- Thôi thúc nào khiến anh quyết định thực hiện lại chương trình Thế giới Vpop sau nhiều năm?

- Tôi đã có 18 năm tham gia vào ngành giải trí và có nhiều trải nghiệm trên nền âm nhạc Việt Nam. 13 năm qua, nhạc trẻ có một giai đoạn tạo ra nhiều thành quả, cống hiến có giá trị. Nhưng thời gian gần đây, một số hiện tượng vô tình làm cho phong trào nhạc trẻ ngộ nhận, và tồn tại cái gọi là "thảm họa nhạc Việt", làm ảnh hưởng đến lòng tin của khán giả và giới truyền thông.

Tôi suy nghĩ tại sao nhạc trẻ đã từng có lúc nóng hừng hực như lửa, giờ lại nguội lạnh. Tôi không thể phủ nhận trách nhiệm của những người như chúng tôi. Tôi muốn làm gì đó có ích cho nhạc trẻ hiện nay.

quang-huy-3.jpg Quang Huy muốn vực dậy lòng tin của khán giả đối với nhạc Việt. Ảnh: Q.H.

- Đâu là chuẩn mực để phân loại, nhạc nào là "thảm họa", nhạc nào không?

- Môi trường âm nhạc bao gồm nhiều thành phần: nhà sản xuất, nghệ sĩ, truyền thông và cả sự giáo dục. Nó có trong lành hay không cũng bởi "sự cân bằng sinh thái" thôi. Thời gian qua khán giả xa lánh môi trường này là do ô nhiễm bởi, "thảm họa" thì nhiều mà lại thiếu "cây xanh" như: Lam Trường, Phương Thanh, Hồng Nhung, Mỹ Linh 10 năm trước..., thiếu những "công viên sinh thái" như chương trình Top Hits, Làn Sóng Xanh (thời kỳ đầu), Nghe Mưa

Một mình tôi không thể đưa ra một chuẩn mực nào cả, nhưng tôi biết nếu truyền thông và giới sản xuất cùng bắt tay nhau "trồng cây" cho Vpop thì môi trường sẽ sớm được cân bằng, sẽ trong lành hơn từng ngày.

- Anh dựa vào đâu để có tự tin làm một chương trình thay đổi được thị trường nhạc hiện nay?

- Tôi không tuyên bố giải cứu hay thay đổi, đó là việc làm đòi hỏi một quá trình dài và một sự kết hợp từ nhiều phía. Nhưng tôi có ham muốn. Từ ao ước của bản thân, tôi bắt đầu "trồng cây", và mong có nhiều yếu tố tác động để xây được "công viên". Tôi chỉ cam kết, riêng tôi và Thế giới Vpop sẽ quyết tâm kiên trì.

Một chương trình không thể cứu được cả thị trường âm nhạc. Chúng tôi chỉ mong muốn tạo ra cái đà, một niềm tin đối với đồng nghiệp, giới truyền thông bằng một show diễn bán vé và không trực tiếp truyền hình.

- Trở lại lần này, Thế giới Vpop có gì gây ấn tượng?

- Đó là cảm xúc. Tôi muốn tạo không gian cảm xúc để khán giả nghe được tiếng lòng và giọng hát của các ca sĩ trẻ. Họ phải trình diễn live 100%.

- Nếu nói anh có vẻ quá lạc quan vào thực lực của ca sĩ trẻ hiện nay, anh trả lời thế nào?

- Tôi nhìn từ quan điểm cá nhân. Chuyện gì xảy ra nếu ngày trước không có những chương trình và bài hát để Lam Trường, Phương Thanh thể hiện bản thân? Họ có tài là hẳn nhiên rồi, nhưng quan trọng hơn họ phải có nơi để khoe tài. Tôi đám chắc, ở thời đó vẫn có nhiều người nghi ngờ về họ như ngày hôm nay, chúng ta nghi ngờ Noo Phước Thịnh, Hoàng Thùy Linh hay Đông Nhi.

