Chiều 23/8, Hội nhạc sĩ Việt Nam gửi công văn lên Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đề nghị Hội đồng cấp Bộ và cấp Nhà nước xét công lao nhạc sĩ Phạm Tuyên và có phần thưởng xứng đáng với những cống hiến của ông cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Trên cơ sở đó, chiều 26/8, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã tổ chức cuộc họp liên ngành do Thứ trưởng Lê Khánh Hải chủ trì và đi đến kết luận: Nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, đồng ý đưa danh sách tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Tuyên vào diện xét Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay.

Pham-Tuyen.jpg Nhạc sĩ Phạm Tuyên cho biết, nếu được Nhà nước công nhận thì tốt, nếu không với ông cũng không có gì quá buồn bởi giải thưởng lớn nhất đời người nghệ sĩ là do quần chúng trao tặng. Ảnh: ST.

Bộ cũng yêu cầu Hội Nhạc sĩ triển khai các thủ tục, hướng dẫn nhạc sĩ Phạm Tuyên lập hồ sơ đăng ký tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; tổ chức họp Hội đồng cấp cơ sở để xét hồ sơ của nhạc sĩ theo đúng quy định và báo cáo kết quả lên Bộ trước ngày 15/9.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam - cho biết, ngay sau khi nhận được công văn của Bộ, Hội nhạc sĩ đã thông báo cho nhạc sĩ Phạm Tuyên đồng thời gửi cho ông bộ mẫu hồ sơ gồm hai trang với nội dung liệt kê tiểu sử, đóng góp cho âm nhạc và kê khai các tác phẩm. "Khi trao đổi với chúng tôi, nhạc sĩ Phạm Tuyên và gia đình rất phấn khởi, đã đồng ý làm hồ sơ một cách nhanh chóng. Trước đó có ý kiến cho rằng, những người tự trọng sẽ không làm đơn xin giải. Bản thân nhạc sĩ Phạm Tuyên cũng nói, ông không làm đơn xin nhưng đây không phải là đơn mà là thủ tục bắt buộc. Nhạc sĩ Phạm Tuyên hiểu ra điều đó và sẵn sàng hợp tác" - nhạc sĩ Đồ Hồng Quân trả lời VnExpress.net.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên rất hào hứng khi trao đổi với phóng viên. Bằng chất giọng sang sảng, vị nhạc sĩ 82 tuổi cho biết, ông đang thực hiện hồ sơ để nộp lên Hội nhạc sĩ Việt Nam trước 10/9. "Quan điểm của tôi vẫn là không làm đơn xin. Tôi rất cám ơn những anh em trong Hội nhạc sĩ Hà Nội đã làm công văn xin xét giải cho tôi nhưng đúng là khen thưởng phải theo quy chế. Cách đây 3 ngày (27/8), Hội nhạc sĩ Việt Nam có cử người đến gặp tôi hướng dẫn làm hồ sơ. Trước đó, tôi đã gửi cho Hội nhạc sĩ Việt Nam một hồ sơ gồm rất nhiều sáng tác nhưng theo gợi ý của Hội nhạc sĩ Việt Nam và Hội nhạc sĩ Hà Nội, tôi nên chọn 5 bài cho đúng quy chế. Những bài họ gợi ý cho tôi, tôi đều đồng ý vì đó là những tác phẩm phổ biến và được nhiều giải thưởng" - ông chia sẻ.

Cụm 5 tác phẩm nhạc sĩ Phạm Tuyên lựa chọn để kê khai là: Những ngôi sao ca đêm - bài hát sáng tác từ thập niên 1960, nổi tiếng với tiếng hát Lê Dung; Từ làng sen - bài hát trở thành truyền thống của Nghệ An và cả nước mỗi ngày sinh nhật Hồ Chí Minh; Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng - bài hát thiêng liêng của cả dân tộc; Tiến lên đoàn viên - bài hát dành cho thế hệ thiếu niên ra đời cách đây hơn 50 năm nhưng vẫn được yêu mến và Đêm trên Chalo - bài hát viết về bộ đội biên phòng nhưng vượt ra khỏi giới hạn không gian, trở thành bài hát bảo vệ biển đảo, thành bài ca giữ nước. Những bài hát này nhạc sĩ Phạm Tuyên chỉ còn giữ bản nhạc nên Hội nhạc sĩ đang tích cực sưu tầm các CD thu tiếng để hoàn thiện hồ sơ cho ông.

ngockhoi.jpg Trong buổi họp báo chiều 11/8 tại Hà Nội, nhạc sĩ Ngọc Khôi - Phó chủ tịch Hội nhạc sĩ VN - thay mặt cho Chủ tịch - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (đang đi công tác vắng) cho báo chí biết, nhạc sĩ Phạm Tuyên không làm hồ sơ xét giải, chỉ có công văn của Hội nhạc sĩ Hà Nội gửi đi nhiều nơi xin xét giải cho vị nhạc sĩ lão thành. Điều này không đúng với quy trình và vượt khỏi phạm vi quyền của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Ảnh: Song Nguyên.

