫn nộ. Các cháu lại đang ở tuổi bắt đầu hình thành nhân cách, tính tình dễ nổi loạn. Sự ra đi của mẹ, bắt nguồn từ sự phản bội của bố chắc hẳn là một cú sốc không dễ gì chịu đựng cho con gái của anh.

Trách anh bây giờ có lẽ cũng chẳng ích gì nữa, chửi mắng đánh đập con gái anh càng là một sai lầm. Con gái anh đã từ chỗ đau khổ, thất vọng, tổn thương mà không còn đủ suy xét những hành vi của mình là tốt hay xấu, là nên hay không nên. Anh là bố, càng nên biết con mình đang ở giai đoạn khó khăn nhất mà bé gặp phải.

Thông thường, khi con cái không còn kính trọng mẹ cha, chúng sẽ phản ứng bằng cách thách thức chống đối. Những lời khuyên dạy, mắng mỏ, thậm chí đánh đập bây giờ chẳng những không giúp gì được con mà ngược lại còn làm con thêm uất ức chống đối.

Vậy nên tôi nghĩ vào thời điểm này anh cũng nên bình tĩnh lại, hiểu được vì sao con mình nên nông nỗi như vậy, thay vì tức giận, anh nên thương con anh nhiều hơn. Hãy tìm người nào đó xưa nay con anh gần gũi và tin tưởng yêu thương nhất,. như là cô, dì, hoặc cô giáo, bạn gái thân của cháu chẳng hạn để nhờ họ gần gũi, quan tâm, động viên và chia sẻ những gánh nặng tâm lý cùng cô bé. Nếu cần hãy nhờ họ đưa cô bé đến gặp bác sĩ tâm lý, chắc chắn bác sĩ sẽ có cách cho cô bé tiếp nhận những lời khuyên.

Mười sáu tuổi, cháu chưa thực sự trưởng thành nhưng cũng không còn quá bé. Tôi tin chỉ cần có người biết lắng nghe, thấu hiểu được nỗi đau của cô bé, họ sẽ có cách tháo gỡ những gánh nặng tâm lý cô bé đang mang. Đợi khi con anh qua cơn kích động, hãy tìm thời điểm thích hợp gần gũi tâm sự cùng cô bé. Trước hết, anh cần biết mình đã sai, đã có lỗi với vợ, với con. Anh cũng nên nói một lời xin lỗi với các cháu. Anh muốn con ngoan, bản thân anh phải ngoan cái đã. Cha mẹ dù thế nào cũng luôn là tấm gương cho con mình nhìn vào. Nếu cha mẹ không ra gì, thực sự không đủ tư cách để dạy con.

Tôi biết, sẽ rất khó khăn cho cả anh và con anh trước những biến động khủng khiếp này. Nhưng nếu anh không bình tĩnh, không sáng suốt tìm cách, con gái anh còn sẽ trượt dài trong những sai lầm vấp ngã. Phải thực tế nhìn nhận, con anh sai bắt đầu từ cái sai của anh. Muốn con sống tích cực, chính bản thân anh cũng phải làm một người bố tích cực đã.

Tương lai con gái anh sẽ thế nào, cuộc đời cô bé sẽ đi về đâu, một phần lớn phụ thuộc vào chính anh. Vợ anh mất rồi, anh giờ không chỉ là cha mà còn là mẹ. Nếu anh không thương con, không nắm bắt thấu hiểu được con, thật khó để làm người dẫn đường chỉ lối cho các cháu chọn con đường đúng.

Phản hồi của độc giả Thu Minh

Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, có giá trị sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính và nhận nhuận bút từ Tòa soạn.

Trân trọng!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022