Nếu vẫn tục đặt mối hoài nghi lên ca sĩ trẻ thì chúng ta thật sự không có thị trường, không còn phong trào nhạc trẻ nữa. Sự hoài nghi của khán giả chỉ là... một câu hỏi, nhưng sự hoài nghi của tôi lên đến cả tỷ đồng. Nhưng, thời nào cũng phải có nhạc trẻ. Với chúng ta, hôm nay là nhạc trẻ, 50 năm thành nhạc già. Tôi đặt niềm tin vào họ, kể cả khi đó là rủi ro.

- Anh có suy nghĩ gì về lớp ca sĩ trẻ ngày nay?

- Không phải tự nhiên Hồng Nhung, Lam Trường, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng… đứng trên sân khấu lâu đến như vậy. Họ nếu không được đào tạo bài bản thì cũng được chui rèn và có một đam mê duy nhất là hát. Tôi từng đứng đánh đàn trên những sân khấu ngày đó và hiểu ca sĩ, họ đến với nghề bằng đam mê và lăn lộn với nghề rồi mới làm ra tiền.

Thời nay vẫn có những ca sĩ tài năng, nhưng họ thiếu bản lĩnh và một sự chuẩn bị dài hơi. Vài người làm ra tiền sớm và ngỡ rằng giá cát-xê chính là thước đo cho vị trí. Ngày trước ca sĩ cố gắng hát cao thêm một nốt, tranh thủ tập với ban nhạc thêm phút nào mừng phút nấy. Bây giờ thì không, mỗi show diễn lưu lại trong đầu một ca sĩ chắc chỉ là một đêm, đêm mai lại là một sân khấu khác với bấy nhiêu bài và động tác rập khuôn. Thậm chí đến lời chào khán giả cũng y hệt.

- Anh dự đoán thế nào về kết quả của chương trình?

- Tôi muốn hoàn thành vai trò của một nhà sản xuất nên chấp nhận mạo hiểm. Với Thế giới Vpop, tham vọng của tôi là chỉ lỗ 15%. Ở mức đó coi như chúng tôi thành công. Bỏ 15% kinh phí của chương trình để mua được niềm tin nhỏ nhoi của khán giả là xứng đáng.

Tôi nghĩ thế này, mình đang làm thật, tâm huyết thật. Không gì mạnh bằng sự thật. Chúng ta thường cho là thị trường chết. Nhưng sự thật khán giả đâu có chết. Họ đang sống và họ muốn nghe. Đâu phải ai cũng sang Hàn Quốc để xem một show Hàn Quốc. Thực tế, chúng ta thiếu show đàng hoàng cho họ đi coi.

Thế giới Vpop trở lại, được thực hiện mỗi năm một mùa với 3 show diễn. Mỗi show diễn sẽ thiết kế sao cho thống nhất về nội dung. Show diễn đầu tiên trong năm 2011 có tên gọi "The Savior Show".

Savior Show mang đến cho khán giả cảm xúc từ những ca khúc Việt Nam và quốc tế đã đi vào lòng người hâm mộ nhạc trẻ thập niên 90 như: Giọt sương trên mi mắt, Hoa tím ngày xưa, Trống vắng, Người đi xa mãi, Mưa phi trường, Without you, I’ll never break your heart

ho-ngoc-ha.jpg Hồ Ngọc Hà tham gia "Thế giới Vpop". Ảnh: L.T.

Ca khúc và sự trình diễn sẽ là chất liệu quan trọng nhất của đêm diễn. Chương trình không có những hoạt cảnh dàn dựng theo phong cách tạp kỹ. Thay vào đó là toàn bộ hiệu ứng ánh sáng, video, kỹ xảo hỗ trợ cho phần trình diễn live. Ca sĩ được dàn dựng theo từng tiết mục và nhà tổ chức cam đoan phần dàn dựng này chưa từng có trên sân khấu nào trước đây.

Ca sĩ tham gia gồm: Hồ Ngọc Hà, Noo Phước Thịnh, Phạm Quỳnh Anh, Đông Nhi, Hoàng Thùy Linh, Wanbi Tuấn Anh, V.Music, 365, Phi Trường, Hòa Mi, Khắc Việt…

Savior Show diễn ra vào 20h ngày 29-30/7 tại Sân khấu ca nhạc Lan Anh, TP HCM. Giá vé dao động từ 80.000 đến 500.000 đồng.

Theo vnxpress

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022