Nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, cùng VnExpress nghe lại những giai điệu gắn liền với mảnh đất nghìn năm tuổi.

 

1. “Hướng về Hà Nội” (nhạc sĩ Hoàng Dương)

“… Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi Ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi Hà Nội ơi, phố phường dài ánh trăng mơ Liễu mềm nhủ gió ngây thơ, thấu chăng lòng khách bơ vơ…”

Hơn 50 năm trước, một chàng trai trẻ đã gửi gắm cảm xúc, tâm sự của mình với thủ đô Hà Nội qua những giai điệu da diết, thấm đượm nỗi nhớ nhung vô hạn. Hướng về Hà Nội ra đời đúng vào khoảng thời gian đất nước đang chìm giữa bom đạn chiến tranh, người dân loạn lạc đi tản cư. Trong một đêm ngồi trong căn nhà ngoại thành và nghe thấy tiếng súng nơi thành phố, nhạc sĩ Hoàng Dương đã ghi lại tâm trạng “ngóng trông về xa”, “tiếc thương hình bóng qua” bằng âm nhạc.

bai%20hat%20hay%20ve%20HN%201.jpg
Hà Nội một buổi chiều muộn. Ảnh: Xuân Chính.

“Hà Nội ơi” - tiếng gọi xuyên suốt ca khúc gợi cho người nghe một cảm giác buồn man mác khi nghĩ về lịch sử đã qua. Vào thời điểm khó khăn ấy, hòa bình là một thứ quá “xa xỉ” đối với người dân. Chính vì vậy sau này, mỗi khi giai điệu thân quen của Hướng về Hà Nội vang lên, nhiều thế hệ lại cảm thấy thấm thía về những “mùa chinh chiến ấy”. Rất nhiều nghệ sĩ ở các thế hệ khác nhau như Lê Dung (nghe ca khúc), Thái Thanh, Khánh Hà (nghe ca khúc), Hồng Nhung (xem clip) đều từng thể hiện ca khúc này. Dù ở phong cách nào thì Hướng về Hà Nội vẫn khiến người nghe hòa quyện chung một niềm cảm xúc mãnh liệt dành cho mảnh đất nghìn năm tuổi.

2. “Người Hà Nội” (nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi)

“… Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây Đây lắng hồn núi sông ngàn năm Đây Thăng Long, đây Đông Đô Đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu…”

Người Hà Nội là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi vào năm 1947 - thời điểm “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời” khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu nổ ra. Được sáng tác trong cùng một thời kỳ nhưng nếu như Hướng về Hà Nội có giai điệu buồn da diết, Người Hà Nội lại mang âm hưởng mạnh mẽ, nhắc nhớ những con người hào hoa, phong nhã luôn vùng lên đấu tranh để giữ hòa bình cho quê hương. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã tạo nên Người Hà Nội với tất cả tình cảm son sắt và sự phóng khoáng trong tâm hồn của một người Tràng An.

bai%20hat%20hay%20ve%20HN%202.jpg Một người bán hàng rong trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Quang Xuân.

Những địa danh nổi tiếng được đưa vào bài hát như Hồ Gươm, Hồ Tây, Ô Chợ Dừa, các khu phố cổ… làm hiện lên trong tâm trí của người nghe một Hà Nội “lắng hồn núi sông ngàn năm” và “đượm thắm máu hồng tươi” của biết bao thế hệ đã ngã xuống để chúng ta có được như ngày hôm nay. Người Hà Nội được biết đến nhiều qua giọng ca của cố nghệ sĩ Lê Dung (nghe ca khúc). Tuy nhiên, Ánh Tuyết và Cao Minh là hai giọng ca thể hiện thành công nhất ca khúc này (nghe ca khúc).

