qua-mien-tay-bac-nhac-si-nguyen-thanh-1715135734.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RMVOYCytm5aTakpbOePFTw
'Qua miền Tây Bắc' - nhạc sĩ Nguyễn Thành

Bản thu "Qua miền Tây Bắc" của Đài Tiếng nói Việt Nam. Video: Hội Nhạc sĩ Việt Nam

Trong lễ diễu binh mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Qua miền Tây Bắc là một trong những bản nhạc vang lên ở cuối chương trình, để lại nhiều dư âm cho người xem. Dịp này, ca khúc cũng được nhiều đoàn văn nghệ biểu diễn, với các bản phối phong cách đa dạng, phù hợp tinh thần thời đại mới.

Trong chương trình Âm nhạc và cuộc sống của Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, các nghệ sĩ gen Z phối Qua miền Tây Bắc với chất liệu world music, lofi. Các video được khán giả chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, làm sống dậy ca khúc một thời.

qua-mien-tay-bac-ban-phoi-lofi-1715155552.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=YNlUS8EVHi-VZjbT7cp66w
Qua miền Tây Bắc bản phối lofi

Thanh Ngọc hát "Qua miền Tây Bắc" phong cách lofi. Video: QPVN

Nhạc sĩ Nguyễn Thành viết Qua miền Tây Bắc năm 21 tuổi, khi là lính Sư đoàn Quân tiên phong, cùng đơn vị tiến vào Tây Bắc. Lúc ấy, ông chưa học qua trường lớp, chỉ biết qua về nhạc lý. Ca khúc vì thế ngắn gọn, thủ pháp nghệ thuật đơn giản nhưng dạt dào cảm xúc, dễ đi vào lòng người.

Sinh thời, ông nhiều lần kể kỷ niệm bài hát ra đời. Trên đường hành quân, Nguyễn Thành đội mũ nan bọc lưới, chân đi dép lốp bốn quai, ngụy trang bằng lá cây như bao đồng đội. Nhưng người khác vác súng, còn ông thì đeo cây đàn mandolin cũ. Một đêm ngủ lại đèo Khau Vác, trời lạnh, ông và đồng đội kiếm củi khô đốt cho tan bớt sương. Trong đêm trời đầy sao, nhìn ngọn lửa bập bùng, lắng nghe tiếng cây lá, ông chợt nảy ra cảm hứng viết nhạc, vừa búng mandolin vừa viết lời ra giấy.

Những câu đầu, ông miêu tả khái quát bức tranh núi sông Tây Bắc và hình ảnh người lính trẻ hồn nhiên ra trận. Phần sau nói về tình đoàn kết keo sơn của quân với dân, lý tưởng của chiến sĩ cách mạng.

Ông kể với nhạc sĩ Dân Huyền: "Viết xong, tôi cảm thấy chưa thật hay, liền vò mảnh giấy đó và vứt vào đống lửa, để ngày mai viết lại. Mệt quá ngủ thiếp đi. Nào ngờ ngọn lửa đã không đủ bén để thiêu cháy. Phùng Đệ (sau là nghệ sĩ điện ảnh quân đội) nhặt được, khen hay rồi rủ Trần Chất tập hát cả đêm. Sáng ra, khi tỉnh dậy trong tiếng đàn guitar bập bùng của Trần Chất, tôi lặng đi không tin ở tai mình, vì chính mình cũng thấy hay quá".

Tên bài hát ban đầu là Vào Tây Bắc, nhưng các chiến sĩ khi truyền miệng nhau đều lấy những chữ đầu là Qua miền Tây Bắc. Nguyễn Thành cảm thấy tên này hay và thuận miệng hơn nên đổi lại. Bài hát lan truyền từ trước khi có bản thu chính thức, qua những buổi diễn văn nghệ nơi núi rừng hay những phút ngẫu hứng trên đường hành quân, trong giờ nghỉ giải lao của các chiến sĩ. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Nguyễn Thành được trao Huân chương Chiến công hạng ba do đã viết một bài ca xuất sắc.

Thượng tá, nhạc sĩ Đoàn Nguyên Hiếu nhận xét: "Qua miền Tây Bắc có kết cấu chặt chẽ, âm nhạc có sự tương phản, hòa quyện giữa hào hùng và trữ tình. Ca từ, giai điệu chan chứa tình cảm quân dân, tình đồng chí và tinh thần lạc quan phơi phới của các anh bộ đội Cụ Hồ".

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh nói mỗi lần nghe ca khúc, ông đều cảm thấy bồi hồi, xao xuyến. "Bài hát giống một hành khúc, người lính, người dân ai cũng có thể thuộc và hát". Ông khuyến khích các ca sĩ trẻ làm mới ca khúc, tiếp cận nhiều đối tượng khán giả.

Nhạc sĩ Nguyễn Thành (1931-2002) quê ở huyện Thanh Liêm, Hà Nam. Ông là đội viên Đội Võ trang tuyên truyền Tây tiến Liên quân Việt - Lào. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông về học Khoa Sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam. Giai đoạn Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông là Trưởng đoàn Văn công Trường Sơn 559. Ngoài Qua miền Tây Bắc, ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Tôi không muốn nòng súng bốc khói, Cảm xúc tháng mười, Ước mơ (viết cho violoncello và piano). Ông được giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

Hà Thu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022