game-online-1680164387251.jpg

Sở hữu những đặc điểm khác biệt so với nhiều ngành nghề khác, ngành dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) tại thị trường Việt Nam trong những năm gần đây bắt đầu được đánh giá có doanh thu lớn, lợi nhuận cao.

Cụ thể theo số liệu của Newzoo vào năm 2022, doanh thu ngành game online của Việt Nam hiện đứng thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á với 507 triệu USD. Con số này thậm chí cao hơn thị trường Singapore (với 288 triệu USD).

Một thống kê khác từ Data.ai cho thấy cứ 25 game mobile tải về trên 2 kho ứng dụng App Store và Google Play, thì có 1 game được sản xuất bởi nhà phát hành game Việt Nam.

Trước thực tế này, Bộ Tài chính gần đây đã đưa ra dự thảo áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) dành cho ngành game online. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ chuyên gia và các doanh nghiệp Việt cho rằng việc áp thuế là chưa hợp lý, và sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Hội thảo "Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức ngày 30/3, ghi nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu tham gia.

Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến tại VNGGames, e ngại nếu bị áp thêm thuế, doanh nghiệp game Việt sẽ "khó càng thêm khó" (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Theo ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến tại VNGGames, hiện chỉ còn khoảng 30 doanh nghiệp kinh doanh game online còn thực sự hoạt động, trong tổng số hơn 220 doanh nghiệp được cấp phép trên thị trường.

Hệ quả là bởi phần lớn doanh nghiệp không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, ông Thắng cho biết. Trong trường hợp bị áp thêm thuế TTĐB, doanh nghiệp game online Việt sẽ "khó càng thêm khó".

"Nếu bị áp thuế này, những game do các công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội giá lên cao, khiến người chơi chuyển sang những hình thức khác, như công ty có trụ sở ở nước ngoài cung cấp vì có giá rẻ hơn", ông Thắng nêu quan điểm.

"Điều này dẫn tới doanh thu/lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước bị giảm mạnh, không thể đóng góp cho nền kinh tế số và ngành công nghiệp phần mềm".

Ngoài ra có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt sẽ chuyển hướng thành lập công ty tại các quốc gia khác để phát triển và phát hành game, nhằm hưởng các chính sách hỗ trợ, tài trợ, khuyến khích, đặc biệt là về thuế cho doanh nghiệp game. Khi đó thì ngân sách Nhà nước cũng bị thất thu thuế.

Bà Nguyễn Thùy Dung, Giám đốc SohaGame chỉ ra những hệ lụy doanh nghiệp Việt phải đối mặt với chính sách về thuế, trong khi điều trái ngược xảy ra ở một số quốc gia khác (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Bà Nguyễn Thùy Dung, Giám đốc SohaGame chỉ ra thực tế rằng chưa có quốc gia nào trên thế giới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Ngược lại, một số quốc gia như Singapore, Trung Quốc, chính phủ thậm chí có nhiều chính sách khuyến khích, đưa ra ưu đãi về thuế, hỗ trợ kinh phí... nhằm tạo điều kiện phát triển ngành trò chơi điện tử.

Trích dẫn báo cáo, bà Dung cho rằng tỷ suất lợi nhuận sau thuế của ngành game online Việt nằm ở mức không cao, nếu không muốn nói là thấp so với các ngành khác trong nền kinh tế, với xấp xỉ 3 - 5% trên doanh thu.

Bên cạnh đó, doanh thu của các doanh nghiệp Việt cũng chỉ chiếm 22% tổng doanh thu thị trường, với phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp không có trụ sở tại Việt Nam.

Bà Dung khẳng định việc áp thuế TTĐB lên ngành game online có thể không chỉ không đạt được mục đích như định hướng ban đầu, mà còn làm tăng chi phí sử dụng do người dùng chi trả, đồng thời triệt tiêu sức cạnh tranh của các trò chơi có phép trong nước. Hệ lụy dành cho doanh nghiệp đó là đối mặt doanh thu giảm mạnh, giải thể, thậm chí là phá sản.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng dự thảo luật cần làm rõ hiệu quả của việc áp dụng thuế TTĐB với game online từ đó đi tới quyết định có nên can thiệp hay không.

Ngoài ra, dự thảo cũng nên cân nhắc giải pháp tăng thu thuế với những đối tượng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, thay vì hướng tới đối tượng là doanh nghiệp, người tiêu dùng Việt Nam, cùng nguy cơ làm thụt lùi sự phát triển của ngành game Việt Nam.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022