3. “Nhớ tuổi thơ Hà Nội” (nhạc sĩ Nguyễn Cường)

“… Nhớ vô cùng ngày tôi xa Hà Nội Những phố phường tuổi thơ tôi bồi hồi Phố Hàng Lược chợ hoa, phố Hàng Đào lụa tơ Đất Thăng Long người ơi, mái nhà nào chờ tôi Những tháng ngày tuổi thơ tôi, Hà Nội…”

Nhớ tuổi thơ Hà Nội được nhạc sĩ Nguyễn Cường sáng tác vào năm 1986, khi con trai ông đi xa. Nỗi nhớ con da diết trong một buổi chiều đã tạo cảm xúc cho ông viết nên những câu hát đơn sơ, nồng nàn khiến bao thế hệ người nghe chạnh lòng mỗi khi phải rời xa Hà Nội. “Nhớ vô cùng ngày tôi xa Hà Nội” - câu hát mở ra một cuộc hành trình tìm về ký ức tuổi thơ với “những chiều chiều đội mưa, lũ bạn bè ngày xưa, trốn học đi tìm thơ”. Từng con đường, từng khu phố, từng mái nhà đều gắn với một kỷ niệm mang tên “tuổi thơ tôi Hà Nội” của chàng trai trong bài hát.

bai%20hat%20hay%20ve%20HN%203.jpg "Nhớ vô cùng, tuổi thơ tôi Hà Nội...". Ảnh: Tiến Dũng.

Giọng ca đầu tiên và cũng là người thể hiện thành công nhất bài hát này là ca sĩ Đức Chính. Có sự đồng cảm mạnh mẽ với người nhạc sĩ, anh đã gửi vào Nhớ tuổi thơ Hà Nội “cái hồn” của một chàng trai Hà Nội chính gốc. Giọng hát phiêu diêu đầy ngẫu hứng của nam ca sĩ được mệnh danh là “tuổi thơ Hà Nội” bên chân cầu Long Biên đã trở thành một hình ảnh không thể phai nhòa trong tâm trí người hâm mộ (xem clip). Sau này, ca sĩ Ngọc Khuê đã đưa đến một “sắc màu” mới - dịu dàng và mộc mạc hơn - với Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội theo phong cách acoustic (nghe ca khúc).

4. “Gửi người em gái” (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh)

“… Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng Lượm đào phong kín cánh mong manh tấm hoa lòng Hà Nội chờ đón Tết, vắng bóng người đi, liễu rủ mà chi Đêm tân xuân, Hồ Gươm sao long lanh Hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa…”

Mùa xuân năm Bính Thân 1956, “chàng công tử phong lưu đất Bắc” Đoàn Chuẩn đã gửi lời tâm tình của mình cho một giai nhân được gọi là “người em gái” thông qua bản tình khúc bất tử của tân nhạc VN. Mượn khung cảnh đêm tân xuân Hà Nội cùng những hình ảnh như “cành hoa tim tím”, “rừng đào phong kín” hay “hoa mai rơi”, người nhạc sĩ đã thổ lộ nỗi lòng tương tư “người em gái tuổi chớm dâng hương, mắt nồng rộn ý yêu thương”. Có rất nhiều giai thoại xung quanh Gửi người em gái nhưng chỉ biết rằng, mỗi khi lời ca trữ tình của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn vang lên đều khiến cho biết bao con tim xao xuyến (nghe ca khúc qua giọng ca Ánh Tuyết).

bai%20hat%20hay%20ve%20HN%204.jpg "Đêm tân xuân, Hồ Gươm sao long lanh...". Ảnh: Hoàng Hà.

Gửi người em gái giống như một bức tranh cổ kính về Tết Hà Nội xưa. Đó là một đêm tân xuân “vắng bóng người đi, liễu rủ mà chi”, “xác pháo bên thềm” - những hình ảnh khó có thể xuất hiện lần nữa trong những cái Tết ngày nay. Mùa xuân năm ấy, đất nước vẫn bị chia lìa làm hai miền và chưa biết khi nào mới có thể trùng phùng. Khoảnh khắc giao thừa bên Hồ Gươm đẹp đến vậy, nhưng lòng người lại đau đáu một nỗi nhớ khôn nguôi. Mùa xuân Hà Nội nay đã khác xưa rất nhiều, chỉ có giai điệu của Gửi người em gái vẫn vậy - trữ tình, sâu lắng và vẫn tiếp tục lay động lòng người.