Theo hướng dẫn của thông tư 03, các nghệ sĩ làm hồ sơ xin xét Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2011 phải hoàn thành hồ sơ từ tháng 12/2010. Một số trường hợp được linh động nhưng cũng chỉ sau mốc đó không lâu. Riêng nhạc sĩ Phạm Tuyên là trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên ông không bị quá muộn vì đợt trao giải năm nay sẽ không diễn ra vào 2/9 như thông lệ. "Hiện tại, Bộ vẫn đang tích cực triển khai các công tác chuẩn bị để sớm họp 14 Hội đồng tư vấn cấp Nhà nước trước khi trình lên Hội đồng cấp Nhà nước. Kết quả của Hội đồng cấp Nhà nước sẽ được trình lên Thủ tướng xem xét, đề nghị Chủ tịch nước quyết định phong tặng. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ lưỡng, cẩn thận nên chưa thể trao đúng ngày 2/9” - ông Tô Văn Động, người phát ngôn của Bộ, cho biết. "Những lần trao giải trước cũng thường diễn ra sau 2/9 nhưng trên văn bản vẫn ký đúng ngày 2/9 vì đó đã là mốc được chọn" - nhạc sĩ Cát Vận, Chủ tịch Câu lạc bộ Âm nhạc và Báo chí, lý giải.

Trao đổi về trường hợp nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tiếp tục khẳng định, quan điểm của Hội nhạc sĩ trước sau như một: Nhạc sĩ Phạm Tuyên xứng đáng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh bởi những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc cách mạng, song khúc mắc trong việc làm hồ sơ khiến mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát của Hội. "Một số báo nói chúng tôi đứng ngoài, chúng tôi sai và bây giờ tìm cách sửa sai là không đúng - điều đó khiến những người làm công tác văn học nghệ thuật như chúng tôi rất buồn" - ông Đỗ Hồng Quân tâm sự.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên sinh ngày 30/1/1930, quê ở Bình Giang, Hải Hưng. Ông là con thứ 9 của nhà báo Phạm Quỳnh.

Năm 1949, ông công tác tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Năm 1950, là Đại đội trưởng Thiếu sinh quân Việt Nam. Trong thời gian này, ông đã có những chùm ca khúc về Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, về Thiếu sinh quân Việt Nam.

Từ năm 1958, ông công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, đảm nhiệm nhiều chức vụ chỉ đạo về biên tập âm nhạc. Từ đó cho đến năm 1975, ông đã sáng tác nhiều bài hát được nhiều người biết như Bài ca người thợ rừng, Bài ca người thợ mỏ, hợp xướng Miền Nam anh dũng và bất khuất, Bám biển quê hương, Yêu biết mấy những con đường, Chiếc gậy Trường Sơn, Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ, Từ làng Sen, Đêm Cha Lo, Từ một ngã tư đường phố...

Bài Như có Bác trong ngày đại thắng được ông sáng tác đêm 28/4/1975, tập và thu âm ngay trong chiều 30/4/1975 để phát sóng trong bản tin thời sự đặc biệt lúc 17h của Đài tiếng nói Việt Nam, công bố tin giải phóng miền Nam.

Sau 1975, ông có những ca khúc phổ biến như: Gửi nắng cho em, Con kênh ta đào, Màu cờ tôi yêu (thơ Diệp Minh Tuyền), Thành phố mười mùa hoa (thơ Lệ Bình)...

Bên cạnh đó, Phạm Tuyên có nhiều sáng tác nổi tiếng cho thiếu nhi: Tiến lên đoàn viên, Chiếc đèn ông sao, Hành khúc Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Hát dưới cờ Hà Nội, Gặp nhau giữa trời thu Hà Nội, Đêm pháo hoa, Cô và mẹ,...

Ông là Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam từ năm 1963 -1983.

Phạm Tuyên hiện đã nghỉ hưu và sống tại Hà Nội.

Theo vnexpress

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022