Thông tin được nêu tại hội thảo "Định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam" do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 17/4.

Tại hội thảo các ý kiến nêu thực tế nhu cầu nhân lực của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cao. Dự đoán đến năm 2030 Việt Nam sẽ cần khoảng 15.000 kỹ sư cho khâu thiết kế và 35.000 nhân lực ở công đoạn sản xuất và đóng gói kiểm tra. Song thực tế đáp ứng còn hạn chế, cần có giải pháp phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn.

Nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp cho rằng cần hướng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nghiên cứu công nghệ lõi R&D (nghiên cứu và phát triển), kết nối hình thành hệ sinh thái và có chương trình nhiệm vụ cho các trung tâm nghiên cứu mạnh phát triển sản phẩm, công nghệ về bán dẫn.

Theo Thứ trưởng Thái, việc kết nối, đào tạo không chỉ chuyên sâu còn cần bồi dưỡng nguồn nhân lực, sản phẩm quốc gia. Trách nhiệm, vai trò này thuộc các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ có định hướng hàng năm về nghiên cứu khoa học, công nghệ liên quan đến lĩnh vực này. "Vi mạch bán dẫn chưa có trong danh mục chương trình quốc gia, nhưng hiện diện trong nhiều lĩnh vực như vật lý, vật liệu công nghệ ưu tiên", ông nói và cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ định hướng ưu tiên đặt đề bài nghiên cứu cấp quốc gia, cấp Bộ về vi mạch bán dẫn. Đây là hướng để các trường đại học tạo điều kiện cho thạc sĩ, nghiên cứu sinh có hỗ trợ tham gia nghiên cứu.

437751890-788508526736333-7678-9799-4835-1713401417.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xI_I5pp_Mix_ihCaCwffpQ

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Thứ trưởng Trần Hồng Thái (từ trái qua) tại hội thảo ngày 17/4. Ảnh: Duy Thành/HUST

Liên quan tới đào tạo nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn, ông cho hay Bộ Khoa học và Công nghệ không được phép cấp kinh phí đào tạo, hay cấp học bổng, song có thể hỗ trợ thông qua các đề tài nghiên cứu. Trong đó Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted), mỗi năm xác định 5 lĩnh vực ưu tiên. "Thời gian tới bên cạnh các lĩnh vực như y học, gene sẽ ưu tiên vi mạch bán dẫn", Thứ trưởng nói và mong muốn hình thành các nhóm nghiên cứu ở các ngành mũi nhọn, "đây là cái thiếu trong trong những năm vừa qua".

"Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hỗ trợ bằng nhiều hình thức, trong đó có ưu tiên đề tài", ông nói thêm trong chương trình của Quỹ Nafosted những năm tiếp theo sẽ ưu tiên hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trẻ. Tức là một tiến sĩ có đề tài 5 năm sẽ hỗ trợ trả lương cho 3 cán bộ. Mức lương không cao nhưng đây là sự hỗ trợ để tồn tại và phát triển được.

Thứ trưởng gợi ý các đơn vị cần tìm cách thu hút các chuyên gia quốc gia, quốc tế tham gia các đề tài nghiên cứu, từng bước làm chủ công nghệ. Theo ông, dù thị trường nhỏ song cần có định hướng rõ ràng về phát triển bán dẫn, ví dụ hỗ trợ trường đại học xây dựng các phòng thí nghiệm, quy hoạch sử dụng chung phòng thí nghiệm chất lượng cao để khắc phục những khó khăn trước mắt.

Việt Nam cần xác định rõ thực trạng nền công nghệ chip bán dẫn, vị trí đang ở đâu trong chuỗi sản xuất đó. Các câu hỏi đặt ra như Việt Nam đã chạm tay vào sản xuất được chip bán dẫn chưa, liệu thế giới có đang trao cho Việt Nam cơ hội đầu mối phát triển chip bán dẫn ở thế giới, ở khu vực là những vấn đề được bàn thảo. Theo ông Thái, trong chuỗi quy trình công nghệ chip bán dẫn, Việt Nam hầu như chưa có sản xuất, mới đang tham gia các khâu thiết kế, đóng gói và kiểm thử. Giá trị gia tăng thấp, nguồn nguyên liệu sản xuất chưa có trong khi nguồn lực còn hạn chế.

Nhìn nhận FDI quan trọng với Việt Nam, song Thứ trưởng cho rằng nếu chỉ phụ thuộc vào họ Việt Nam không bao giờ làm chủ công nghệ, mãi mãi ở vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng thấp, có thu nhập thấp. Theo đó, Việt Nam cần từng bước học hỏi, làm chủ công nghệ.

Như Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022