5. “Em ơi Hà Nội phố” (thơ Phan Vũ, nhạc: Phú Quang)

“… Em ơi, Hà Nội phố Ta còn em mùi hoàng lan Ta còn em mùi hoa sữa Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ Ai đó chờ ai, tóc xõa vai mềm…”

Em ơi Hà Nội phố gợi lên một không gian yên bình, trầm lắng đến lạ lùng của Hà Nội trong một buổi chiều đầu đông. Những cơn mưa cuối mùa rì rào trên đoạn đường vắng, mái ngói rêu phong, cây bàng đơn côi và mùi hoa sữa nồng nàn vương trên từng tán cây theo gió thổi làm xao động biết bao tâm hồn. Phải đến mùa đông, chúng ta mới có thể cảm nhận được hết sự chầm chậm, lặng lẽ của Hà Nội. Chính nét đẹp cổ kính, lao xao trên từng con phố cũ và từng “mái ngói xô nghiêng” đã làm nao lòng người nghệ sĩ.

bai%20hat%20hay%20ve%20HN%205.jpg "Em ơi Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa...". Ảnh: Hoàng Hà.

Hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ nhất trong bài hát có lẽ là “mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân”. Nhà thơ Phan Vũ đã sáng tác bài thơ Hà Nội phố vào năm 1972 - thời điểm không quân Mỹ đang leo thang đánh phá Hà Nội. Tiếng dương cầm, tiếng chuông vang lên khi thủ đô đang chìm trong bom đạn, khói lửa tạo nên hai sự đối lập nhưng mang đầy xúc cảm. Khán giả vẫn quen thuộc một Em ơi Hà Nội phố trầm mặc qua giọng ca của nữ ca sĩ Cẩm Vân (xem video). Tuy nhiên, Thanh Lam cũng là người thể hiện ca khúc này rất thành công trong bộ phim Xích lô của đạo diễn Trần Anh Hùng vào năm 1995 (xem video).

6. “Hà Nội và tôi” (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhạc: Lê Vinh)

“… Nơi tôi sinh Hà Nội Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó Đêm lặng nghe trong gió Tiếng sông Hồng thở than…”

Hà Nội và tôi là lời tâm sự của một chàng trai Hà Nội khi sắp phải rời xa quê hương. Điều anh ta nhớ nhất chính là ngôi nhà mình đã sinh ra và lớn lên ở “ngõ nhỏ, phố nhỏ”. Người ta nói rằng chỉ cần một ngày lang thang trên mỗi góc phố Hà Nội, những ký ức đó sẽ mãi in sâu trong tâm trí của bất kỳ ai từng đặt chân lên mảnh đất này. Khuất sâu trong từng nốt nhạc của Hà Nội và tôi là một nỗi xao xuyến, bồi hồi để lại cho người sự bâng khuâng, lắng đọng bên trong tâm hồn.

bai%20hat%20hay%20ve%20HN%206.jpg "Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó...". Ảnh tư liệu.

Chuẩn bị lên đường, chàng trai ấy mang trong lòng tâm sự nặng trĩu và lưu giữ tại những hình ảnh thân quen nhất về Hà Nội như Hồ Gươm, mùi hoa sữa, “những cánh phượng rơi” và đặc biệt là “tiếng sông Hồng thở than” trong đêm. Hà Nội và tôi đã nói lên nỗi lòng của những người con thủ đô đang tha phương nơi xứ người. Giọng ca ấm áp, truyền cảm của cố nghệ sĩ Ngọc Tân gợi nhớ đến hình ảnh của một Hà Nội đắm say, vắng lặng của thời xa xưa (xem video).

7. “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” (nhạc sĩ Ngọc Khuê)

“… Bên lúa, anh bên lúa, cánh đồng làng ven đê Hồ Tây xanh mênh mông, trong tươi thắm nắng chiều Làng em, làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa Hồ Tây đôi bên, trong tình yêu hoa lúa rộn ràng…”

Mùa xuân năm 1982, bản nhạc Mùa xuân, làng lúa làng hoa qua giọng hát mượt mà của ca sĩ Thanh Hoa đã được truyền đi từ Đài tiếng nói VN (nghe ca khúc). Cho đến nay mỗi độ khi xuân về, giai điệu bất hủ của ca khúc này vẫn tiếp tục vang lên như nhắc nhở người nghe nhớ về một thời đã xa của vùng phía Bắc thủ đô. Nhạc sĩ Ngọc Khuê từng tâm sự rằng cảm hứng sáng tác Mùa xuân, làng lúa làng hoa đến với ông rất tình cờ khi đạp xe tới thăm một người bạn ở gần Hồ Tây vào mùa đông năm 1981.

bai%20hat%20hay%20ve%20HN%207.jpg Vẻ mênh mông của Hồ Tây trong "tươi thắm nắng chiều". Ảnh: Xuân Chính.

Lúc bấy giờ, người nhạc sĩ phát hiện ra rằng ở Hồ Tây không chỉ có làng hoa mà còn tồn tại những cánh đồng lúa chín vàng bát ngát. Từ đó câu hát: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người, bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng” đã ra đời. Mùa xuân, làng lúa làng hoa giống như một khúc hò vang vọng giữa mênh mông trời nước Hồ Tây, báo tin mùa xuân đã tới trên khắp các nẻo đường. Nhiều thế hệ người VN còn quen thuộc với ca khúc này qua giọng hát của nữ ca sĩ Trung Anh (xem video).

8. “Chị tôi” (thơ Đoàn Thị Tảo, nhạc: Trọng Đài)

“… Thế là chị ơi, rụng bông hoa gạo Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh Ngày chị sinh, trời cho làm thơ Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở Cho làm câu hát, để người lý lơi…”

Mặc dù trong lời bài hát không có một chữ “Hà Nội” nào, Chị tôi vẫn được coi là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất về thủ đô. Sự kín đáo, thanh lịch cùng dáng vẻ tần tảo của người phụ nữ Tràng An được thể hiện qua từng câu hát mộc mạc mang tâm trạng khắc khoải. Chị tôi cũng là một trong những ca khúc đầu tiên đem lại thành công cho ca sĩ Mỹ Linh. Chất giọng khỏe khoắn, truyền cảm của cô đã khắc sâu trong tâm trí người nghe. Ngoài Mỹ Linh, chưa giọng ca nào có thể truyền tải được hết cái “hồn” của Chị tôi.

bai%20hat%20hay%20ve%20HN%208.jpg NSND Lê Khanh gây ấn tượng khi hóa thân thành người phụ nữ trong video clip "Chị tôi". Ảnh: Thiên Hùng.

Số mệnh đa đoan của người con gái Hà Thành được gửi gắm một cách ý nhị, ngậm ngùi trong ca từ của Chị tôi. Người chị được sinh ra khi “trời không nín gió” đã dự cảm cho một cuộc đời không được suôn sẻ. Từ “lý lơi” trong câu hát thể hiện cho thực tế cay đắng, chênh vênh của người phụ nữ tài sắc trong xã hội xưa. Hình ảnh Mỹ Linh tóc dài thướt tha ngồi hát trong một căn nhà cổ, còn NSND Lê Khanh e ấp, duyên dáng trong tà áo dài trắng tinh khôi ở video clip Chị tôi cũng để lại những dấu ấn khó phai nhòa trong những dòng ký ức về Hà Nội của nhiều người (xem video).

9. “Trời Hà Nội xanh” (nhạc sĩ Văn Ký)

“… Xanh xanh thắm, bầu trời xanh Hà Nội Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh Thân thương quá nụ cười người Hà Nội Đã gặp rồi mà bồi hồi, nhớ mãi Hà Nội ơi…”

Nhạc sĩ Văn Ký từng viết khoảng 10 ca khúc về Hà Nội nhưng trong số đó, có lẽ Trời Hà Nội xanh là bài hát có ca từ mượt mà, đằm thắm nhất. Hình ảnh bầu trời xanh được lặp đi lặp lại trong lời ca như gợi nhớ người nghe về một mùa thu “Hà Nội vùng lên, Hồng Hà cuộn sóng” năm nào. Màu xanh của bầu trời thủ đô tháng 10 luôn đem tới cảm giác thanh bình là một hình ảnh đậm chất thơ đã được bao nhiêu người nghệ sĩ đưa vào trong những tác phẩm của mình (nghe ca khúc qua giọng hát Hồ Quỳnh Hương).

bai%20hat%20hay%20ve%20HN%209.jpg Hà Nội trong xanh một ngày mùa thu tháng 10. Ảnh: Quang Xuân.

Năm nay, nhân kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi, giai điệu của Trời Hà Nội xanh lại vang lên như tỏ rõ khí chất hào hùng, anh dũng và quả cảm của những con người thủ đô. Để được như ngày hôm nay, Hà Nội đã phải trải qua những thời kỳ khốc liệt với bom đạn chiến tranh và những đêm dài “mịt mù bão lửa”. Nhưng dù vạn vật có đổi thay sau một nghìn năm thì bầu trời Hà Nội vẫn sẽ mãi trong xanh trong tâm trí của những con người đã và đang gắn bó với nơi này.

10. “Nhớ về Hà Nội” (nhạc sĩ Hoàng Hiệp)

“… Dù có đi bốn phương trời Lòng vẫn nhớ về Hà Nội Hà Nội của ta, thủ đô yêu dấu Một thời đạn bom, một thời hòa bình…”

“Đối với tôi, Hà Nội không chỉ là thủ đô mà còn là những tháng năm dài cuộc sống. Vui có, buồn có, khổ đau có, hạnh phúc có, thanh bình cũng có mà bom đạn cũng có. Vì vậy, càng xa Hà Nội, tôi càng thêm yêu Hà Nội” - nhạc sĩ Hoàng Hiệp kể về những kỷ niệm với thủ đô thân thương. Hà Nội có thể là những con phố dài rợp bóng cây, cũng có thể là “Hồ Gươm xanh thắm, nơi tháp rùa nghiêng soi bóng” hay “những chiều 30 Tết chen giữa đào hoa thắm”… Hà Nội trong tiềm thức của mỗi người con rất khác biệt nhưng chắc chắn có một điều không thể đổi thay, đó là “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.

bai%20hat%20hay%20ve%20HN%2010.jpg Tên tuổi của Hồng Nhung luôn gắn liền với những bài hát nổi tiếng về Hà Nội. Ảnh: Bá Hải.

Nhớ về Hà Nội là ca khúc gắn liền với tâm hồn và sự nghiệp của ca sĩ Hồng Nhung. Bống (tên gọi thân thương của Hồng Nhung) tâm sự rằng mình không nhớ nổi đã biểu diễn bài hát này bao nhiêu lần trên sân khấu nhưng mỗi lần, cô đều thể hiện bằng tất cả trái tim của một người con Hà Nội. Thủ đô sẽ đổi thay theo năm tháng nhưng giai điệu và cảm xúc của Nhớ về Hà Nội thì sẽ còn mãi nguyên vẹn trong tâm trí của mỗi người con Hà Nội (nghe ca khúc).

(Theo vnexpress)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022